Thứ 5, 28/03/2024 17:43:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:15, 06/08/2017 GMT+7

Dự thảo quy định về quản lý máy photo màu và những bất cập

Chủ nhật, 06/08/2017 | 16:15:00 1,879 lượt xem
BPO - Bộ Thông tin - Truyền thông vừa công trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này về dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in. Và ngay sau khi dự thảo nghị định này được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương và của nhân dân, trong dư luận xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng có quá nhiều rắc rối trong việc quản lý đối với máy photo màu.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 30 của dự thảo đã đưa ra phương án sửa đổi, bổ sung như sau: Về hồ sơ đăng ký sử dụng máy in màu: Trước khi sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải đăng ký máy với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại. Hồ sơ đăng ký gồm: Đơn đăng ký sử dụng máy theo mẫu quy định; Bản sao có bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực nếu gửi bằng đường bưu chính, chuyển phát giấy phép nhập khẩu máy do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp; giấy tờ đảm bảo tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức đăng ký sử dụng máy; hợp đồng và hóa đơn mua máy hoặc chứng từ thuê mua máy; Đơn đề nghị chuyển nhượng (đối với máy đã đăng ký sử dụng) có xác nhận của Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký máy.

Quy định về việc chuyển nhượng đối với máy in màu, dự thảo đã đưa ra nội dung bổ sung tại Khoản 5 và Khoản 6 của Điều 30 như sau: Cơ quan, tổ chức sử dụng máy đã đăng ký khi chuyển nhượng máy phải có hồ sơ gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký máy. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị chuyển nhượng máy theo mẫu quy định (2 bản); Bản sao có bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực nếu gửi bằng đường bưu chính, chuyển phát giấy tờ đảm bảo tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức được chuyển nhượng máy; Bản chính giấy xác nhận đăng ký máy; Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị chuyển nhượng máy, Sở Thông tin và Truyền thông phải xác nhận vào đơn chuyển nhượng, trả lại 1 bản cho cơ quan, tổ chức đề nghị chuyển nhượng máy, 1 bản lưu hồ sơ và cập nhật thay đổi đăng ký máy trong dữ liệu quản lý, trường hợp không xác nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Đối với việc thanh lý máy in màu, trong nội dung của dự thảo nghị định đã đưa ra quy định như sau: Cơ quan, tổ chức sử dụng máy đã đăng ký khi thanh lý phải có văn bản thông báo đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi đã đăng ký máy, đồng thời giấy xác nhận đăng ký máy hết hiệu lực.

Và với nội dung như trong dự thảo nghị định nêu trên, việc sử dụng, chuyển nhượng, thanh lý máy in màu, máy photo màu trở thành hoạt động có điều kiện. Nói cách khác, nếu cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp không tuân thủ các quy định trên thì sẽ bị cấp hoạt động. Và như vậy là trái với tinh thần của Luật Đầu tư hiện hành. Bởi tại Khoản 1, Điều 6 của Luật Đầu tư đã quy định cụ thể về việc cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây: Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Rõ ràng là luật Đầu tư năm 2014 chỉ quy định 6 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm, nhưng trong đó không có hoạt động sử dụng máy photocopy màu. Như vậy, máy photocopy màu, máy in có chức năng photo màu không phải là loại hàng hóa cấm kinh doanh theo hệ thống pháp luật về thương mại, hay là loại hàng hóa bị cấm trong hoạt động đầu tư kinh doanh theo pháp luật về đầu tư. Do đóm, việc dự thảo nghị định đưa ra quy định bắt buộc chủ thể sử dụng phải thực hiện thủ tục như đăng ký sử dụng, đăng ký chuyển nhượng, thông báo khi thanh lý máy,….là hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Không những thế, các quy định này còn tạo ra quá nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Chưa hết, thủ tục đăng ký chuyển nhượng máy photocopy màu quy định tại Khoản 27, Điều 30, trong dự thảo nghị định được thiết kế tương tự như thủ tục cấp phép (gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan nhà nước sẽ xem xét hồ sơ để xác nhận hoặc từ chối xác nhận), trong khi tiêu chí để xác nhận đối với loại máy móc này lại không rõ ràng. Nhằm bảo đảm thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi cá nhân, doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ về quyền tự do kinh doanh cũng như chủ trương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các quy định về thủ tục đăng ký sử dụng, đăng ký chuyển nhượng, thông báo thanh lý máy photocopy màu cần được điều chỉnh cho phù hợp. Có như vậy thì khi dự thảo nghị định này được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển.

NN

  • Từ khóa
23095

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu