Thứ 3, 23/04/2024 13:21:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 05:16, 17/10/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH

Đột phá trong công tác dân số ở huyện Hớn Quản

P.Dung
Thứ 2, 17/10/2016 | 05:16:00 163 lượt xem
BP - Nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và phối hợp tốt giữa các ngành, đoàn thể nên thời gian qua công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở huyện Hớn Quản đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo tính bền vững trong dân số.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Qua 5 năm triển khai và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, huyện Hớn Quản đã có 19.650 lượt người dân vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ). 100% người dân có nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại được tư vấn và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp các đoàn thể vận động hơn 19.000 lượt người sử dụng các biện pháp tránh thai mới, trong đó có 31,2% người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân lựa chọn các biện pháp tránh thai lâu dài và bền vững như triệt sản (210 trường hợp nam, nữ), vòng tránh thai (4.730 người), tiêm thuốc (1.890 người)...  

Một buổi nói chuyện chuyên đề tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh do Trung tâm DS-KHHGĐ Hớn Quản tổ chứcMột buổi nói chuyện chuyên đề tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh do Trung tâm DS-KHHGĐ Hớn Quản tổ chức

Năm 2010, tỷ suất sinh thô của huyện Hớn Quản là 18,76%o, đến năm 2015 giảm còn 15,4%o, quy mô dân số được duy trì ở mức hợp lý. Mức sinh giảm từ 0,4-0,65%o/năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2010 là 12,58%, năm 2015 giảm còn 9,16%. Cơ cấu tuổi và số con của người sử dụng tiêm dịch chuyển theo hướng trẻ hơn và ít con hơn. Số con trung bình của mỗi phụ nữ là 2,5 (năm 2010) nay giảm còn 2,1 con, đạt với mức sinh thay thế. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ năm 2010 đến nay đã giảm 0,29%; Năm 2010, 64% phụ nữ có chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đến năm 2015 tăng lên 74,2%, trong đó phụ nữ người đồng bào đạt 41%.

Công tác chăm sóc SKSS cho phụ nữ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả. Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức 104,4 trẻ em trai sinh ra còn sống/100 trẻ em gái sinh ra còn sống. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng mỗi năm giảm từ 1-1,5%; tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 72%. Hiện nay, huyện Hớn Quản đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”.

HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC

Ông Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hớn Quản cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo chính quyền lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Phát huy vai trò và sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là hội nông dân, hội phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân thực hiện tốt công tác KHHGĐ tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước của thôn, ấp, khu dân cư. Đến nay, có 95% các cơ quan, đơn vị, ấp, sóc các xã đã xây dựng hương ước, quy ước, đồng thời phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề như “Chăm sóc SKSS -KHHGĐ”; “Nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; “Xứ họ đạo với công tác dân số và phát triển”; “Gia đình tín hữu công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”... để góp phần vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hằng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về giới, giáo dục sức khỏe và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó vận động nhân dân xây dựng mô hình câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3 ở các xã An Phú, Tân Hiệp, Đồng Nơ; câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình ở các xã Tân Lợi, Tân Quan; câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã An Khương, câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác KHHGĐ bằng tiếng S’tiêng ở xã Thanh An... Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục dân số, SKSS, giới tính vào trường học...

 Để phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hớn Quản tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện KHHGĐ ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã có chế tài, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phù hợp với tuyến cơ sở, đảm bảo phục vụ nhu cầu chăm sóc SKSS-KHHGĐ của toàn dân; cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng và làm tốt tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dịch vụ về chăm sóc SKSS.

  • Từ khóa
57039

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu