Thứ 6, 26/04/2024 16:04:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:39, 28/01/2017 GMT+7

Đồng Xoài trong ký ức vị tướng già

Thứ 7, 28/01/2017 | 15:39:00 2,423 lượt xem

BP - Một ngày cuối năm, trong căn nhà nhỏ số 36B, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi được trò chuyện với ông - người đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường miền Đông, đặc biệt là vùng đất Bình Phước ngày nay. Ông được mệnh danh là dũng tướng miền Đông trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xuân này ông 74 tuổi nhưng vẫn rất tráng kiện. Tuổi trẻ của ông đã đi vào các trận đánh từ đường 10, chiến dịch đường 14, Phước Long, Tây Ninh, Dầu Giây, Lâm Đồng, Xuân Lộc và cả chiến trường K..., nhưng khi nói đến Đồng Xoài thì ký ức của vị tướng già như sống lại những năm tháng hào hùng của cả dân tộc thời kỳ đánh Mỹ.

DŨNG TƯỚNG MIỀN ĐÔNG

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh

Cứ vào độ cuối năm, khi mọi người tất bật sắm tết thì ký ức vị tướng già lại trở về những năm tháng hào hùng trên trận tuyến đánh quân thù ở vùng đất miền Đông. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân đoàn 4 - người đã từng vào sinh ra tử trên đất Bình Phước trong những năm đánh Mỹ.
 
Ông Doanh (1942) quê ở Sóc Sơn (Hà Nội). Khi còn học phổ thông, ông ước mơ trở thành chiến sĩ quân y. Thế nhưng do thể hình nhỏ bé nên ông không trúng tuyển quân sự mà trở thành kế toán Hợp tác xã Đức Hòa và được kết nạp Đảng năm 1962. Ông Doanh kể: “Từ năm 1960, cả nước sục sôi lên đường vào Nam đánh Mỹ, tôi làm đơn tình nguyện nhiều lần nhưng không được gọi. Năm 24 tuổi, bạn bè đã nhập ngũ hết nên tôi tìm gặp chỉ huy xin đi bộ đội cho bằng được. Lúc huấn luyện, điểm bắn súng của tôi cao nên cấp trên cho đi học nguồn dự bị quân đội. Đầu năm 1966, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường Đông Nam bộ; đóng tại Đắk Ơ, Bù Gia Mập ngày nay. Bám trận địa chưa lâu, ngày 10-8-1966, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) do tôi chỉ huy đã đánh địch tại khu vực đường 10 - Vĩnh Thiện (Bù Đăng). Trận này, tôi bị thương nặng và ngất, đồng đội tưởng tôi đã hy sinh nên đưa đi mai táng nhưng sau phát hiện còn sống nên đưa về điều trị”.

Bình phục, ông lại cùng đồng đội chiến đấu khắp chiến trường miền Đông từ Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Xuân Lộc... Sau ngày thống nhất đất nước, ông xung phong sang chiến trường K làm chuyên gia giúp bạn thoát ách diệt chủng. Tại đây, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 196K (sư đoàn đầu tiên của bạn). Năm 1988, ông được phong hàm Thiếu tướng và về nước giữ chức Phó tư lệnh chính trị Quân đoàn 4. Năm 1992, ông là Phó hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2, đến năm 1997 nghỉ hưu.

ĐỒNG XOÀI TRONG KÝ ỨC

Ông Doanh nhớ lại: “Tháng 7-1974, Quân đoàn 4 được thành lập với 3 sư đoàn bộ binh, trong đó có Sư đoàn 7 của tôi và nhiều đơn vị hợp thành. Sau lễ thành lập, quân đoàn cấp trên chỉ đạo Sư đoàn 7 tổ chức diễn tập phương án đánh chiếm Chi khu quân sự Đồng Xoài, trước đây gọi là Đôn Luân”.

Một góc thị xã Đồng Xoài hôm nay  - Ảnh: Sỹ Hòa

Ông Doanh cho biết, để phòng thủ cho Phước Long và khống chế đường 14 từ Tây Nguyên xuống, đồng thời bảo vệ đô thành Sài Gòn từ xa, Mỹ - ngụy xây dựng Chi khu quân sự Đồng Xoài thành một căn cứ mạnh, dài 600m, rộng 300m với hệ thống hào kiên cố, nhiều lớp hàng rào dây thép gai, các bãi mìn bố trí dày đặc. Thế nhưng, khi đặc công cắt được 3 lớp kẽm gai thì có lệnh chuyển hướng tấn công sang phân khu Bù Na. Bộ tư lệnh Miền yêu cầu nối lại hàng rào cho địch ở Đồng Xoài để giữ bí mật. Sau khi giải quyết xong yếu khu Bù Na, đơn vị ông vòng về đánh địch tại cầu Nha Bích. Tháng 12-1974, Trung đoàn 141 được lệnh tấn công Đồng Xoài. Trận này, ông là Chính ủy trung đoàn kiêm Chỉ huy Tiểu đoàn 1 áp sát giặc từ hướng tây bắc ngay trong đêm 22-12-1974. Lúc này, Chi khu quân sự Đồng Xoài được gia cố thêm 11 lớp kẽm gai, bãi mìn cùng trên 50 chốt phòng thủ kiên cố và được chi viện mạnh bằng đường không, pháo lớn từ Phú Giáo... Đêm 25-12-1974, Trung đoàn 141 được lệnh nổ súng, cùng lúc các tiểu đoàn 1, 2 và 3 ồ ạt tấn công vào chi khu. Hơn 5 giờ 30 phút ngày 26-12-1974, pháo 85 ly của ta nã dồn dập vào các chốt ngoại vi, khống chế các trận địa của địch. Một số đơn vị của Sư đoàn 7 thọc sâu vào trung tâm, quân ngụy dựa vào hầm ngầm và công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 19 giờ 30 phút cùng ngày, ta đã làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ chỉ huy và 352 tên lính.

Sau đó, Trung đoàn 141 cùng các đơn vị bạn tiêu diệt địch tại các điểm Tà Bế, Phước Thiện, Cầu Hai, khu sân bay trực thăng, Đồng Xoài được giải phóng. Ngày 31-12-1974, đơn vị của ông nhận lệnh tiến về giải phóng Phước Long...

TẤM LÒNG CỦA VỊ TƯỚNG

Ông Doanh cho biết, qua sách báo, truyền hình ông thường xuyên theo dõi chương trình thời sự về chiến trường xưa. Đồng Xoài hôm nay đã trở thành trung tâm tỉnh lỵ của Bình Phước và đang có những bước phát triển mạnh về kinh tế - xã hội. Đặc biệt là tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh làm cho Đồng Xoài trở thành một đô thị trẻ, năng động.

Lúc mới giải phóng, số dân Đồng Xoài chỉ khoảng 4.370 người, trong đó có không ít đồng bào S’tiêng và Khơme sống xa quận lỵ, nay thuộc các xã Đồng Tâm, Tân Phước, còn người Kinh tập trung ở các xã Tân Phú, Đồng Tiến và Thuận Lợi. Từ năm 1975-1978, huyện Đồng Phú tiếp nhận hàng ngàn lượt người dân trong cả nước đến xây dựng kinh tế mới. Từ năm 1997, tỉnh Bình Phước được tái lập và Đồng Xoài trở thành trung tâm tỉnh lỵ của Bình Phước. Hiện thị xã Đồng Xoài đã đạt 8/10 tiêu chí để chuẩn bị lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2018.

Qua tìm hiểu ông Doanh còn biết, giá trị sản xuất công nghiệp ở thị xã Đồng Xoài trong năm 2016 đạt 2.208,8 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 299,5 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch; hộ dân sử dụng điện đạt 99,8%; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, thu nhập đầu người đã hơn 52 triệu đồng. Đặc biệt, từ vùng chiến địa xưa Đồng Xoài đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2018 càng khiến ông thêm phấn khởi...

Nghe vị tướng già kể chuyện tôi như thấy được hình ảnh về một thời hào hùng của cả dân tộc cùng ra trận... Ở tuổi “thất thập” nhưng trong ông vẫn đau đáu vì đâu đó trong những cánh rừng ở vùng đất miền Đông vẫn còn nhiều hài cốt đồng đội, đồng chí chưa được quy tập. Vì vậy, lúc khỏe mạnh, ông luôn về thăm lại chiến trường xưa để tìm kiếm những đồng đội đã hy sinh.

Ông và đồng đội đã tìm được 215 bộ hài cốt liệt sĩ, báo cho địa phương biết 1 ngôi mộ tập thể có khoảng 139 liệt sĩ để quy tập. Trong ký ức của vị tướng già, “Ngày chiến tranh, vùng Đắk Ơ là rừng rậm. Ở đây có một hang đá là nơi an táng của hơn 100 chiến sĩ đã hy sinh do sốt rét. Nhưng đến nay, do địa hình, địa vật đã bị thay đổi làm mất dấu dù chúng tôi đã 4 lần vào kiểm tra nhưng chưa tìm ra dấu vết của hang đá này để đưa hài cốt đồng đội về”.

Mùa xuân mới đang về, vị tướng già vẫn tất bật với những dự định, kế hoạch đi tìm đồng đội của mình.

Tấn Hòa

  • Từ khóa
17262

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu