Thứ 6, 29/03/2024 05:14:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:15, 08/12/2016 GMT+7

Doanh nghiệp nhà nước phải làm gương

Thứ 5, 08/12/2016 | 08:15:00 107 lượt xem

BP - “Đến ngày 30-10-2016, toàn tỉnh có 575 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng cộng 60 tỷ đồng. Trong số đó có 38 doanh nghiệp nhà nước nợ 7,657 tỷ đồng, 49 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 25,581 tỷ đồng, 488 doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 26,765 tỷ đồng”- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Mai Văn Tiến thông tin trong phần trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa IX diễn ra hôm qua 6-12.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30-9-2016, cả nước nợ bảo hiểm xã hội 13.121 tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu. Trong số đó có 3.351 tỷ đồng là nợ kéo dài trên 6 tháng. Đối tượng nợ không chỉ là các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bao gồm các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Đặc biệt, trong số nợ 3.653 tỷ đồng bảo hiểm y tế, ngân sách địa phương nợ tiền đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế lên tới 2.212 tỷ đồng...

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi nhưng cố tình nợ tiền bảo hiểm của người lao động, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm mà chiếm dụng sử dụng vào mục đích khác. Nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có nhiều nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm...

Chuyện chây ỳ thuế, nợ tiền bảo hiểm diễn ra từ nhiều năm qua ở nước ta. Việc cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm vì áp lực chỉ tiêu phải “xách túi” (phát văn bản) đến tận doanh nghiệp “đòi nợ” không còn là chuyện hiếm. Thậm chí nhiều vụ việc đã phải kiện ra tòa mới đòi được tiền thuế, tiền bảo hiểm... Trong suy nghĩ của người dân cũng như công chức trong các cơ quan chức năng, rằng chuyện “xù”, “nợ”, “chây ỳ” các khoản tiền phải nộp, phải trả theo quy định... cũng như nhiều việc khác tương tự chỉ xảy ra trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Thế nhưng thực tế là rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng chây ỳ.

Hậu quả của việc nợ tiền bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Để nhà nước quản lý xã hội được tốt thì phải có luật pháp chặt chẽ và phải được cả xã hội chấp hành nghiêm minh. Để được cả xã hội chấp hành nghiêm minh, bản thân nhà nước phải làm gương trong việc chấp hành pháp luật. Doanh nghiệp nhà nước là một phần của nhà nước. Vì thế, trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có thể thua kém mặt này hay mặt khác, nhưng việc chấp hành pháp luật thì phải đi đầu, phải làm gương cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu