Thứ 4, 17/04/2024 00:12:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:04, 31/12/2015 GMT+7

Dõi theo thông điệp của Chủ tịch Công đoàn Việt Nam

Thứ 5, 31/12/2015 | 14:04:00 169 lượt xem

BP - Ngày 28-12, gần 1.000 công nhân làm việc trong cùng một công ty ở thành phố Hải Phòng bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 496 công nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Ngày 29-12, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: “Từ năm 2016, nếu doanh nghiệp nào để xảy ra tình trạng đấu thầu, không bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, để xảy ra công nhân bị ngộ độc thực phẩm, chúng tôi sẽ kiện giám đốc doanh nghiệp đó ra tòa”. Ông Tùng cũng cho biết, công đoàn sẽ thông báo đến doanh nghiệp trong cả nước bữa ăn ca phải bảo đảm tối thiểu 15 ngàn đồng, nếu không bảo đảm công đoàn sẽ tổ chức cho công nhân đình công.

Có lẽ đây là lần đầu tiên người đứng đầu tổ chức công đoàn - đại diện bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động, đã lên tiếng mạnh mẽ như vậy sau khi xảy ra một vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm. Điều đó cho thấy, người đứng đầu tổ chức công đoàn đã không khoan nhượng trước tình trạng giới chủ doanh nghiệp xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của công nhân. Thông điệp phát đi là: Nếu còn xảy ra như vậy, chủ doanh nghiệp sẽ phải đối diện với 2 vấn đề mà họ “ớn lạnh” nhất là hầu tòa và đình công.

Việc công nhân bị ngộ độc thực phẩm tập thể không phải là hiếm, thậm chí có thể nói là thường xuyên ở nước ta. Tại Bình Phước cũng vậy. Điển hình như ngày 9-1-2012, 1.300 công nhân ăn bữa trưa tại Công ty TNHH Freewell, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, sau đó bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt, đau đầu, bủn rủn, chóng mặt. 60 người bị ngộ độc nặng phải đưa đi cấp cứu. Tình trạng công nhân phản ánh bữa ăn chất lượng kém thường xuyên xảy ra, thậm chí trong thức ăn có dòi khiến hàng trăm công nhân đình công phản đối... Ở các địa bàn khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... cũng không hiếm các trường hợp như vậy.

Những vụ việc đó thường được các cơ quan truyền thông đưa tin phản ánh nhưng rồi nhanh chóng rơi vào im lặng. Tổ chức công đoàn cũng hiếm khi đứng ra lên tiếng (chứ chưa nói đến bảo vệ công nhân) trước những vụ việc như vậy. Thậm chí trong nhiều trường hợp, vì lý do này hay lý do khác, tổ chức công đoàn ở nhiều nơi còn đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động theo chiều hướng bênh vực cho doanh nghiệp và “nạt” công nhân. Điều đó cho thấy, tính mạng và sức khỏe của người lao động chưa được cả chủ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn quan tâm đúng mức. Đây cũng là vấn đề giới công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy bị “thiệt đơn thiệt kép”.

Tuyên bố mạnh mẽ của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, có thể sẽ không “đến tai” tất cả công nhân ở nước ta. Nhưng hy vọng rằng, khẳng định của ông Tùng: Thứ nhất là “đến tai” tất cả tổ chức công đoàn trong cả nước. Thứ hai là “đến tai” các chủ doanh nghiệp. Thứ ba, không đến được tất cả, song thông điệp ấy chắc chắn phần đông người lao động cũng như đại bộ phận nhân dân sẽ biết và sẽ dõi theo xem “lời nói” của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có đi đôi với “việc làm” của tổ chức công đoàn trong cả nước hay không!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu