Thứ 6, 29/03/2024 01:04:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:18, 21/03/2019 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Đồng hành vì sự phát triển của phụ nữ DTTS

Thứ 5, 21/03/2019 | 14:18:00 268 lượt xem
BP - Đồng hành với phụ nữ nghèo cải thiện cuộc sống, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, các cơ sở hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả giúp hội viên dân tộc thiểu số (DTTS). Giai đoạn đầu nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã huy động hơn 40 tỷ đồng hỗ trợ hội viên DTTS nghèo... Những vòng tay yêu thương đã cùng kết nối, tiếp sức hội viên phụ nữ DTTS vươn lên làm chủ cuộc sống.

cơ sở hội năng động

Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc giúp nhau làm kinh tế” là mô hình nổi bật tại ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long). Chị Phạm Thị Thanh Tâm, Chi hội trưởng phụ nữ cho biết, ở Thanh An, hầu hết các hộ DTTS thuộc diện nghèo và cận nghèo do ít đất canh tác, thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất. Do đó, chị Tâm đã chủ động mời Chi hội phụ nữ Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội ở địa bàn tham gia để họ hiểu, cảm thông hơn với tình hình thực tế của hội viên DTTS. Qua đó, cùng cộng đồng trách nhiệm, đứng ra tín chấp, bảo lãnh cho các hộ vay vốn làm kinh tế...

Chị Thạch Thị Dung ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) được các tổ chức giúp vay vốn đầu tư mua bò phát triển kinh tế

Tương tự, Chi hội phụ nữ Khơme ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) nổi bật với phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; vận động đóng góp gạo, tiền giúp đỡ người già neo đơn, phụ nữ gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Hơn 15 năm tham gia sinh hoạt hội, chị Thị Kha La hiểu rõ thói quen, tập tục sinh hoạt của bà con, chăn nuôi gia súc ngay dưới sàn nhà, nhiều hộ không có công trình vệ sinh... Vì thế, chị đã chủ động đề xuất Hội Phụ nữ xã phát động phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch” và trực tiếp đi vận động, hướng dẫn chị em cùng thực hiện. Chị Thị Kha La nói: Để triển khai hiệu quả, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động giúp chị em hiểu rõ ý nghĩa thực hiện phong trào. Từ đó các hội viên nhận thức được vai trò, trách nhiệm, quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội; góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

 Đều đặn hằng tuần, phụ nữ dân tộc Khơme ở Lộc Khánh phối hợp các đoàn thể thu gom rác, phát quang bụi rậm, xây dựng con đường phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, chi hội phụ nữ thôn tăng cường tuyên truyền, vận động chị em di dời chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở để giữ gìn vệ sinh; thực hiện “ăn chín, uống sôi” đảm bảo sức khỏe gia đình... Đặc biệt, Chi hội phụ nữ ấp Chà Đôn còn xây dựng mô hình “Xây nhà đẹp”, thu hút 20 hội viên tham gia. Đến nay, đã hỗ trợ kinh phí cho 13 chị xây nhà mới, với tổng vốn lưu động thường xuyên gần 500 triệu đồng...

Hiệu quả thiết thực

Định cư ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương 10 năm nay, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, hộ chị Thạch Thị Dung luôn trong diện nghèo. Nhưng 2 năm nay, với sự giúp đỡ của Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc giúp nhau làm kinh tế” ấp Thanh An, cuộc sống gia đình chị Dung từng ngày khởi sắc. Câu lạc bộ đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ nghèo” giúp chị Dung vay 25 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản.

Đến nay, gia đình chị có 5 con bò, tạo vốn làm kinh tế. “Trước đây vợ chồng tôi khó khăn lắm, không có việc gì làm nên cứ nghèo mãi. Nhưng khi hội phụ nữ tạo điều kiện vay vốn mua bò, gia đình tôi đã khá hơn trước rất nhiều. Tết vừa rồi tôi bán 2 con, trả hết nợ ngân hàng, lo tết ấm cúng, đầy đủ cho con. 3 con bò còn lại, tôi sẽ chăm sóc tốt để chúng nhanh sinh sản, kinh tế khấm khá hơn” - chị Dung nói.

Mới đầu chỉ có 15 hộ dân tộc Khơme, nay Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc giúp nhau làm kinh tế” ấp Thanh An đã có 32 hộ đồng bào Khơme, S’tiêng và cả người Kinh tham gia. Điều thu hút họ chính là việc được học hỏi cách thức phát triển kinh tế, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất...

Phó chủ tịch phụ trách Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Hương Giang cho biết: Bên cạnh các nguồn quỹ được huy động chủ yếu từ nội lực, hội quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề; xây dựng mô hình điểm, kết nối nguồn lực và lan tỏa cách làm... Đây là những hoạt động trọng tâm được hội tiếp tục duy trì phát triển trong năm 2019, nhằm đạt mục tiêu có trên 90% hộ phụ nữ DTTS nghèo được hội giúp đỡ để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Lê Hưng

  • Từ khóa
62003

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu