Thứ 6, 29/03/2024 15:57:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:22, 14/09/2018 GMT+7

Đời sống của người lao động ở các khu công nghiệp - Bài 1

Thứ 6, 14/09/2018 | 06:22:00 202 lượt xem
BP - Để đánh giá sát thực trạng đời sống vật chất và tinh thần công nhân (CN), Liên đoàn Lao động tỉnh đã trực tiếp tổ chức điều tra xã hội học qua gần 2.000 phiếu khảo sát tại khu vực các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, CN đang phải chấp nhận ở một nơi thiếu thốn tiện ích sinh hoạt tối thiểu lẫn đời sống tinh thần nghèo nàn và họ đang phải “gồng mình” sử dụng điện, nước với giá “trên trời”.

CHẠNH LÒNG VỚI NHỮNG DÃY NHÀ TRỌ

CN làm việc tại KCN thường thu nhập không cao và cũng không có ý định cư lâu dài nên không mua nhà ở. Phần lớn CN trọ tại các dãy nhà do người dân sống gần KCN xây dựng để tiện đến công ty, nhà máy. Đồng thời, áp lực thời gian tăng ca, đi làm sớm, về muộn… cũng là những yếu tố tác động tới việc CN chấp nhận điều kiện sống thấp và tiền điện, nước giá cao vốn đã trở thành “mặc định” ở các khu nhà trọ hiện nay.

Điều kiện sống tạm bợ

Nhiều năm qua, cùng với phát triển các KCN, tỉnh rất quan tâm vấn đề nhà ở cho người lao động. Nhưng chủ yếu vẫn là có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Một số KCN trên địa bàn tỉnh đã bố trí quỹ đất riêng để xây dựng nhà ở cho CN. Nhưng hầu hết các KCN chưa có quy hoạch xây dựng nhà ở tập trung và các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CN.

Chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Hoài Vy (27 tuổi), quê ở Đồng Tháp về căn phòng trọ của vợ chồng chị cách KCN Đồng Xoài II chưa tới 1km, gần quốc lộ 14 nên rất thuận tiện. Căn phòng khoảng 12m2 là nơi ngủ nghỉ, vệ sinh, bếp và “kiêm” luôn chức năng kho chứa tất cả vật dụng sinh hoạt gia đình. “Vợ chồng em thu nhập mỗi tháng khoảng hơn 10 triệu đồng. Tiền nhà trọ, điện, nước hết 1 triệu đồng. Ăn uống tằn tiện cũng hết 3 triệu đồng, 5 triệu gửi về quê cho ông bà nội nuôi 2 đứa nhỏ 7 và 3 tuổi, còn lại tích lũy phòng khi ốm đau và cuối năm về quê. Quần áo, giày dép không dám sắm, phải tiết kiệm từng chút mới đủ sống chị ạ!” - Vy nhẩm tính rồi gượng cười.

Công nhân thường có đời sống tinh thần nghèo nàn, chỉ quanh quẩn ở phòng trọ sau giờ làm việc

Ở hai dãy nhà trọ với 22 phòng đối mặt vào nhau có lối đi chung ở giữa chừng 2m. Ngay trên đầu được đặt các sào tre dùng để phơi đồ nên quần áo “ngự” hết trên đầu mỗi khi qua lại. 100% hộ trọ ở đây là CN, có cả gia đình và độc thân. Độc thân thì 2-3 người, thậm chí 5 người ở chung để đỡ tốn tiền phòng, điện, nước. Lê Thị Hồng Thắm ở với 2 cô bạn làm cùng công ty tại KCN Đồng Xoài II chia sẻ: “Với mức lương tối thiểu hiện nay thì độc thân cũng phải tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng mới có dư. Hơn nữa, chúng em đi từ sáng sớm đến 5 giờ chiều mới về, tăng ca thì đến 8-9 giờ tối nên về tới là ngủ thôi, phòng rộng quá cũng chẳng cần thiết”.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đa số CN lao động chọn sống chung với gia đình (59,1%) hoặc ở ghép (26,9%). Số người ở một mình với tỷ lệ khiêm tốn (14%). Qua thực tế khảo sát còn cho thấy, mặc dù diện tích các phòng trọ tương đối đạt yêu cầu, bình quân 15,6m3 nhưng do sống chung, ở ghép nhiều người dẫn đến tỷ lệ phòng có 3 người chiếm 28,9%, 4 người 13,2% và từ 5 người trở lên 2,5%. Nhiều phòng trọ có rất đông thế hệ chung sống như ông bà, vợ chồng, con cái, em vợ, em chồng... nên diện tích phòng vốn đã nhỏ lại càng thêm chật hẹp, không đảm bảo không gian sinh hoạt cũng như vệ sinh môi trường. Đơn cử như tại dãy nhà trọ ở ấp 3, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) có 5 người sinh sống trong một phòng gồm: Mẹ chồng, vợ chồng trẻ, 1 cô em gái của vợ và đứa con 3 tuổi. “Chỉ có bà cháu ở nhà còn 3 người lớn đi cả ngày rồi, ở như vậy cũng thoải mái mà chị” - Khoan Văn Quán (28 tuổi) cho biết.

Đời sống tinh thần nghèo nàn

Điều kiện không cho phép nên CN không chỉ sống tằn tiện về vật chất, mà đời sống tinh thần cũng không có gì phong phú, hấp dẫn. Thu nhập của CN lao động có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức trung bình 5-6 triệu đồng/tháng, có tới 25% lương 3-4 triệu đồng/tháng. Số người thu nhập khá không nhiều, chỉ 10,9% thu nhập ở mức 7-8 triệu đồng. CN thu nhập từ 9 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 1,7%. Nữ CN tuy chiếm số đông nhưng thu nhập thấp hơn nam. Nam giới thu nhập từ 7-8 triệu đồng chiếm 59,5% và trên 9 triệu đồng chiếm 28,8%.

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tỉnh đã chú trọng hơn trong tạo sân chơi cho người lao động (Trong ảnh: Thi chung kết xếp hạng Giọng hát hay công nhân tỉnh Bình Phước năm 2018)

Trong căn phòng trọ chừng 16m2 có gác lửng, 5 thanh niên chạc tuổi Nguyễn Văn Sơn (22 tuổi) đang ngồi bên nhau sau giờ làm. Họ không nói với nhau lời nào mà mỗi người mỗi góc và thi nhau... bấm trên điện thoại. Hóa ra họ chơi game. Tôi đến hỏi han, bắt chuyện nhưng chẳng mấy ai hào hứng trả lời. Tất cả chỉ nhoẻn miệng cười nhưng mặt vẫn chăm chú xem điện thoại. Sơn chia sẻ: “Chúng em thường xuyên tăng ca, tăng giờ cộng với thu nhập thấp nên không dám nghĩ đến việc hưởng các dịch vụ vui chơi, mua sắm hay giải trí tốn kém nên đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn. Chúng em có dư dả chút ít nhưng phải dành dụm gửi về cho mẹ ở quê, sao dám nghĩ tới việc tiêu xài xa xỉ”.

Cùng với đó là trình độ chuyên môn, tay nghề của CN còn nhiều hạn chế, như: 68,7% chưa qua đào tạo, 13,2% đào tạo ngắn hạn; số người có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ khiêm tốn với 14,5%, trong đó 2% đại học; THCS chiếm 41%, THPT 41,9%, tiểu học 16,9% và 0,2% lao động chưa biết chữ là rào cản khiến CN làm việc tại KCN trên địa bàn tỉnh có thu nhập không cao; hạn chế trong việc tạo môi trường tinh thần phong phú, đa dạng hơn.

Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, nhu cầu của CN hiện tập trung vào một số vấn đề bức thiết là thu nhập, nhà ở và nhà trẻ cho con em họ... Nhưng thu nhập từ tăng ca là điều không mấy CN mong muốn. Bởi về đến phòng trọ khoảng 9 giờ tối, họ chỉ kịp ăn qua loa, chợp mắt, sáng ra lại tiếp tục đi làm nên sức khỏe dễ suy kiệt, sức đề kháng giảm. Bên cạnh đó, lương làm thêm giờ không tương xứng với sức khỏe bị vắt kiệt. Với những CN có con nhỏ sẽ càng khó khăn vì không còn thời gian chăm lo cho gia đình, con cái. Cha mẹ tăng ca đến 8-9 giờ tối, lúc đón con cũng chỉ về ngủ, con không thấy rõ mặt cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ cũng không thể hỏi han, quan tâm để nắm bắt tình hình học tập của con. Con cái còn khó chăm sóc nói gì đến thời gian thư giãn, giải trí.

Không thể phủ nhận sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành hữu quan, đặc biệt là Liên đoàn Lao động, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN, Công đoàn các KCN tỉnh mà đời sống của CN lao động những năm gần đây đã có sự cải thiện, cả về tiền lương, thu nhập lẫn điều kiện sống, được tạo nhiều sân chơi dịp lễ, tết. Tuy nhiên, nhìn chung thu nhập của CN vẫn khó đáp ứng nhu cầu thực tế và đời sống tinh thần nghèo nàn. Hạ tầng xã hội trong các KCN hiện còn thiếu công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của CN lao động. Nhà ở, siêu thị, bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, công viên, trung tâm văn hóa... gần như đang là số không!

Ông Nguyễn Hồng Trà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, để cải thiện chất lượng cuộc sống CN, tổ chức công đoàn các cấp, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết vấn đề bức xúc, cấp bách của CN hiện nay. Nhất là các chương trình phúc lợi dành cho CN ở các KCN. Cần có thiết chế: nhà ở xã hội, trường mầm non, siêu thị, trung tâm y tế... để người lao động không còn phải lo lắng về chỗ ở, nơi gửi con. Từ đó, CN chuyên tâm vào công việc của mình. Doanh nghiệp cũng nên hiểu rằng, chăm lo tốt nhà ở cho CN cùng với lương, thưởng đảm bảo mới là giải pháp hàng đầu giữ chân họ lâu dài.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
94439

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu