Thứ 7, 27/04/2024 05:35:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:36, 03/11/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Đổi thay ở Đa Kia

Vũ Thuyên
Thứ 5, 03/11/2016 | 16:36:00 770 lượt xem
BP - Những năm 2005-2010, Đa Kia là xã nghèo của huyện Bù Gia Mập với hơn 30% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 17%. Nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Đảng, Nhà nước cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đến nay Đa Kia đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm từ 11-12%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,9%, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005.

Hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng

Về Đa Kia hôm nay ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đổi thay vượt bậc so với nhiều xã vùng sâu, xa khác. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà cao tầng... đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Phạm Văn Thức cho biết: Thực hiện các chương trình 134, 135 của Chính phủ, giai đoạn 2005-2010, xã được đầu tư xây dựng 116 căn nhà, cấp 57 ha đất sản xuất cho 59 hộ; xây dựng nhiều công trình dân sinh như chợ, trạm y tế; sửa chữa, làm mới nhiều tuyến đường giao thông, nhất là ở 2 thôn đồng bào DTTS khó khăn Bình Hà 1 và Bình Hà 2. Ngoài ra, bà con nông dân còn được hỗ trợ hàng trăm dụng cụ sản xuất và gần 50 tấn phân bón. Đó là điều kiện, tiền đề thiết yếu xã vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân.

8 sào tiêu xanh tốt cho thu nhập cao của gia đình anh Lương Hữu Hải8 sào tiêu xanh tốt cho thu nhập cao của gia đình anh Lương Hữu Hải

Trung tâm xã Đa Kia cạnh trục đường ĐT759, ngã ba huyết mạch giao thông, hướng đi các xã Bình Thắng, Phước Minh (Bù Gia Mập) và huyện Bù Đốp. Mỗi năm xã được đầu tư xây dựng 1km đường nhựa, trong đó nhân dân đóng góp từ 300-400 triệu đồng. Đến nay, xã có 73km đường đảm bảo cho các phương tiện lưu thông, trong đó có 23km đường nhựa; 7/8 thôn có trục đường nhựa. Hệ thống trường học từ bậc mầm non đến THPT đều có đủ và được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn, trong đó Trường tiểu học Đa Kia A đang hoàn thành các thủ tục công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm nay. Điều đặc biệt, tại 2 thôn đồng bào DTTS Bình Hà 1 và Bình Hà 2, ngoài các điểm lẻ mầm non huyện còn đầu tư xây dựng Trường tiểu học Đa Kia C từ năm 2010. Đa Kia ngày nay trở thành trung tâm thương mại với hệ thống các nhà cao tầng, nhà nghỉ, bưu điện, ngân hàng, các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, cơ sở sản xuất - kinh doanh... không chỉ thu hút người dân trong xã mà còn là nơi tập trung trao đổi mua bán, chăm sóc sức khỏe, học tập của người dân các xã lân cận.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

Nhờ sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đến cuối năm 2015, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp của xã chiếm 77,5%, giảm 5,5% so với năm 2009 và giảm 17,5% so với năm 2005; công nghiệp - dịch vụ chiếm 22,5%, tăng 13% so với năm 2009 và tăng 17,5% so với năm 2005. Ông Phạm Văn Thức cho rằng: Dù ngành công nghiệp - xây dựng chưa tạo bước đột phá trong cơ cấu kinh tế nhưng đã đạt được tốc độ phát triển nhanh; thương mại - dịch vụ phát triển mạnh cả quy mô lẫn ngành nghề và được mở rộng đến tận các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, phục vụ đời sống người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có 7 doanh nghiệp lớn hoạt động và 358 cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ nhỏ, lẻ... tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa bàn.

Trong nông nghiệp, xã tuyên truyền, vận động nông dân đảm bảo ổn định sản xuất, không chạy đua phong trào chặt - trồng, nhất là các loại cây chủ lực lâu năm như cao su, điều. Khuyến khích nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi thông qua các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm. Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở Đa Kia đã mạnh dạn cải tạo vườn điều, cà phê già giúp năng suất, chất lượng cao, trong đó có nhiều nông hộ là đồng bào DTTS như Điểu Nhớt ở thôn Bình Hà 2, Điểu Tòng ở thôn Bình Hà 1.

Ông Nguyễn Đình Hạnh (57 tuổi), ngụ thôn 2 cho biết: Đa Kia trước đây dân sống thưa, nghèo khó, dịch bệnh hoành hành, nhưng bù lại đất đai màu mỡ, trồng cây gì, nuôi con gì cũng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, ngày nay Đa Kia thay đổi quá nhiều, giao thông đi lại thuận tiện, có đủ loại hình dịch vụ. Bà con biết cách làm ăn nên đời sống được nâng lên, nhà cửa xây dựng khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con cái được học hành.

Gia đình anh Lương Hữu Hải (49 tuổi), ngụ thôn 4 là một minh chứng cho sự đổi thay này. Hộ anh có 1,8 ha đất sản xuất, trong đó 8 sào đất trồng tiêu từ năm 1996 đến nay. Anh Hải cho biết: “Lúc đầu tôi trồng giống tiêu truyền thống, sau này trồng thêm tiêu Vĩnh Linh, Ấn Độ và thấy cả 3 giống này đều tốt. Từ 3 tấn/ha tiêu ban đầu nay tăng lên 5 tấn/ha sau khi trừ chi phí tôi thu trên 400 triệu đồng/năm”. Với nguồn thu có được, ngoài tham gia đầy đủ các khoản đóng góp ở địa bàn, làm nhà mới, sắm xe hơi, vợ chồng anh còn nuôi 2 con học đại học.

Toàn xã Đa Kia hiện có 2.137 hộ với khoảng 25% hộ khá, giàu thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, trong đó 34 hộ có nhà cao tầng; hộ nghèo giảm còn 5,9%; thu nhập bình quân năm 2005 chỉ đạt 3,5 triệu đồng/người/năm, nay tăng lên 30,2 triệu đồng/người/năm. Hệ thống chính trị của xã ngày càng được củng cố và phát triển; quốc phòng - an ninh giữ vững... tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân.

  • Từ khóa
93136

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu