Thứ 6, 29/03/2024 18:32:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:23, 16/08/2018 GMT+7

Đồng Phú tích cực phòng, chống bệnh khảm lá mì

Thứ 5, 16/08/2018 | 14:23:00 190 lượt xem

BP - Năm nay, giá mì tươi dự kiến khoảng 2.000-2.200 đồng/kg nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đồng Phú đã mạnh dạn thuê đất đầu tư trồng mì, với hy vọng vụ này bội thu. Tuy nhiên, theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú, bệnh khảm lá mì đang phát triển mạnh và lây lan rất nhanh. Toàn huyện có 612 ha mì, trong đó có tới 105 ha bị nhiễm bệnh. Các khu vực bị nặng như: Xã Tân Lập 32 ha, thị trấn Tân Phú 27 ha, xã Tân Hưng 13 ha… Trước thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp hội nông dân các xã, thị trấn điều tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhà nông biện pháp phòng, trừ bệnh.

Nông dân lo lắng

Năm 2018, anh Vũ Văn Ngân (1976), ngụ khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú thuê 12 ha đất với giá 5 triệu đồng/ha để trồng mì. Anh thuê cày đất, mua giống, công trồng, làm cỏ, đầu tư phân bón... hết khoảng 20 triệu đồng/ha. Với giá mì như hiện nay anh dự tính sẽ lãi từ 20-25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên khi cây mì phát triển khoảng 20-30cm thì một số cây bị xoăn lá và có các đốm vàng, phát triển chậm. Anh đã mua thuốc xịt 2 đợt hết khoảng 24 triệu đồng nhưng bệnh vẫn không giảm mà còn có xu hướng tăng. Hiện bệnh khảm lá đã lan gần hết 12 ha mì của gia đình anh. 

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú kiểm tra vườn mì bị bệnh

Tương tự, gia đình ông Hoàng Quốc Phòng, ngụ ấp 6, xã Tân Lập có 2 ha mì trồng xen trong vườn cao su đang bị bệnh khảm lá. Trước đây, ông mua cây giống trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc nên sau khi xuống giống được 1 tháng thì xuất hiện các đốm vàng trên phiến lá. Sau đó, đốm vàng lan rộng, lá bị biến dạng, nhăn nheo và xoắn lại. Mua thuốc về xịt 2 lần nhưng bệnh không giảm nên ông rất lo lắng không biết xử lý thế nào.

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh khảm lá mì, bà Nguyễn Thị Thu Yến, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú cho biết: Bệnh khảm lá mì do virus có tên khoa học là sri lanka cassava mosaic virus gây ra và bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh. Bọ phấn trắng trưởng thành chỉ 0,75-1,4mm, toàn thân và cánh phủ bởi một lớp phấn màu trắng, ấu trùng có màu vàng nhạt, sau khi lột xác chuyển thành sâu non. Cả ấu trùng và sâu đều chích hút nhựa cây làm chết mô lá và tiết nước bọt lan truyền mầm bệnh khảm lá mì. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá mì là khảm vàng loang lổ, thời gian sau lá xoắn, cong queo, nhăn nhúm. Mầm bệnh lây truyền qua nhiều đường: Qua hom giống, đất, nước, môi giới truyền bệnh... Lây truyền từ hom giống, đất trồng mì nhiều năm bệnh sẽ có biểu hiện rất sớm, khi cây mì có khoảng 10 lá (từ 15-20cm) và 20 lá (khoảng 40cm), bệnh xuất hiện ở giai đoạn này thì nên nhổ bỏ và trồng những loại cây khác họ. Bệnh xuất hiện giai đoạn sau sẽ làm năng suất, chất lượng củ mì giảm.

bệnh chưa có thuốc đặc trị

Ngày 18-7, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú ban hành Công văn số 07/CV-TTDVNN gửi UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân phòng, chống bệnh khảm lá mì. Tuy nhiên, bệnh vẫn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên diện rộng. Trước tình hình này, ngày 7-8, UBND huyện Đồng Phú ban hành Công văn số 1623/UBND-KT gửi các ngành chức năng và UBND xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền thông tin kịp thời tình trạng dịch bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ, ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng. Hiện các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ ngay tại vườn.

Xã Tân Lập có khoảng 32 ha mì bị nhiễm bệnh, riêng ấp 5 có gần 20 ha. Bà Đào Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Sau khi nhận sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi bám sát địa bàn và tổ chức phát tài liệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp dân. Hộ nào có yêu cầu, chúng tôi trực tiếp đến tận vườn để hướng dẫn phòng, trừ bệnh.

Ông Lê Duy Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú cho biết: Bệnh khảm lá mì chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, nông dân khi trồng mì lưu ý: Chọn giống sạch bệnh, xử lý hom giống trước khi trồng; không trồng luân canh các loại cây ký chủ của bọ phấn trắng, như cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt...; ở những chân đất đã bị nhiễm bệnh vụ trước thì không trồng ít nhất một vụ. Phòng trừ môi giới truyền bệnh bằng cách sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng hoặc phun thuốc phòng, trừ bọ phấn trắng. Nếu vườn mì bị nhiễm bệnh ít thì nhổ bỏ những cây bị bệnh, thu gom (gồm cả củ) để tiêu hủy. Nếu vườn bị nhiễm bệnh trên 70% số cây thì nhổ toàn bộ, tiêu hủy, xử lý đất và tùy theo mùa vụ để luân canh cây trồng khác, như bắp biến đổi gen, đậu các loại...

Khắc Bảy

  • Từ khóa
42946

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu