Thứ 6, 26/04/2024 03:21:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:28, 30/10/2019 GMT+7

Động lực mới cho xuất khẩu lao động

Thứ 4, 30/10/2019 | 09:28:00 178 lượt xem

BP - Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội, nhu cầu xuất khẩu lao động của tỉnh dao động từ 200-300 người, nhưng số người thực sự xuất khẩu lao động bình quân mỗi năm chỉ từ 100-150 người. 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh có 70 người xuất khẩu lao động; trong đó, trung tâm trực tiếp giới thiệu xuất khẩu 17 người sang thị trường lao động Hàn Quốc, Nhật Bản. Nguyên nhân là do người lao động (NLĐ) thiếu vốn, thiếu chi phí đầu tư trước khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục để xuất khẩu lao động.

Hiện tổng chi phí cho việc xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc dao động từ 130-140 triệu đồng. Trong khi mức lương cơ bản bình quân tại Hàn Quốc từ 20-25 triệu đồng, nếu NLĐ chịu khó tăng ca tổng thu nhập có thể tăng lên 40-50 triệu đồng/tháng. Còn thị trường lao động Nhật Bản hiện yêu cầu cũng rất đơn giản, chỉ cần NLĐ tốt nghiệp THPT và nói được tiếng Nhật là đủ điều kiện xuất khẩu lao động. Trong khi các khoản chi phí xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản dao động ở mức 140-150 triệu đồng và mức lương bình quân dao động từ 30-40 triệu đồng/tháng.

Mặt khác, nếu NLĐ thực sự gắn bó với doanh nghiệp, coi công việc của doanh nghiệp như của chính mình, chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại, thực hiện đúng thời gian lao động... sẽ giúp NLĐ trở thành lao động mẫu mực, uy tín trong mắt chủ doanh nghiệp. Được yêu quý, đương nhiên họ sẽ nhận được mức lương ưu đãi và sau khi kết thúc hợp đồng, bình quân mỗi lao động xuất khẩu có thể mang về số dư từ 1-2 tỷ đồng. Đây là khoản thu mà NLĐ trong nước không dễ gì có được.

Minh chứng nêu trên cho thấy, thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến nhiều người đã mất cơ hội xuất khẩu lao động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Đã vậy, theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, việc hỗ trợ vay vốn đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ dành riêng cho các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, là người dân tộc thiểu số. Quy định này không chỉ bó hẹp về đối tượng mà số tiền được vay cũng quá ít so với nhu cầu thực tiễn (50 triệu đồng).

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, đối với NLĐ, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, NLĐ vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ cần có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Thời hạn vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa NLĐ và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Hy vọng, đây sẽ là luồng gió mới đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Bởi những người có nhu cầu xuất khẩu lao động được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi với số tiền có thể đáp ứng đủ hoặc gần đủ so với nhu cầu thực tế, họ sẽ cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Khi lực lượng lao động này tăng mạnh thì nguồn ngoại tệ mang về cho Bình Phước sẽ không nhỏ. Không những thế, đây còn là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các doanh nghiệp trong tỉnh sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở ngoài nước.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109220

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu