Thứ 3, 16/04/2024 14:29:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:38, 07/05/2019 GMT+7

“Du bè” tuần tra biên giới

Thứ 3, 07/05/2019 | 14:38:00 1,108 lượt xem
BP - Nằm sâu trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nơi các anh đóng quân không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không internet và không có cả nước sạch. Ở nơi đó, các anh - những người lính biên phòng vẫn ngày đêm bám trụ, vững chắc với những bước chân tuần tra biên giới và những cây lồ ô cùng dòng sông Đắk Huýt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

5 giờ 15 phút, khi trời còn tối đen, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Gia Mập đã được đánh thức bằng một hồi kẻng dài ngân vang. Những ánh đèn pin thay đèn điện. Ở nơi không có điện thì đèn pin là vật bất ly thân, ai cũng trang bị 1 cái. Mỗi người chia nhau công việc để bắt đầu một ngày mới. Sau bữa cơm sáng, tất cả sẵn sàng cho một cuộc hành quân tuần tra biên giới. Dây giày thắt chặt, cài cúc ống quần, vớ phủ gấu quần - đội hình tuần tra trực chỉ hướng bờ sông Đắk Huýt. Vượt qua quãng đường 8km mới tới được nơi cắm biển báo cột mốc. Nói thì nghe đơn giản nhưng không phải cứ có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ là có thể đi được. Bởi ở sâu trong vùng lõi của vườn quốc gia nên vắt, ve trở thành “đặc sản” nơi đây. Để chống vắt cắn, các anh phải bước đi thật nhanh, tránh chạm vào cành, lá cây.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Gia Mập tuần tra bằng bè trên dòng sông Đắk Huýt

Vừa lau mồ hôi thấm đẫm trên mặt, chiến sĩ Huỳnh Ngọc Thuận chia sẻ với chúng tôi: “Đi tuần tra biên giới rất vất vả. Mùa khô thì có phần thuận tiện hơn. Đi trên cạn bị nhiều loại côn trùng cắn, khi bị cắn phải mấy tháng, có khi cả năm vết cắn của vắt, ve vẫn chưa lành. Còn lội dưới suối thì đá trơn, trượt, mùa mưa còn có lũ trên cao bất ngờ đổ về rất nguy hiểm. Thế nhưng, khi đi tuần tra tận mắt, tận tay kiểm tra những cột mốc chủ quyền của đất nước thì vinh dự lắm. Ngoài ra, đi tuần tra còn giúp bản thân khám phá thiên nhiên, cảnh quan môi trường của đất nước”.

Hơn 1 giờ băng rừng, tụt dốc trơn trượt với không ít cú trượt ngã, các anh cũng đã tới sông Đắk Huýt - điểm đầu tiên trong chiều dài 17km đường biên giới do Đồn biên phòng Bù Gia Mập quản lý. Dòng sông Đắk Huýt là điểm ranh giới phân định giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia. Nhìn khúc sông có vẻ bằng phẳng, hiền hòa nhưng quanh co, lên xuống và nhiều đá ngầm. Để đảm bảo công tác kiểm tra biên giới, việc dùng bè tuần tra là giải pháp tối ưu.

Đặt những chiếc ba lô đựng quân tư trang, tăng võng, lương thực cho 2 ngày ăn và sinh hoạt giữa rừng, các anh vội vã chặt cây lồ ô làm bè. Với những người lính có thâm niên công tác lâu năm cùng hàng trăm chuyến tuần tra biên giới thì đây là công việc quá quen thuộc. Hòa trong tiếng cười nói của các anh là tiếng nước chảy, tiếng chim hót, không gian trở nên vui nhộn, một cảm giác rất thanh bình.

Có những đoạn biên giới tổ tuần tra có thể đi được trên cạn

Để kết một cái bè cần 13-15 cây lồ ô, thêm 2 cây để làm sào chống. Và hơn 1 giờ mới kết xong 1 bè cho 2-3 người đi. Sông Đắk Huýt có nhiều đoạn rộng tới 60-70m, nhiều chỗ nước chảy xiết và đá ngầm nên khi kết bè phải hết sức cẩn thận từ chọn cây đến buộc từng mối dây. Là quân nhân tham gia hàng trăm chuyến tuần tra nên Thiếu tá Cao Hoài Sơn rất thông thạo từ việc chọn cây lồ ô đến kết bè sao cho chắc chắn nhất. Tay thoăn thoắt dùng dây rừng cột các cây lồ ô thành bè, anh Sơn chia sẻ: “Tuần tra biên giới những đoạn có thể đi được trên bờ, song có nơi phải di chuyển dưới sông để quan sát kỹ hơn và khi đó bè kết bằng cây lồ ô là giải pháp tối ưu”.

Chỉ một lúc sau khi xuất phát, quần áo của các cán bộ, chiến sĩ đã ướt sũng. Nhìn các anh vừa cười nói vừa chèo bè lướt đi trên dòng nước trong xanh khiến chúng tôi liên tưởng cảnh đang đi du lịch dã ngoại. Thế nhưng còn có những hiểm nguy luôn rình rập vì nhiều chỗ nước xiết, đá ngầm và lũ rừng bất ngờ. Thiếu tá Cao Hoài Sơn chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm nhận biết lũ đầu nguồn: “Khi dòng sông xuất hiện đám bọt thì lập tức phải hô hoán anh em lên bờ ngay vì chỉ sau đó khoảng chưa đến 1 phút là lũ sẽ đổ về rất lớn”. Bởi thế, tổ tuần tra luôn phải là những người có sức khỏe, nhanh nhẹn, bơi giỏi và có kinh nghiệm.

Chỉ với 17km đường biên giới gồm 7 vị trí mốc phụ, đội tuần tra phải mất gần 2 ngày vượt sông, cắt rừng với nhiều vất vả, hiểm nguy. Một bữa sáng bằng mì gói, 2 bữa cơm đạm bạc giữa rừng già và một đêm giăng võng, đốt lửa ngủ bên cạnh cột mốc đã để lại cho những người lính biên phòng du bè tuần tra rất nhiều kỷ niệm về cuộc sống quân ngũ, về nơi biên cương của Tổ quốc. Đại úy Phạm Thanh Long, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Bù Gia Mập nói: “Trước khi đi tuần tra, chỉ huy đơn vị luôn động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, kiểm tra kỹ các cột mốc và những dấu hiệu trên biên giới. Vì thế, dù nhiều vất vả, hiểm nguy rình rập song cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Gia Mập luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc đoạn biên giới đơn vị quản lý”.

Hồng Ánh

  • Từ khóa
7970

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu