Thứ 7, 20/04/2024 18:23:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:20, 14/09/2018 GMT+7

LAO ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

Đòn bẩy nâng cao hiệu quả sản xuất

Thứ 6, 14/09/2018 | 14:20:00 76 lượt xem
BP - Trong các phong trào thi đua lao động sản xuất do Công đoàn Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng phát động, hoạt động “Luyện tay nghề - thi thợ giỏi”, “Lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm”... được duy trì thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, kết quả sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả ấn tượng, tạo đòn bẩy thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch công ty đề ra.

Những sáng kiến khởi nguồn từ kinh nghiệm sản xuất

Nhiều năm qua, phong trào thi đua sáng tạo khoa học - kỹ thuật tại Cao su Phú Riềng được phát động mạnh mẽ và đã xuất hiện nhiều gương sáng, giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm. “Những sáng kiến, cải tiến hầu hết bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế lao động sản xuất. Đó cũng là cách thể hiện tình yêu ngành, yêu nghề, chịu khó của công nhân cao su” - ông Lưu Thế Doanh, Chủ tịch Công đoàn công ty nói.

Điển hình như sáng kiến “Thang làm máng chắn nước mưa” của anh Trần Ngọc Dũng, Tổ trưởng tổ 8, Nông trường 2 tuy đơn giản nhưng hiệu quả mang lại  rất thiết thực, được công ty tuyên dương, khen thưởng. Anh Dũng cho biết: “Từ những khó khăn, bất tiện trong làm máng chắn nước mưa trên cao, mỗi lần trèo lên, trèo xuống rất vất vả, nhất là khi trời mưa cây trơn trượt. Vì vậy, tôi mày mò thiết kế chiếc thang có cấu tạo 2 chân vòng cung, trên đầu thang gắn một sợi dây xích ôm vào cây chống trượt và có lực rút áp chặt vào thân cây. Trên đầu thang hàn thêm bệ đứng để làm việc được lâu mà không bị đau chân. Sử dụng thang này hiệu quả công việc cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống”. Từ hiệu quả thiết thực của sáng kiến, công nhân Nông trường 2 và nhiều nông trường khác đã nhân rộng để rút ngắn thời gian làm việc và bảo đảm an toàn.

Các phong trào thi đua lao động sản xuất do Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng phát động đều mang lại kết quả ấn tượng trong sản xuất - kinh doanh

Các phòng, ban chuyên môn cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp được Hội đồng sáng kiến công ty công nhận. Điển hình là sáng kiến “Ứng dụng phần mềm Mapinfo kết hợp phần mềm quản lý vườn cây trong công tác quản lý đất đai, vườn cây cao su” đạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV và sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh” đạt giải ba hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc...

Ông Lê Thanh Tú, Tổng giám đốc công ty cho biết: Lãnh đạo công ty luôn động viên, khuyến khích công nhân, viên chức, người lao động nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến khoa học - kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả đầu tư, giúp công ty đứng vững trong giai đoạn khó khăn. Những sáng kiến, sáng tạo dù nhỏ nhưng đều được chúng tôi trân trọng qua chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời. Hằng năm, công ty đều tổ chức tuyên dương công nhân, viên chức, người lao động có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả. Trong 2 năm (2016 và 2017), công ty đã khen thưởng 123 công nhân, viên chức, người lao động có sáng kiến thiết thực được áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất với 417 triệu đồng trích từ Quỹ Khoa học công nghệ của công ty. Ngày 18-3 năm nay, công ty khen thưởng 72 cá nhân sáng tạo tiêu biểu với tổng 200 triệu đồng.

Tay nghề giỏi quyết định hiệu quả sản xuất

Cao su Phú Riềng cũng luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với quan điểm xây dựng đội ngũ thợ cạo “Giỏi lý thuyết - vững thực hành” là yếu tố tiên quyết trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, công ty không chỉ dẫn đầu về công tác quản lý, chăm sóc vườn cây mà còn là đơn vị có năng suất và thu nhập bình quân đầu người cao nhất Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Riêng năm 2017, toàn công ty khai thác đạt trên 2,34 tấn/ha, duy trì là năm thứ 11 liên tiếp trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha của tập đoàn, thu nhập bình quân người lao động đạt 118 triệu đồng/người.

Ông Trần Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Nông trường 4 cho biết: Diện tích vườn cây của nông trường trồng từ năm 2002 tương đối lớn, giống cũ nên năng suất ngày càng giảm, cây bị khô miệng cạo nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành sản lượng của đơn vị. Nhờ tổ chức tập huấn, đào tạo lại hằng năm để phân lô cạo phù hợp với tay nghề của từng công nhân mà 100% công nhân trong nông trường đều đạt tay nghề giỏi; sản lượng vượt chỉ tiêu giao với năng suất khai thác bình quân 6,26 tấn/người/năm; 100% mủ tận thu đạt loại 1, chất lượng mủ xếp thứ 3... và liên tục trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha.

Đối với ngành cao su, tay nghề là yếu tố quyết định thu nhập của người lao động. Do đó, phong trào “Luyện tay nghề - thi thợ giỏi” được công đoàn các nông trường coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong 5 năm (2012-2017), 15.500 lượt công nhân khai thác mủ được đào tạo mới và đào tạo lại. Kết quả, toàn công ty có 95,4% công nhân khai thác đạt tay nghề giỏi, còn lại là khá. Công ty được tập đoàn xếp loại kỹ thuật giỏi 5 năm liền. Ở hội thi tay nghề các năm 2012, 2014 và 2016, đã có 360 công nhân đạt “Bàn tay vàng” cấp công ty; 20 công nhân đạt danh hiệu “Kiện tướng” và “Bàn tay vàng” cấp ngành. Hội thi cấp ngành các năm 2012, 2014, Cao su Phú Riềng đoạt giải nhì toàn đoàn và năm 2016 đoạt giải nhất, trong đó 5 công nhân dự thi đều đạt điểm tuyệt đối 100.

Chủ tịch Công đoàn công ty Lưu Thế Doanh cho biết: “Hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su cấp tổ, nông trường năm nay thu hút 3.513/3.603 công nhân tham gia, kết quả chọn được 385 thợ giỏi dự thi cấp nông trường. Hiện các đơn vị đã chọn ra đội tuyển chuẩn bị hội thi cấp công ty, dự kiến tổ chức vào giữa tháng 9-2018”.

Ngân Hà

  • Từ khóa
43126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu