Thứ 6, 29/03/2024 22:36:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:23, 04/09/2015 GMT+7

Đốt vàng mã - “ném tiền xuống sông”

Thứ 6, 04/09/2015 | 14:23:00 220 lượt xem
BP - Ngày 26-8-2015, trang web truyền hình của Báo Hà Nội mới đăng lại phóng sự “Hà Nội đốt 400 tỷ đồng vàng mã mỗi năm” của VTC1. Phóng sự phản ánh: Những ngày tháng 7 âm lịch này, trên phố Hàng Mã, Hà Nội ngập tràn hàng mã đủ loại. Qua tìm hiểu của phóng viên, có đến 50 ngàn tấn vàng mã được người dân thủ đô đốt mỗi năm, tương đương 400 tỷ đồng.

Không chỉ ở Hà Nội, khắp mọi nơi, trong các ngày lễ, tết, hội, hè, rằm, mồng một, cúng xe, về nhà mới, ma, chay, giải hạn, thậm chí ăn mừng được thăng quan, tiến chức... cũng đều đốt vàng mã. “Có cầu ắt có cung”, “trần sao âm vậy”, thôi thì đủ loại vàng mã từ ôtô, xe máy, máy bay, siêu xe, điện thoại thông minh, nhà lầu, nhà Thái đến cả... người mẫu, diễn viên, ca sĩ đều được bày bán để phục vụ người “cõi âm”. Chỉ riêng Hà Nội mỗi năm đốt vàng mã đã ngốn 400 tỷ đồng, nếu cộng cả nước thì quả là con số không nhỏ. Trong khi điều kiện kinh tế của đất nước ta còn nhiều khó khăn; một bộ phận người dân đang trong tình trạng nghèo, thiếu nhà ở. Đặc biệt là hàng ngàn cây cầu ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắc qua sông, qua rạch đang chờ... sập, do chưa tìm đâu ra kinh phí để sửa chữa, làm mới. Việc đốt vàng mã cũng ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Nhiều vụ cháy rừng, cháy nhà, xe cộ đã xảy ra cũng vì đốt vàng mã.

Theo học giả Phan Kế Bính viết trong cuốn Việt Nam phong tục (NXB Văn học, 2008, tr47-48): “Tục đốt vàng mã do từ bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế. Đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tông nhà Đường, thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đến đời Đường Túc Tôn thì dùng tiền giấy để cúng rồi đốt đi. Đời Ngũ Đại lại chế thêm ra áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần”. Và học giả Phan Kế Bính đã khuyên: ... Ta hay tin những chuyện huyền hoặc của Tàu mà không nghĩ đến nghĩa lý gì cả... Ma quỷ đâu mà lại phải đốt pháo, đốt vàng? Đốt mã, vàng, hương cho nhiều chẳng qua chỉ tổ tốn tiền” (sđd, trang 52).

Thượng tọa Thích Thanh Điện, Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của báo An ninh Thủ đô ngày 29-8-2015 cũng khẳng định: “Hằng năm, chúng tôi có thuyết pháp cho các phật tử để tuyên truyền việc không đốt vàng mã. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động người dân, coi việc lễ lạt trong rằm tháng bảy cái tâm là chính. Tụng kinh, niệm phật... là đủ rồi. Tuy nhiên, nếu chỉ có các phật tử, những người có tuổi đến nghe giảng thì e rằng tuyên truyền cũng không hiệu quả. Tôi mong qua các kênh truyền thông, báo đài cũng phải vào cuộc, giúp sức để ngăn chặn tình trạng đốt vàng mã bừa bãi. Tôi xin nhắc lại, tinh thần của Phật giáo là không đốt vàng mã”.

Cũng xin được nhắc lại, để hạn chế tình trạng đốt vàng mã tại các lễ hội, ngày 12-10-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo đó, việc đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đó là xét ở góc độ pháp luật. Còn ở góc độ tâm linh với lòng hướng về cội nguồn, hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã khuất thì không phải cứ đốt nhiều hay ít vàng mã là tốt mà ngược lại việc làm đó vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.

Hoàng Thu

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu