Thứ 4, 17/04/2024 04:55:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:37, 16/10/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Đổi thay ở Tiểu khu 67

Hồng Ánh
Chủ nhật, 16/10/2016 | 14:37:00 193 lượt xem
BP - 80 hộ dân với 378 người, 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chủ yếu là người S’tiêng. Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu là nơi khó khăn nhất của xã Phước Thiện (Bù Đốp), bởi không điện, không đường, không trường, không nước sinh hoạt. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Thế nhưng Tiểu khu 67 đang từng ngày “thay da đổi thịt”, từ “4 không” nay thành “6 có” - có điện, đường, trường, trạm, đất đai và nước sinh hoạt. Nhờ đó, nhân dân yên tâm canh tác, sản xuất, cải thiện cuộc sống.

ĐỔI THAY NHỜ CHÍNH SÁCH

Nếu như trước đây vào mùa mưa, vùng Tiểu khu 67 thuộc địa bàn “ngoại bất nhập, nội bất xuất” bởi đường đất lầy lội, trơn trượt. Người dân muốn di chuyển phải chằng xích vào bánh xe để đi. Thế nhưng giờ đây, từ khi những chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS được triển khai, diện mạo Tiểu khu 67 đã đổi thay. Từ trung tâm xã Phước Thiện, xe tôi bon bon chạy trên đường được trải nhựa rộng 4m phẳng lỳ đến với nhân dân Tiểu khu 67. Ông Điểu Re, Phó ấp Mười Mẫu phấn khởi: “Hai năm nay nhân dân tiểu khu biết ơn Đảng, Nhà nước lắm. Nhờ các chính sách 134, chăm lo cho nhân dân của Nhà nước mà đồng bào có đường nhựa đi, có điện sinh hoạt, có trường cho tụi nhỏ học hành, đội ngũ y, bác sĩ trạm quân dân y thì hết lòng phục vụ, khám chữa bệnh tận tình cho bà con”.

Có điện, nhân dân ở Tiểu khu 67 khoan giếng phục vụ tưới tiêuCó điện, nhân dân ở Tiểu khu 67 khoan giếng phục vụ tưới tiêu

Như để khẳng định lời nói của mình, ông dẫn tôi đến thăm phòng học mới xây còn thơm mùi sơn dành cho học sinh bậc tiểu học. Sạch sẽ, thoáng mát - đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về ngôi trường mới này. Cô Hồ Thị Bích Lê, giáo viên đứng lớp tại điểm trường Tiểu khu 67 cho biết: “Nhờ có trường mới, 100% trẻ trong ấp đến tuổi đi học ra lớp đầy đủ và đúng thời gian. Không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”. Già làng Điểu Nghĩa góp vui: “Giờ Tiểu khu 67 văn minh rồi. Nhà nhà sắm tivi, xe máy mới. Tụi nhỏ được học hành dưới ánh sáng đèn điện. Điện về, nhân dân đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Và cũng từ khi có điện, có đường, thông qua các phương tiện nghe nhìn bà con nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Hiện nay, đường sá đi lại dễ dàng, việc mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuận tiện hơn rất nhiều. Cũng trong thời gian này, từ các chính sách dành cho đồng bào DTTS, huyện Bù Đốp đã cấp cho các hộ trong Tiểu khu 67 bình quân mỗi người gần 2 sào đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn cách áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi cung cấp các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu cho nhân dân. Từ đó bà con yên tâm canh tác, sản xuất trên chính mảnh đất do họ làm chủ.

NGHỊ LỰC VƯƠN LÊN

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đồng bào nơi đây còn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhờ chăm chỉ lao động  và tích góp vốn nhiều gia đình đã xây được ngôi nhà mới khang trang. Già làng Điểu Nghĩa dẫn tôi đến thăm nhà anh Điểu Xuân. Trong căn nhà mới xây có tivi, tủ lạnh, quạt, bàn ghế, xe máy mới, anh Điểu Xuân cười nói: “Nhờ chí thú làm ăn và tích góp vốn nên giờ gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều. Tôi đã xây được căn nhà mới để ở, con cái được học hành. Năm trước, có điện gia đình khoan được giếng nên tưới tiêu thuận tiện. Hơn 1.000 nọc tiêu của gia đình phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và cho thu hoạch đều”.

Là người đi tiên phong tự lực vươn lên thoát nghèo trong Tiểu khu 67, từ gần 1 ha cao su, ông Điểu Re, Phó ấp Mười Mẫu đã tích lũy vốn mua thêm đất để trồng tiêu. Khi có điện, ông đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt gia đình và phục vụ tưới tiêu. Thăm vườn tiêu đang phát triển xanh tốt, ông nói: Chỉ vài năm nữa là tiêu sẽ cho thu hoạch, lúc đó tôi sẽ xây nhà mới và sắm sửa thêm đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

“Để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống tại chỗ, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các loại cây trồng như điều, tiêu, cao su, đồng bào trong tiểu khu sẽ tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng lúa nước, nâng cao năng suất và sản lượng để đảm bảo cung cấp lương thực hằng ngày; đồng thời vay vốn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Đồng bào ở Tiểu khu 67 quyết tâm sẽ thoát nghèo trong thời gian sớm nhất” - ông Điểu Re khẳng định.

  • Từ khóa
40776

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu