Thứ 4, 24/04/2024 08:28:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:56, 15/08/2019 GMT+7

Đôi bàn tay mẹ

Thứ 5, 15/08/2019 | 15:56:00 367 lượt xem
BP - Vào những ngày này, những con thảo cháu hiền trên mọi miền đất nước lại thấy lòng mình bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ. Sự biến tấu của người Việt về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên bên nước Tàu đã khiến lễ Vu Lan trở thành nghi thức đặc biệt, mang tính truyền thống dịp rằm tháng bảy này.

Với một đứa con sống xa quê như tôi, số lần được ngồi ăn cùng cha mẹ trong bữa cơm gia đình đầm ấm chỉ tính đủ trên hai bàn tay. Cuộc đời đã cuốn tôi theo dòng chảy mưu sinh không thể nào cưỡng lại được. Thế nhưng, mỗi dịp tết hay dịp lễ Vu Lan này, trong tôi lại hiển hiện mồn một ngôi nhà tường chình đất, mái lợp lá kè mà bốn chị em tôi đã được sinh ra, lớn lên. Nơi đó, tôi đã chứng kiến ông nội trút hơi thở cuối cùng; nơi cha chôn núm ruột của bốn chị em tôi nơi gốc cây mít cổ thụ trước nhà; nơi mẹ tôi rửa chân ì oạp ở cầu ao mỗi buổi chiều làm đồng về; và nơi bốn chị em tôi thường ngồi trên bậu cửa ngóng mẹ trở về mỗi phiên chợ để giành nhau quà bánh...

Giờ ngồi ngẫm lại mới thấy, trong cuộc sống, tôi luôn có những dự định cho tương lai của bản thân, cho gia đình nhỏ của mình nhưng lại ít khi có dự định một cách nghiêm túc nhất, rõ ràng nhất cho cha mẹ. Những năm tháng được sống cùng cha mẹ là khi hai người đã già yếu. Tôi cứ nghĩ, chỉ cần bảo đảm đời sống vật chất cho cha mẹ đủ đầy là được. Thế nên mỗi khi được mời dự tiệc, được ăn những của ngon vật lạ, tôi đều cố tìm mua để cha mẹ già cùng thưởng thức. Áo mẹ hơi sờn, tôi đã nhanh nhảu đi may áo mới. Thấy cha ngủ không trọn giấc, tôi tìm mua ngay loại trà an thần tốt nhất. Thấy cha mẹ nhớ quê, tôi thường nối điện thoại để hai người được trò chuyện với những người bà con, xóm giềng một thuở. Như một đứa trẻ thích được tuyên dương, tôi thường hãnh diện mỗi khi có người khen cha mẹ tôi được con cháu phụng dưỡng, sống cuộc đời sung sướng, an nhàn, chẳng thiếu thứ gì. Tôi chăm sóc cha mẹ không chỉ bởi tình yêu thương mà còn để không ai chê trách, để cha mẹ già làm đẹp thêm cảnh nhà.

Thế nhưng sao cha mẹ vẫn buồn. Nỗi buồn xa quê vì đi theo con cháu dường như khó diễn đạt thành lời nên hai ông bà thường rủ rỉ với nhau về những tháng ngày còn đủ sức bươi đất nhặt cỏ, lam lũ trên cánh đồng làng. Tôi chỉ cảm nhận được nỗi khao khát quê hương của cha mẹ mình khi bất chợt có những người khách quê ghé thăm. Những lúc ấy, hai ông bà ríu ran chuyện làng chuyện xóm, như sống về nguồn, như cá gặp mưa. Rồi họ ngơ ngẩn chia tay những người khách quê, như thể vừa để vuột mất nguồn thông tin quý giá, như thể cắt đứt mất mối liên hệ mật thiết với quê nhà.

Với cuộc sống đủ đầy, thậm chí dư thừa vật chất, nhưng cha mẹ tôi lại chỉ cần sự quan tâm, tin tưởng nhờ cậy của những đứa con, đứa cháu. Nhưng đã lâu rồi, các con tôi không còn sà vào lòng đòi ông, bà kể chuyện. Đã lâu rồi, tôi không còn nhổ tóc sâu cho mẹ vì tóc mẹ đã bạc trắng hết. Cũng đã lâu rồi, tôi không hỏi mẹ cách đánh tưa lưỡi cho trẻ vì các con tôi đều đã lớn. Tôi cũng không hỏi mẹ cách muối dưa, muối cà thế nào cho ngon, để mẹ luôn có câu trả lời thỏa đáng, như bà ngoại luôn trả lời mẹ, như bà cố luôn trả lời ngoại. Và cuộc sống cứ thế, già đưa tay cho trẻ, sẻ san và dẫn bước cho trẻ, bao dung và cũng rất tự nhiên, như quy luật của đất của trời.

Mùa Vu Lan này, dẫu vẫn cài lên ngực đóa hồng màu đỏ, lòng tôi vẫn day dứt bởi đã từ lâu, tôi vô thức buông lơi bàn tay cha mẹ mình mà không hề hay biết.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
107965

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu