Thứ 6, 29/03/2024 09:05:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:34, 15/09/2018 GMT+7

Đời sống của người lao động ở các khu công nghiệp - Bài cuối

Thứ 7, 15/09/2018 | 08:34:00 4,198 lượt xem

>> Bài 1: Chạnh lòng với những dãy nhà trọ

BP - Cùng với việc đánh giá thực trạng nhu cầu nhà trọ nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân (CN) thì 2 khoản điện và nước luôn là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu với CN trong mỗi khu nhà trọ. Chính vì thế, muốn ở nhà trọ thuận tiện đi lại, gần nơi làm việc, phù hợp tăng ca, không cần xe máy di chuyển, CN đã và đang phải “gồng mình” sử dụng điện, nước giá cao. Và điều này từ rất lâu như “luật bất thành văn” ở các khu nhà trọ giá rẻ!

NHIỀU CHÍNH SÁCH CHƯA ĐẾN VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện các nhà trọ áp dụng 9 mức giá điện từ dưới 2.000-3.500 đồng/kW, trong đó phổ biến mức 3.000 đồng, chiếm 54,3% và 2.500 đồng chiếm 25,2%. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả thống kê từ các nhà trọ, với giá bình quân là 2.790 đồng/kW. Từ đó cho thấy, CN lao động trong các khu công nghiệp (KCN) chưa được hưởng ưu đãi về giá điện bậc thang theo quy định. Còn với nước máy, CN phải chịu giá... “mút khung”.

Giá điện, nước “trên trời”

Việc CN lao động phải trả tiền điện giá cao có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nhà trọ tự phát, chủ nhà trọ không cư ngụ tại xã nên không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, chủ nhà trọ tự ý thu tiền điện giá cao để hưởng lợi. Tuy nhiên, để tránh phiền hà, do có sự phụ thuộc nhất định vào chủ nhà trọ, CN không muốn bị mất chỗ ở hay bị chủ nhà trọ gây khó dễ... nên đa số không đánh giá thật về khu nhà trọ đang thuê. Hầu hết nhà trọ chỉ xây với mô hình 1 phòng có bếp, khu vệ sinh phía sau và 1 gác lửng làm chỗ ngủ nhưng 33,3% CN vẫn cho rằng nhà trọ rộng rãi, đảm bảo vệ sinh và 22,7% nói giá thuê phòng, điện, nước hợp lý...

Công nhân thường có đời sống tinh thần nghèo nàn nên các công ty đã chú trọng hơn việc tổ chức sân chơi cho người lao động. Trong ảnh: Công ty gỗ Phúc Thịnh (KCN Đồng Xoài I) tạo sân chơi cho công nhân

Thực trạng CN thuê trọ phải chịu giá điện quá cao phổ biến từ rất lâu. Dù Thông tư số 16/2014/TT-BCT quy định về giá bán điện đã nêu rõ: Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm xuất trình sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn của người thuê nhà. Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà, bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Nhưng có lẽ ngại phiền hà đi lại nên chủ nhà trọ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Giá dịch vụ nước sinh hoạt được người lao động trả theo mét khối hoặc khoán theo tháng. Số ít được chủ nhà trọ miễn phí và chủ yếu là nước giếng khoan. Một số khu nhà trọ sử dụng nước giếng khoan qua máy lọc cũng tính giá khác nhau. Cụ thể có 8 mức giá, từ 2.000-12.000 đồng/m3. Trong đó, phổ biến mức 5.000 đồng/m3 chiếm 12,6%, 4.000 đồng/m3 chiếm 7,4%, 5.000 đồng/m3 chiếm 5,2% và 3.000 đồng/m3 chiếm 5%. Nhà trọ sử dụng nước máy, giá nước từ 10.000-12.000 đồng/m3 và số CN sử dụng tương đối thấp chỉ 5,8%.

Chị Mai Thị Nhung đang làm việc tại KCN Đồng Xoài I (xã Tân Thành, TX. Đồng Xoài) chia sẻ: “Vợ chồng em ở Trà Vinh lên Bình Phước làm CN nên phải thuê nhà trọ. Tiền nhà 1 triệu đồng/tháng là hợp lý nhưng giá điện 3.000 đồng/kW và 15.000 đồng/m3 nước thì vẫn còn cao, hết khoảng 500-600 ngàn đồng mỗi tháng. Dù chúng em đã tiết kiệm tối đa trong sinh hoạt, lại đi làm thường xuyên nhưng chi phí hằng tháng vẫn cao”.

Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Phó ban nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: “Đa phần người lao động ở các nhà trọ hiện nay sử dụng nước giếng khoan. Theo quy chế quản lý nhà cho người lao động thuê ở trên địa bàn tỉnh, các trường hợp sử dụng giếng khoan phải có bể lọc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống theo quy định. Và theo Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật, việc khai thác nước với quy mô lớn sẽ phải xin cấp phép. Các nhà trọ khoan giếng và tự ý bán lại cho CN là trái phép. Ngoài ra, CN phản ánh có hiện tượng nước nhiễm phèn và mong muốn được kiểm tra nguồn nước, cho thấy chất lượng nước sinh hoạt ở một số nhà trọ hiện nay chưa đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động”.

Người lao động cần được quan tâm nhiều hơn nữa

Để thực hiện các chương trình phúc lợi thiết thực với CN ở KCN, Liên đoàn Lao động tỉnh đã khảo sát nguyện vọng chính của người lao động. Kết quả, 40,9% CN mong muốn được thuê nhà lưu trú giá rẻ trong KCN; 41,6% muốn được hưởng ưu đãi về giá điện, nước sinh hoạt; 73,68% CN có con nhỏ muốn được gửi con ở trong hoặc gần KCN.

Giải pháp tạo điều kiện sống tốt hơn cho CN, tạo mối gắn kết lâu dài với doanh nghiệp và đem lại sự phát triển cho tỉnh là đầu tư xây dựng hoặc có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa, liên kết đầu tư xây dựng nhà trẻ, nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển giáo dục mầm non phù hợp với môi trường, điều kiện làm việc của CN theo Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, khu chế xuất.

Ông Nguyễn Hồng Trà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Ông Nguyễn Hồng Trà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: “Phần lớn CN chưa được hưởng chính sách ưu đãi về điện, nước sinh hoạt do công tác quản lý nhà ở cho thuê còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật đến các chủ nhà trọ và người lao động chưa thực sự được quan tâm, do đó người lao động chưa hiểu và chưa chủ động phản ánh để bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ chế, chính sách về nhà trẻ, mẫu giáo chưa có sự ưu tiên cho trẻ em là con CN làm việc trong các KCN - nơi có đặc thù riêng về môi trường sống cũng như môi trường làm việc”.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hồng Trà thay mặt Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện Quy chế quản lý nhà cho người lao động thuê để ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 29-5-2012 của UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành hữu quan để xử lý vi phạm về quản lý nhà cho người lao động thuê ở.

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các chủ nhà trọ thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy, các thủ tục về cấp định mức sử dụng điện, vệ sinh môi trường; vận động chủ nhà trọ ký cam kết không tăng giá thuê phòng, giá điện, nước sinh hoạt nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở các KCN cũng như đảm bảo quy định về quản lý nhà cho người lao động thuê để ở. Song song đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Công ty Điện lực Bình Phước, Công ty cổ phần Cấp thoát nước, Công an tỉnh xây dựng phương án áp dụng chính sách ưu đãi về giá điện, nước sinh hoạt theo Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ cho người lao động ở các khu nhà trọ. Để làm được điều này cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cấp định mức sử dụng điện, nước như: Không bắt buộc chủ nhà trọ phải công chứng hợp đồng thuê nhà hay tạm trú dài hạn. Chủ nhà trọ chỉ cần lập danh sách người ở trọ có xác nhận của công an cấp xã và sao y chứng minh nhân dân gửi hồ sơ về điện lực để được cấp định mức sử dụng điện cho CN. Chủ nhà trọ được thu thêm 10% để bù vào các chi phí phát sinh, qua đó hạn chế việc chủ nhà trọ trục lợi từ việc mua bán giá cao cho CN, đồng thời giúp CN được tiếp cận giá điện, nước sinh hoạt ưu đãi. Ngoài ra cũng cần xây dựng mô hình khu nhà trọ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CN ở các KCN.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
94440

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu