Thứ 5, 28/03/2024 16:52:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:50, 02/09/2018 GMT+7

Đứa con phản bội

Chủ nhật, 02/09/2018 | 14:50:00 2,828 lượt xem

BP - Vua Lý Huệ Tông chỉ có 2 người con gái, 1 là công chúa Thuận Thiên, đã gả cho Trần Liễu và 2 là công chúa Chiêu Thánh. Lý Huệ Tông không có con trai nên Chiêu Thánh được lập làm vua lúc mới 7 tuổi, đó là Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của triều Lý. Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh, là em ruột Trần Liễu, sau là vua Trần Thái Tông. Năm 1237, Trần Thủ Độ lập mưu cho Trần Thái Tông lấy vợ của anh là công chúa Thuận Thiên về lập làm hoàng hậu, dù lúc này Thuận Thiên đã có thai được 3 tháng. Người con mà Thuận Thiên mang thai trước khi trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông, sau được phong tước Tĩnh quốc Đại vương, tên là Trần Quốc Khang.

Minh họa: S.H

Như vậy, xét về danh, Trần Quốc Khang là con đầu của Trần Thái Tông nhưng thực thì Quốc Khang là cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Và Quốc Khang chẳng có gì xuất chúng nhưng hiền lành, chất phác, cư xử với các bậc vương công trong quý tộc rất nhún nhường. Tiếc rằng con thứ của Tĩnh quốc Đại vương Trần Quốc Khang là Thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện lại không được như cha. Trong số con cái của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang người nổi tiếng nhất là Chương Hiến hầu Trần Kiện nhưng sự nổi tiếng ấy lại theo một nghĩa cay đắng: Trần Kiện đã bôi đen tên tuổi cha ông, trở thành một vết nhơ trong tôn thất nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lừng lẫy. 

Trên đường quan lộ, Trần Kiện là người có tính khiêm nhường, nho nhã, độ lượng, được lòng dân. Trần Kiện được phong tước Chương Hiến Thượng hầu khi còn rất trẻ. Tương truyền, ông có tướng mạo khôi ngô, đọc thuộc binh thư, giỏi việc bắn cung, cưỡi ngựa. Do vậy, ông được triều đình tin tưởng cho thay cha lĩnh chức Tịnh Hải quân Tiết độ sứ và ban hôn với Quỳnh Huy, con gái của Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, sinh con và được phong là Mặc hầu. Ông được Lê Tắc xem là người có tính khiêm cung nho nhã, độ lượng, đãi kẻ dưới rất có ơn, nhân dân ai cũng thương mến.

Trong hoàng tộc, Trần Kiện là cháu ruột của vua Trần Thánh Tông (1258-1278) và với hoàng tử Tá Thiên Vương Trần Đức Việp (con của Trần Thánh Tông) là chỗ anh em con chú con bá ruột nhưng bất chấp tình ruột thịt, bất chấp quyết tâm xây dựng khối đoàn kết của giới quý tộc họ Trần thời đó, Trần Kiện cứ khư khư giữ mối thù oán đối với Trần Đức Việp. Vì thế, vào năm Giáp Thân - 1284, ông giả vờ theo học đạo Lão Trang, rồi về làng Nhân Mục ẩn cư. Cũng trong năm đó, Thoát Hoan dẫn quân xâm lược Đại Việt. Khi ấy, quân nhà Trần bị đánh thua và để bảo toàn lực lượng, triều đình đã rút khỏi kinh đô Thăng Long và thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”. Cùng lúc này, Toa Đô lại dẫn binh từ Chiêm Thành đánh tập hậu tạo thế gọng kìm. Triều đình nhà Trần lúc ấy bèn sử dụng Trần Kiện và sai đem quân chống cự với Toa Đô.

Do binh lực tại chỗ không đủ, lại không có viện binh, không rõ tin tức của vua tôi nhà Trần nên Trần Kiện dao động bàn với Lê Tắc rằng: Thế tử bị thiên tử chỉ triệu, chẳng chịu vào chầu, đến đỗi gây việc binh đao, nguy cơ sắp đến, thế mà còn chấp mê, chẳng tỉnh ngộ, nỡ để cho nhà tan nước mất hay sao? Và, do sợ hãi sức mạnh của quân Nguyên và không tán đồng sách lược của nhà Trần, Trần Kiện đã đem hàng vạn quân cùng binh khí đầu hàng và cộng tác đắc lực với kẻ xâm lược.

Cụ thể là vào tháng 3-1285, Trần Kiện đem gia quyến và bọn liêu thuộc chạy sang đầu hàng quân Nguyên. Trấn Nam vương Thoát Hoan khen ngợi và ban thưởng xiêm áo, yên cương. Tháng 4, Thoát Hoan sai Minh Lý Tích Ban dẫn hộ tống Chương Hiến hầu Trần Kiện về phương Bắc triệu kiến Hốt Tất Liệt. Tuy nhiên, Trần Kiện cùng đoàn người, ngựa vừa đến ải Chi Lăng (vùng Lạng Sơn ngày nay) thì bất ngờ bị thổ hào vùng này là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh cho dân binh bao vây và tập kích dữ dội... Trần Kiện cùng các quan phá vòng vây chạy thoát thân, lại bị dân quân đón đánh, xe cộ chở lương thực đều bị cướp phá sạch. Trần Kiện bị bắn chết. Cuộc đời người cháu nội vua Trần Thái Tông chấm dứt một cách nhục nhã bên biên giới.

Lời bàn:

Là triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Trần đã để lại cho dân tộc ta hào khí Đông A bất diệt, với những vị tướng văn võ song toàn và 3 lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược Nguyên Mông - đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Nhưng thời đại nào cũng có người tốt, kẻ xấu và nhà Trần cũng không phải ngoại lệ. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, giới quý tộc nhà Trần đã xuất hiện những kẻ hèn nhát, phản bội mà tiếng nhục còn lưu lại đến ngày nay. Trần Kiện là một trong số đó.

Bất chấp quyết tâm xây dựng khối đoàn kết của quý tộc họ Trần và khi cả nước bừng bừng khí thế đánh giặc, Trần Kiện thân làm tướng, chỉ huy cả một vạn quân nhưng lại bất mãn nằm dài ở nơi thôn dã. Chưa hết, Trần Kiện mới xung trận đã đầu hàng địch, đem quân lính và vũ khí đi theo giặc. Chỉ riêng việc này cũng đủ cho thấy Trần Kiện là một kẻ phản quốc. Thời nào và ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, phản quốc được xem là tội nặng nhất và chiếu theo pháp luật hình sự thời nay thì Trần Kiện không còn giữ được cái đầu trên cổ.

N.D

  • Từ khóa
110085

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu