Thứ 5, 25/04/2024 22:02:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:09, 12/09/2019 GMT+7

Đồng Phú giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp từ cơ sở

Thứ 5, 12/09/2019 | 14:09:00 161 lượt xem
BP - Những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đồng Phú có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và mở rộng khắp các ấp, khu phố, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong nhân dân. Thành công đó là nhờ đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã đi sâu, bám sát địa bàn để kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh.

Hơn 10 năm làm công tác hòa giải, ông Lê Công Nhân, Trưởng ấp 2, xã Tân Lập không quản khó khăn, vất vả. Với lòng nhiệt huyết cùng niềm đam mê công việc, ông đã đem đến niềm vui cho bao gia đình khi hòa giải thành nhiều vụ việc, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn. Bằng sự chân thành cùng vốn sống, hiểu biết luật pháp và khả năng thuyết phục thấu tình, đạt lý, ông Nhân cùng các thành viên tổ hòa giải đã hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn vợ chồng, xô xát... Có những vụ việc chỉ cần hòa giải 1 lần là xong nhưng cũng có trường hợp phải đi lại nhiều lần, thậm chí mất vài năm mới hòa giải thành. Ấp 2, xã Tân Lập có 406 hộ dân với 1.725 người, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Nhờ làm tốt hòa giải mà an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm ở khu dân cư luôn đảm bảo, 3 năm liền ấp đạt khu dân cư văn hóa. Năm 2017, ấp được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hằng năm, Ban điều hành ấp vận động nhân dân trên địa bàn giúp nhau cây - con giống, ngày công lao động; cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp trên 500 triệu đồng; xây dựng hũ gạo tình thương từ năm 2013 đến nay để nuôi 5 trẻ mồ côi trong ấp, mỗi tháng 5kg gạo/cháu.

Ông Lê Công Nhân (bìa trái), Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2, xã Tân Lập bàn công việc với các thành viên trong tổ

Ông Nhân cho biết: Hòa giải không chỉ giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Để làm tốt hòa giải ở cơ sở, người làm công tác này phải tận tụy với công việc, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, có thái độ khách quan, vô tư khi nhìn nhận sự việc và thực hiện hòa giải... Tuy nhiên, không phải việc gì xảy ra ở khu dân cư cũng đưa vào hòa giải mà hòa giải viên cần phải biết vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền, pháp luật... Thực tế ở nơi nào đội ngũ cán bộ quan tâm giải quyết kịp thời những vướng mắc của dân thì ở đó khiếu kiện, tố cáo vượt cấp được hạn chế.

Huyện Đồng Phú hiện có 73 tổ hòa giải cơ sở với 438 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có 4-7 hòa giải viên. Đa số tổ trưởng tổ hòa giải do trưởng ấp, khu phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận đảm nhận; các thành viên khác gồm trưởng các đoàn thể: MTTQ, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, người cao tuổi. Trong quá trình hòa giải từng vụ việc cụ thể, tùy theo đối tượng và tính chất vụ việc mà tổ trưởng tổ hòa giải có thể mời thêm người có uy tín, thành viên tổ an ninh ấp, khu phố... tham gia. Điểm mạnh của hoạt động hòa giải ở cơ sở là phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, qua đó giúp ngăn chặn ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân và hành vi vi phạm pháp luật, không để nảy sinh phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành 312/381 vụ, việc; 69 vụ, việc hòa giải không thành đã chuyển ngành chức năng giải quyết.

Ông Nguyễn Bá Thành, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Đồng Phú cho biết: Căn cốt không để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp xảy ra là giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở. Khi giải quyết công việc phải khéo léo vận dụng cả lý, cả tình để tác động đến từng người. Việc đơn giản thì dùng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa. Với những vụ, việc căng thẳng thì vận dụng các quy định pháp luật, có như vậy mới đi đến thành công trong giải quyết mâu thuẫn. Cùng với nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, các cấp, ngành trong huyện thường xuyên phối hợp, lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào tại cộng đồng dân cư, gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là điểm mấu chốt giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư. Với phương châm “Giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải của huyện Đồng Phú đã góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, hành chính..., đồng thời hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, giữ vững bình yên khu dân cư.

Minh Hiền

  • Từ khóa
32250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu