Thứ 5, 25/04/2024 09:27:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:37, 03/09/2017 GMT+7

Đồng Phú chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất

Chủ nhật, 03/09/2017 | 09:37:00 5,128 lượt xem

BP - Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), trong thời gian qua, huyện Đồng Phú đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Công tác nghiên cứu ứng dụng đã tập trung vào việc chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; ứng dụng quy trình công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản đặc thù.

Mô hình trồng rau an toàn đã được Hội Phụ nữ xã Tân Lập triển khai từ năm 2014 với 30 thành viên, đến nay đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tổ hợp tác trồng rau an toàn chuyên canh tác các loại rau cải, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, đậu, đậu bắp... với tổng diện tích 7,2 ha, tập trung ở 4 ấp (1, 2, 5, 9). Tuân thủ đúng quy trình trong sản xuất rau an toàn sẽ bảo vệ được môi trường, là một trong những mục tiêu mà các thành viên trong tổ hợp tác hướng đến. Vì thế, mô hình sản xuất rau an toàn đã mang lại hiệu quả, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, canh tác. Hiện mối tiêu thụ rau, củ, quả của tổ hợp tác là các chợ đầu mối trên địa bàn huyện.

Trồng rau an toàn được nhiều nông hộ ở Đồng Phú áp dụng đã và đang tạo thương hiệu rau an toàn. Trong ảnh, vườn rau an toàn của hộ ông Huỳnh Thanh Phú ở ấp 5, xã Tân Lập

Chị Phạm Thị Sương ở ấp 5 cho biết, trước đây người dân thường trồng rau theo phương thức truyền thống, nếu rau bị sâu bệnh là phun thuốc, muốn rau xanh non lại bón đạm, không tuân theo quy trình nào cả. Với phương thức trồng rau an toàn, người trồng được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với đặc tính của từng loại rau, do vậy rau ít sâu bệnh hơn. Chị Sương gieo trồng với mật độ thích hợp, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng hạn chế, thay vào đó là phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, từ đó giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Hiện gia đình chị trồng 5 sào dưa leo và khổ qua, 1 năm làm 3 vụ, trừ chi phí, thu lãi khoảng 70 triệu đồng.

Chị Sầm Thị Hằng ở ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn tiêu cho năng suất cao và ít sâu bệnh, đó là trồng tiêu trên thân cây sống như cây lồng mức... sẽ giúp che mát thân cây, giữ ẩm tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Còn trồng bằng trụ bê tông, trụ gạch chi phí cao, hơn nữa thời tiết oi bức, khắc nghiệt dễ làm cây tiêu chậm phát triển, mất nước, khô héo rồi chết dần. Để cây tiêu ít sâu bệnh và cho năng suất cao, chị Hằng chọn giống cây khoảng 2 đến 3 năm tuổi khỏe mạnh, thường xuyên dọn vệ sinh vườn sạch sẽ, thoáng mát, bón phân đúng kỳ nhằm kích thích cây tiêu ra trái.

Đến nay, Đồng Phú đã thực hiện và cho kết quả khả quan các mô hình: Ứng dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trong phòng, trị nấm trên cây tiêu, cao su, cà phê và cây ăn trái, ứng dụng mô hình ghép cây điều cho năng suất cao 3-3,5 tấn/ha. Các mô hình trồng nấm ăn theo phương pháp lên men sinh học, ứng dụng chế phẩm Biogreen để loại bỏ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau triển khai trên 17 ha ở địa bàn các xã Tân Lập, Tân Tiến, Đồng Tiến và thị trấn Tân Phú. Đặc biệt, ứng dụng và thu được kết quả cao trong việc sử dụng chất siêu thấm giữ nước Gamso cho cà phê, tiêu và các loại cây ăn trái trong mùa khô. Sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi nhằm tận dụng nguồn khí sinh học để làm chất đốt và điện sinh hoạt, đồng thời giảm thiểu mùi hôi trong chăn nuôi. Việc sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh bón cho cây cao su, điều, tiêu được thực hiện rộng rãi. Trong chăn nuôi gia cầm đã ứng dụng mô hình nệm lót sinh thái nhằm giảm ô nhiễm môi trường và xử lý phân để bón cho cây trồng. Ủ lên men hạt ca cao bằng phương pháp sinh học cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2013 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được 256 lớp cho trên 10.300 người; thực hiện 52 buổi hội thảo chuyên đề về trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP cho 1.560 lượt người tham gia; tổ chức 3 hội nghị chuyên đề, 8 buổi tư vấn về phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sinh học, thu hút 350 người tham dự; thực hiện 105 hội thảo đầu bờ để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp cho 12.500 người dân. Trạm Khuyến nông huyện tổ chức trình diễn 118 mô hình về nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo an toàn, trồng rau sạch trong nhà lưới, trồng nấm ăn các loại, nuôi cá bống tượng, bồ câu lai Pháp, dê nhốt chuồng, nuôi lươn không bùn, cải tạo vườn cà phê già cỗi, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Hầu hết mô hình được nhân rộng để sản xuất theo hướng hàng hóa. Năng suất bình quân một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện tăng cao và ổn định như: Tiêu đạt 28,62 tạ/ha, điều đạt 1,1 tấn/ha, cà phê đạt 21,86 tạ/ha, trồng rau năng suất đạt 81 tạ/ha.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ là giải pháp đột phá đưa ngành nông nghiệp huyện Đồng Phú phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Quý - Hiền

  • Từ khóa
1367

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu