Thứ 5, 28/03/2024 17:11:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:21, 07/09/2018 GMT+7

Đồng Phú trên lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới

Thứ 6, 07/09/2018 | 06:21:00 992 lượt xem

BP - Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Phú xác định, chỉ có đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thì mới có thể cải thiện, nâng cao đời sống người dân một cách toàn diện, bền vững. Từ quan điểm ấy, Huyện ủy, UBND huyện nghiêm túc triển khai các nghị quyết, chương trình hành động về xây dựng NTM. Trong đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 20-10-2008 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là đòn bẩy để Đồng Phú bám sát định hướng của cấp trên trong xây dựng NTM. Hiện huyện đã có 5/10 xã hoàn thành xây dựng NTM. Mục tiêu của Đồng Phú là đến năm 2020 sẽ được công nhận huyện NTM.

Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, những năm qua, Đồng Phú đã có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào việc xây dựng NTM.

Từ kinh nghiệm ở xã Tân Lập

Là một trong 11 xã của cả nước được chọn thí điểm xây dựng NTM giai đoạn đầu 2009-2011, khi ấy Tân Lập chỉ có 4 tiêu chí đạt chuẩn là thủy lợi, bưu điện, hộ nghèo và an ninh trật tự. Trong khi đó, mức sống người dân chỉ đạt 9,5 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng rất thiếu. Thu nhập của người dân phần lớn phụ thuộc sản xuất nông nghiệp (tỷ trọng nông nghiệp chiếm 65% cơ cấu kinh tế); toàn xã có 76 hộ nghèo, chiếm 3,4% tổng số hộ dân trên địa bàn xã...

Nhờ xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm ở xã Tân Lập khang trang, sạch, đẹp, người dân rất phấn khởi - Ảnh: K.B

Vì là một trong những xã thí điểm đầu tiên của cả nước về xây dựng NTM nên hầu hết người dân và cả một số cán bộ chưa định hình được NTM là gì, cũng không biết học tập kinh nghiệm ở đâu. Với sự quan tâm hỗ trợ của ban chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến huyện, cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập đã vững tin hơn với tinh thần “làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó”. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, ấp ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết đã xây dựng được đội ngũ nòng cốt ở cơ sở. Đồng thời cán bộ, đảng viên phải luôn đi trước, làm cho dân thấy được cái lợi từ những công trình mà mình đầu tư, đóng góp và trực tiếp hưởng lợi.

Đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM ở Tân Lập là hơn 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 50 tỷ; tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 23 tỷ; doanh nghiệp đóng góp gần 20 tỷ; nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng và các vốn khác hơn 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành công nhất ở Tân Lập không phải huy động được nhiều nguồn vốn mà là việc người dân thấu hiểu lợi ích của xây dựng NTM. Từ đó, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình xây dựng mà không đòi hỏi đền bù để xây dựng các công trình NTM. Từ năm 2010-2014, người dân đã hiến 48.217m2 đất, 4.112 cây trồng các loại và 1.853 ngày công để làm đường giao thông, đường điện và các công trình công cộng khác. Năm 2014, Tân Lập hoàn thành 19/19 tiêu chí, là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM. Những công trình NTM mọc lên đã làm diện mạo của xã thay đổi hoàn toàn. Nhưng đổi thay đáng tự hào là cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch nhanh, từ 65% tỷ trọng nông nghiệp đã giảm còn 40%; công nghiệp - xây dựng tăng 31,5%; thương mại - dịch vụ tăng 28%. Từ 76 hộ nghèo, chiếm 3,4% tổng số hộ, đến cuối năm 2017, Tân Lập chỉ còn 18 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm 0,8%. Thu nhập bình quân đầu người từ 9,5 triệu đồng/năm đã tăng lên 38 triệu đồng. Gần 90% tuyến giao thông được trải nhựa, bê tông và cứng hóa; 93% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn và không còn nhà tạm; cả 5/5 trường học đạt chuẩn quốc gia...

Bài học về vận động sức dân và chủ động thực hiện các công trình thiết yếu trên cơ sở lấy ý kiến người dân ở Tân Lập không chỉ được nhân rộng ở Đồng Phú mà trên phạm vi toàn tỉnh.

Xây dựng hình thức sản xuất tiên tiến và tăng cường đầu tư hạ tầng

Trên địa bàn huyện hiện có 115 trang trại sản xuất nông nghiệp, trong đó 74 trang trại trồng trọt và 41 trang trại chăn nuôi. Nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Đồng Phú đã quan tâm xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 9 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 15 tổ hợp tác. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đang hoạt động ổn định, hiệu quả. Sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp đã hình thành và được nhân rộng. Trong chăn nuôi, đã hình thành nhiều mô hình liên kết giữa hộ nông dân với các công ty nước ngoài như Công ty CP Thái Lan, Japfa Hà Lan. Ngoài ra còn có sự liên kết trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây cao su, gỗ nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất tiêu bền vững... Việc tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ rủi ro, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Nếu chiếu theo tiêu chí huyện NTM, Đồng Phú đã đạt 5/9 tiêu chí; 2 tiêu chí chỉ cần đầu tư một số hạng mục sẽ đạt là quy hoạch và sản xuất. Huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là giao thông, y tế - giáo dục - văn hóa. Đồng thời tăng cường chỉ đạo, quan tâm đầu tư để 4 xã còn lại về đích NTM, đảm bảo 100% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Theo đó, UBND huyện đã đăng ký với UBND tỉnh 2 xã Tân Hưng, Đồng Tiến sẽ hoàn thành NTM vào năm 2019. Và đến cuối năm 2020, 2 xã còn lại sẽ hoàn thành xây dựng NTM.

Ông TRẦN VĂN VINH, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Đồng Phú cho biết.

Quan điểm của cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Phú là đẩy mạnh xây dựng NTM nhưng không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung tối đa các nguồn lực ưu tiên thực hiện những công trình, dự án thật sự cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân; bố trí vốn tập trung, không dàn trải; phát huy dân chủ trong triển khai thực hiện. Từ quan điểm ấy, từng địa bàn căn cứ vào thế mạnh và yếu tố đặc thù của mình để chủ động chọn những tiêu chí thực hiện trước theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Về phía huyện, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh và ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn cho xây dựng NTM. Tính đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện là 3.321,6 tỷ đồng.

Năm 2018, huyện tập trung các nguồn lực cùng sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh ưu tiên thực hiện các công trình giao thông và bố trí cho Tân Hòa để xã này hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm. Do đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, huyện đã triển khai thực hiện 30 công trình giao thông, tiến độ thi công đạt 65%. Trong đó có 3 công trình trường học và sửa chữa 4 nhà văn hóa ấp tại xã Tân Hòa. Đến nay, toàn huyện đã làm mới, sửa chữa, nâng cấp 1.173,5km đường giao thông nông thôn cùng nhiều công trình phúc lợi khác. Hiện cả 10/10 xã đạt chuẩn về thủy lợi, hạ tầng thương mại nông thôn, có điểm thông tin - truyền thông đạt chuẩn; 9/10 xã đạt chuẩn về cơ sở văn hóa; 8/10 xã đạt chuẩn về nhà ở dân cư; 5/10 xã đạt tiêu chí về giao thông; 5/10 xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất trường học; 4/10 xã đạt chuẩn về điện với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt 98%... Từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn vận động, toàn huyện đã xóa 819 căn nhà tạm, dột nát. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện đạt trung bình 16,5/19 tiêu chí NTM, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh là 13,73 tiêu chí và tăng 13,5 tiêu chí so với giai đoạn đầu triển khai xây dựng NTM. Trong đó 5/10 xã đã đạt 19/19 tiêu chí là Tân Lập, Tân Tiến, Tân Lợi, Thuận Phú và Tân Phước. 

Phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2020

Mục tiêu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đồng Phú đưa ra là đạt tiêu chuẩn huyện NTM vào năm 2020. Theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ, huyện NTM phải đạt 9 tiêu chí gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng NTM. Đồng thời, 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định rõ những khó khăn, thử thách trong việc đạt mục tiêu huyện NTM vào năm 2020, bởi sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi ở những xã chưa đạt chuẩn NTM thu nhập của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn trên mức quy định; khối lượng đầu tư về hạ tầng giao thông, trường học, điện... rất lớn. Cụ thể là cần bê tông hóa, nâng cấp sửa chữa khoảng 56.865m đường nông thôn; đầu tư 64.487m đường điện; hoàn chỉnh các công trình và đầu tư trang thiết bị cho 11 trường học...

 Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các mục tiêu về xây dựng NTM, UBND huyện sẽ kiến nghị các sở, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ huyện trong thực hiện các tiêu chí huyện NTM, xã NTM. Trước mắt, sẽ đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ xi măng theo nhu cầu của huyện trong thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù. Đồng thời đề xuất tỉnh cho cơ chế sử dụng vốn từ nguồn thu bán đấu giá để xây dựng NTM; tăng tỷ lệ bố trí vốn để đảm bảo cho huyện về đích NTM theo kế hoạch.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
22869

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu