Thứ 6, 19/04/2024 13:54:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:44, 01/05/2017 GMT+7

Dự thảo luật đầy nhân văn

Thứ 2, 01/05/2017 | 08:44:00 148 lượt xem

BP - Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vào sáng 21-4 vừa qua, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, khi một người bị oan sai, có gia đình bị thiệt hại rất nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp con cái còn tự tử... Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên đưa vào dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần cho thân nhân của người bị oan nhằm giảm bớt những thiệt hại do oan sai gây ra. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề này ra “mổ xẻ” đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho thân nhân người bị oan sai là việc làm nhân văn, cần được Quốc hội thông qua.

Thời gian qua, ở nước ta đã có nhiều người bị oan sai trong các vụ án hình sự. Những vụ án này không chỉ làm cho người bị oan sai chịu nhiều tổn thất mà thân nhân của họ cũng bị thiệt hại nghiêm trọng đến tinh thần, vật chất... khiến người dân thêm hoang mang dao động. Như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên phạt tù chung thân vì tội giết người. Sau 10 năm đi tù, ông Chấn tuy đã được minh oan nhưng những thiệt hại cho gia đình ông khó có thể bù đắp. Hay vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận phải ngồi tù oan 18 năm làm cho gia đình phải ly tán; ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình bị khuynh gia bại sản vì ngồi tù oan 3 năm... Mới đây, ông Hàn Đức Long đã từng bị tuyên án tử hình ở Bắc Giang được minh oan nhưng gia đình ông vẫn bị ám ảnh vì dư luận không chịu buông tha. Đỉnh điểm là tại buổi xin lỗi ông Long, người nhà bị hại trong vụ án đã kéo tới quậy phá hiện trường làm cho buổi xin lỗi rơi vào cảnh hỗn loạn... Tại Bình Phước, thời gian qua có không ít vụ án oan sai xảy ra, trong đó vụ án “nổi tiếng” nhất là 4 thanh niên ở Bù Đốp bị tù oan về tội hiếp dâm trẻ em. 4 người bị oan là những thanh niên hiền lành, chất phác, nhưng chỉ vì lời tố cáo vu vơ của cô bé trong đám bạn dẫn đến bị tuyên án tù vì tội hiếp dâm trẻ em. Biết con mình bị oan, 4 gia đình có con bị tù phải cầm cố hết tài sản để thăm nuôi và thuê luật sư trợ giúp pháp lý. Trường hợp ông Nguyễn Hữu Thời là bố của Nguyễn Hữu Nghĩa là một minh chứng về thiệt hại cho thân nhân do oan sai. Ông Thời vốn là chủ đại lý vé số lớn nhất, nhì huyện Bù Đốp nên kinh tế gia đình thuộc loại khá giả trong vùng. Sau khi Nghĩa bị bắt, ông phải bỏ kinh doanh để lo cho con. Đến ngày Nghĩa được minh oan thì gia đình ông đã khuynh gia bại sản, phải sống bằng nghề bơm, vá xe máy. Đáng thương nhất là trường hợp của bà Lê Thị Lý, thân nhân Phạm Văn Hoàng, một người bị oan sai trong vụ án nói trên. Sau khi ra tù, Hoàng đi làm thuê cho một xưởng điều kiếm sống. Tuy nhiên, Hoàng vẫn không thể bình yên trước những lời đàm tiếu và soi mói của người khác. Chưa hết, Hoàng đã bị kẻ khác đâm chết khi chưa được minh oan.

Việc bồi thường tổn thất tinh thần cho thân nhân người bị oan sai như thế nào và ai là người được bồi thường đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo. Nhưng, theo đánh giá của dư luận thì đây là việc làm hết sức ý nghĩa đối với gia đình người bị oan nên sớm hoàn thiện, trình Quốc hội để được thông qua.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu