Thứ 6, 29/03/2024 20:48:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:00, 26/12/2018 GMT+7

Động lực mới cho nông dân trồng điều

Thứ 4, 26/12/2018 | 06:00:00 208 lượt xem
BP - Bình Phước có 174.018 ha điều, năng suất bình quân 1,1 tấn/ha. Toàn tỉnh có 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều với công suất khoảng 500 ngàn tấn/năm. Diện tích lớn, công nghiệp chế biến hàng đầu, nhưng nông dân lại chưa làm giàu từ cây điều nên đòi hỏi cấp thiết là phải tái cơ cấu ngành, kết nối nâng cao chuỗi giá trị. Trong đó, Dự án Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với sản phẩm điều được UBND tỉnh phê duyệt đang là giải pháp hữu hiệu nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo động lực mới cho nông dân gắn bó với cây điều.

Nông dân liên kết tạo vị thế cho cây điều

Giá cả là lợi thế giúp người trồng điều lấy lại một phần lợi nhuận sau thu hoạch. Tuy nhiên nông dân đang thu hoạch và bán cho thương lái ngay tại vườn nên không tránh khỏi bị tư thương ép giá. Doanh nghiệp chế biến điều phần lớn quy mô nhỏ, phát triển từ các cơ sở quy mô hộ gia đình nên chất lượng sản phẩm không đồng nhất, đa số chưa tham gia xuất khẩu trực tiếp mà bán lại cho các công ty trung gian nên ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường khó tính, như EU, Hoa Kỳ. Do đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ thành viên là một trong những giải pháp quan trọng trong Dự án Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với sản phẩm điều do Sở Công Thương chủ trì. Công ty TNHH Mỹ Lệ ở xã Long Hưng (Phú Riềng) được chọn tham gia mô hình thí điểm, chịu trách nhiệm thu mua điều của HTX nông nghiệp thông minh huyện Phú Riềng (HTX Phú Riềng) bước đầu có hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Nam (bìa trái), nông dân trồng điều giỏi ở thôn 10, xã Long Bình (Phú Riềng) chia sẻ bí quyết trồng điều đạt năng suất cao

HTX Phú Riềng thành lập năm 2017 với 51 xã viên, đang liên kết diện tích 300 ha điều ở các xã: Long Hưng, Long Hà, Long Bình, được chọn thí điểm tham gia dự án tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp của tỉnh, bước đầu giúp nông dân, doanh nghiệp liên kết ổn định giá cả và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của xã viên. Bà Hoàng Thị Thi ở thôn 12, xã Long Hà, thành viên HTX, chia sẻ: “Tham gia HTX, chúng tôi được trao đổi thông tin về thời tiết, nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị vật tư nông nghiệp, cây giống và định hướng trồng điều sạch theo hướng hữu cơ. Các hộ trồng điều giỏi chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, phổ biến những sáng kiến, giải pháp khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”.

Có 19 năm gắn bó với cây điều, ông Nguyễn Đình Nam ở thôn 10, xã Long Bình (Phú Riềng), thành viên HTX minh chứng bằng thực tiễn, cây điều cho năng suất trên 3 tấn/ha đều được chọn ghép từ những cây hạt to, chắc. Từ tình yêu cây điều, ông theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây trong vườn để bón phân phù hợp và dùng thuốc trừ sâu, dưỡng bông đúng thời điểm giúp cây đạt năng suất cao. “Bên cạnh yếu tố thời tiết thì kỹ thuật chăm sóc trong thời gian điều ra hoa, đậu trái quyết định 70% năng suất vườn điều. Trước đây, tôi chỉ dùng phân NPK bón 1 năm 2 lần. Tuy nhiên qua theo dõi tốc độ sinh trưởng của cây, tôi phối trộn các loại phân, như kali, lân, phân vi sinh, kết hợp phân bón lá cho cây hấp thụ đầy đủ dưỡng chất. Vụ mùa vừa qua, nhiều vườn điều trong tỉnh bị sâu bệnh hoành hành, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt, nhưng vườn của gia đình tôi vẫn cho năng suất cao, điều ra trái nhiều đợt, mùa điều kéo dài nên năng suất, sản lượng tăng theo. Nếu các xã viên tuân thủ chăm sóc theo một quy trình thống nhất thì hiệu quả mang lại sẽ không nhỏ” - ông Nam cho biết.

Bà Vũ Thị Sáng, thành viên Hội đồng quản trị HTX, nói: HTX hoạt động theo nguyên tắc gắn kết trách nhiệm giữa các bên, liên kết nông dân trồng điều sạch theo hướng bền vững. Thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhân giống các vườn điều năng suất cao, cung ứng vật tư nông nghiệp, ký kết đầu ra ổn định với doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường 2.000-4.000 đồng/kg vì không qua khâu trung gian. HTX cũng giữ lại từ 500-1.000 đồng/kg để hoạt động và chia lại cho nông dân khi hết vụ điều. Đến nay, 15 hộ với 100 ha đã được cấp chỉ dẫn địa lý và 40% diện tích điều của HTX đạt năng suất trung bình 2 tấn/ha, có hộ 3-4 tấn/ha.

Phát huy vai trò các HTX trồng điều

Hiện Tập đoàn PAN (chuyên về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm) đang triển khai Dự án phát triển vùng điều nguyên liệu tại tỉnh với quy mô khoảng 10.000 ha theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chương trình tái canh sẽ được thực hiện theo phương thức “vết dầu loang”. Tập đoàn PAN hợp tác cùng nông dân theo nguyên tắc đảm bảo tôn trọng quyền sử dụng đất; nâng cao năng suất, thu nhập của nông dân; hỗ trợ vốn, công nghệ, giống, kỹ thuật trồng cây và bao tiêu đầu ra sản phẩm của nông dân. Để làm được điều đó, mắt xích trung gian quan trọng không thể thiếu đó là các HTX trồng điều, vì đây là đơn vị giám sát, hỗ trợ nông dân trong quá trình vận hành mô hình.

Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo đầu bờ hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều cho nông dân tại xã Long Hà (Phú Riềng)

Song song với việc nâng cao chất lượng giống điều, trồng mới, tái canh là biện pháp quan trọng nhằm trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều; hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu... đang được người trồng điều trong tỉnh tập trung thực hiện. Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành điều đóng góp 51% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú trọng khâu tuyển chọn giống đầu dòng, tìm kiếm các giống điều có năng suất cao, chất lượng tốt; doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quy trình trồng và chế biến để giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm...

Trong hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam được tổ chức tại tỉnh đầu tháng 5-2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trăn trở trước câu hỏi: Vì sao nông dân chưa thể làm giàu từ cây điều? Mặc dù là “thủ phủ” điều của cả nước nhưng hằng năm sản lượng chỉ đáp ứng phần nhỏ công suất của các cơ sở chế biến. Do vậy, bên cạnh tập trung tái cơ cấu, ngành điều của tỉnh cần chú trọng tăng năng suất; tăng cường chế biến sâu và hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Muốn làm được, doanh nghiệp phải liên kết cùng chính quyền, nông dân qua việc hình thành các HTX, tạo chuỗi giá trị, từ ổn định sản xuất, thu mua, chế biến... đến phát triển thị trường.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh chỉ có 31 HTX, 46 tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng điều, trong đó 5 HTX và 5 tổ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm điều. Dự án Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với sản phẩm điều, trong đó tập trung xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX. Mô hình thành công là cơ sở để nhân rộng cho các doanh nghiệp, HTX và nhiều thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh học tập.

N.Hà

  • Từ khóa
43703

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu