Thứ 5, 28/03/2024 21:31:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:48, 22/08/2014 GMT+7

Doanh nghiệp đòi tăng chi phí kinh doanh xăng dầu

Thứ 6, 22/08/2014 | 14:48:00 118 lượt xem
BPO - Trước đề xuất tăng chi phí định mức kinh doanh thay cho mức 860 đồng/lít hiện nay của các doanh nghiệp xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại rằng sẽ lại kéo giá xăng dầu tăng theo.

Nếu tăng chi phí kinh doanh định mức, giá bán xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng

Một số ý kiến đề nghị cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo kiểm toán để xem xét chi phí kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu.

Không tăng sẽ... lỗ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục trưởng Cục Quản lý giá):

Sẽ rà soát

Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo thực tế chi phí kinh doanh định mức của các doanh nghiệp, hiện Cục Quản lý giá đang cho rà soát tổng thể. Tuy nhiên, có cho tăng không, nếu tăng thì mức bao nhiêu sẽ phải rà soát rất kỹ. Thực tế có yếu tố chi phí tăng nhưng cũng có yếu tố giảm. Chúng tôi sẽ phân loại xem chi phí của từng mặt hàng như xăng, dầu diesel, dầu hỏa... là bao nhiêu rồi mới tính toán và quyết định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quang Khanh - phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN - cho rằng sau một năm áp dụng chi phí định mức đối với xăng dầu là 860 đồng/lít theo thông báo 135 (năm 2013) của Bộ Tài chính, đến nay không còn phù hợp do chi phí kinh doanh hằng năm đều tăng. Theo ông Khanh, tổng chi phí kinh doanh phải được xác định lại một cách hợp lý để doanh nghiệp không bị lỗ do cơ chế.

Về quy định thù lao cho đại lý, ông Khanh cho rằng nên để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự thỏa thuận với các đại lý thay vì Nhà nước quy định tối đa không được vượt quá 50% chi phí định mức. Vì tùy theo diễn biến giá xăng dầu và tình hình tài chính kinh doanh cũng như chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp và đại lý sẽ thỏa thuận mức thù lao.

Trước đó, ông Trần Ngọc Năm - phó tổng giám đốc Petrolimex - cho biết trong báo cáo chi phí kinh doanh thực tế gửi Bộ Tài chính, ngoài các yếu tố được tính trong chi phí kinh doanh định mức trước đây, doanh nghiệp đầu mối đã đề nghị xem xét bổ sung một số yếu tố chi phí khác gồm: chi phí hao hụt khâu nhập khẩu, chi phí tài chính phát sinh của doanh nghiệp do phải vay vốn để đảm bảo vốn cho kinh doanh, tiền nộp thuế khâu nhập khẩu trước khi thông quan, chênh lệch tỉ giá...

“Những yếu tố này đã tác động đáng kể đến cấu thành giá trong chi phí kinh doanh định mức” - ông Năm nói.

Dù chưa thể đưa ra con số chi phí kinh doanh định mức cụ thể do việc xác lập con số chính thức phải có tính toán của cơ quan nhà nước nhưng theo ông Năm, chi phí kinh doanh định mức hiện tại chưa tính đầy đủ.

“Chúng tôi mong muốn sẽ phối hợp với các cơ quan nhà nước để hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành nghị định thay thế nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu (sắp được ban hành), trong đó kiến nghị phải tăng chi phí kinh doanh định mức...” - ông Năm cho biết.

Tăng chi phí kinh doanh, giá xăng sẽ tăng theo

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu tăng chi phí kinh doanh định mức đối với mặt hàng xăng dầu, chắc chắn giá cơ sở sẽ tăng. Vì chi phí kinh doanh định mức là một yếu tố cấu thành trong giá cơ sở. Và khi giá cơ sở tăng, giá bán mặt hàng cũng sẽ tăng theo.

“Liệu chi phí kinh doanh định mức là 860 đồng/lít đối với xăng dầu hiện nay đã đúng? Tại sao doanh nghiệp luôn kêu mức này là không phù hợp, kinh doanh khó khăn, nhưng thực tế doanh nghiệp lại có lợi nhuận như Petrolimex chẳng hạn, sáu tháng đầu năm lãi trước thuế 856 tỉ đồng?” - ông Long nói.

Theo đề nghị của ông Long, cơ quan quản lý cần rà soát, tính toán lại các chi phí kinh doanh từ chi phí lương, hoa hồng cho các đại lý, khấu hao trang thiết bị... nhằm loại bỏ các chi phí bất hợp lý.

Trả lời về tình trạng doanh nghiệp tăng chiết khấu cho đại lý để tranh thị phần, bỏ qua cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng, ông Trần Ngọc Năm cho rằng thù lao đại lý phụ thuộc vào cự ly vận chuyển, khối lượng mua, thời gian thanh toán, uy tín, quan hệ truyền thống và các yếu tố thị trường khác...

Hơn nữa, thù lao đại lý còn bao gồm cả lợi nhuận định mức mà doanh nghiệp đầu mối phải dành cho đại lý. Giải thích về xu hướng tăng thù lao đại lý hiện nay, ông Năm cho rằng chủ yếu là do các doanh nghiệp đầu mối nhập được sản phẩm giá thấp thời gian gần đây, trong khi tồn kho giá cao ít nên điều chỉnh chính sách bán hàng phù hợp.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, cần tính toán cụ thể mức chi phí kinh doanh ở các vùng thay vì cào bằng là áp dụng một mức như hiện nay. Ở vùng sâu vùng xa - nơi có điều kiện kinh doanh khó khăn, chi phí kinh doanh sẽ cao hơn các vùng trung tâm, có điều kiện kinh doanh thuận lợi.

“Không thể để các doanh nghiệp kinh doanh ở những vùng trung tâm được hưởng lợi do cơ chế mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng” - ông Long nói.

Nguồn TTO

  • Từ khóa
37678

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu