Thứ 6, 29/03/2024 18:02:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:22, 15/11/2016 GMT+7

Đức cao vọng trọng

Thứ 3, 15/11/2016 | 07:22:00 1,076 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Vũ Xuân Cẩn là đại thần phò 4 triều vua nhà Nguyễn, được quần thần trên dưới nể trọng, kính phục. Quê ông ở làng Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vũ Xuân Cẩn học hành đỗ đạt sớm. Từ năm Gia Long thứ 1 ông đã đỗ Cống sĩ (Cử nhân) liền được bổ làm quan đứng đầu trong Viện Cống sĩ. Người cùng thời nhận xét về ông là một người văn võ song toàn. Lúc vào kinh thành thì tâu bày mưu lược, lúc ra trận mạc thì gươm giáo đầy đủ.

Dưới triều vua Minh Mạng, vào năm thứ 2 khi đang giữ chức Hiệp trấn Sơn Nam thì ông được triệu về kinh làm Đại lý Tự khanh, trông coi công việc Bộ Hình, tiếp đó lại thăng Thụ tả Tham tri Bộ Hình rồi đi nhận chức Hiệp trấn Nghệ An (1824). Do tài giỏi trong việc điều chỉnh công vụ nên ông lại được nhà vua phiên ra nhận chức Biện lý, Thị lang Bắc Thành (Hà Nội). Sau đó thăng Tham tri Bộ Lại, rồi làm Thượng thư 2 bộ Công và Hình. Khi ở vùng Bình Định, bọn cường hào loạn lên tệ chiếm công điền công thổ làm tư điền gây ra nhiều phiền nhiễu khổ nạn cho người nông dân, ông lại phụng mệnh vua về Bình Định, Phú Yên trực tiếp thị thực dân tình. Chỉ một thời gian chóng vánh rõ được nguồn cơn vấn nạn, ông viết tấu tâu trình lên vua và đề xuất nhiều kế sách hay đã trấn an được tình hình, lấy lại đất trong tay bọn chiếm đoạt rồi cấp chia cho người nông dân chưa có ruộng cày cấy tạo nên cuộc sống yên ổn.

Minh họa: S.HMinh họa: S.H

Sau thời gian cai quản Thị lang Bắc Thành, Vũ Xuân Cẩn lại vào trấn thủ miền Gia Định. Khi Nam Kỳ có loạn Lê Văn Khôi, quân nhà vua điều từ phía Bắc ồ ạt tràn vào đánh dẹp, buổi đầu gặp nhiều khó khăn về quân nhu đã có ông thu xếp sớm nên tránh được ách tắc. Nơi Gia Định, ông cai quản đã kịp huy động và cung cấp quân lương dồi dào cho quân sĩ nên chỉ 3 năm đã dẹp được loạn quân. Vua cho ông là người có năng lực điều hành, gia cho hàm Thái tử Thái bảo rồi triệu về kinh lĩnh chức Đại Tư khấu (Thượng thư Bộ Hình), kiêm cả việc giữ ấn tín của Viện Đô sát.

Khi ông giữ chức Bộ Hình, có các vụ kiện tụng, lúc xét xử ông luôn bênh vực người dân. Rõ ràng một con người công việc gì cũng làm tròn chức trách, cũng đặt quyền lợi người dân lên trước mà giải quyết công bằng, hài hòa tình, lý nên sớm ổn định dân tình thế thái. Năm vua Thiệu Trị lên ngôi thì ông đã là 1 lão thần 70 tuổi. Dù đã 70 tuổi, vua vẫn thăng thụ Đông Các đại học sĩ. Tự xét tuổi đã cao, sức khỏe yếu, ông dâng sớ xin hồi hưu nhưng không được chuẩn tấu. Vua đã nói với ông những lời tâm sự chân thành: Nước có bề tôi già, là điều hay của thịnh triều... Vậy là buộc ông phải nghênh chiếu ở lại lo tròn công việc. Năm thứ 2 Thiệu Trị tuần tra phía Bắc, ông được sung chức Khâm sai Đốc lý, tra biện các việc án.

Năm vua Tự Đức lên ngôi, lại dùng ông, khiêm sung chức Hoàng Thân Sư Bảo (dạy vua) và kiêm việc trông coi các sự vụ như cũ. Mỗi việc triều chính, ông luôn dụng tâm vào những điều trần để dâng lên hoàng thượng và ông càng được uy tín khi mọi điều trần đều được nhà vua chấp nhận. Đáng kể là việc xin gia ân cho con cháu Anh Duệ Thái tử. Xin bổ dụng con cháu những tay phản nghịch là khoan dung độ lượng cho người có tội với lời lẽ chí tình, chí lý nên được vua chuẩn tấu cho thi hành.

Bước vào tuổi 81, ông dâng sớ xin nghỉ triều chính, lần này được vua chuẩn. Trước khi nghỉ, nhà vua cho quan Nội các đến hỏi những việc nên thường làm, ông đã trình bày 4 việc: Năm được mùa giá thóc rẻ, đặt giá thêm lên đong vào, gặp năm mất mùa đem ra chẩn cấp. Lính ở miền Nam thì 6 đinh giảm đi 1 lính, miền Bắc thì hằng năm về kinh thao diễn, rời lưu lại làm việc 6 tháng. Lính ở kinh thì đầu năm kiểm duyệt xong chia làm 2 ban, 1 ban ở lại, 1 ban về. Con trai, con gái của các tước vương, tước công cùng với con trai, con gái, em và cháu (gọi bằng chú, bác) của quan văn, quan võ từ tam phẩm trở xuống được lấy nhau, nếu có người nào theo làm việc và xuất thân do văn khoa võ tuyển thì cho phép cùng được bổ dụng. Xin cho chăm dưỡng mẹ đẻ của viên Lạng Sơn án sát đã chết là Mai Anh Tuấn...

Những điều ông nêu tâu lên đều được nhà vua chọn lấy để thi hành. Đến năm thứ 5 vua Tự Đức thì ông Vũ Xuân Cẩn mất. Năm Tự Đức thứ 11, bài vị ông được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương, kinh đô Huế.

Lời bàn:

Trong 50 năm làm quan phụng sự triều Nguyễn, bằng tài đức và tấm lòng thương nước, thương dân của mình, Vũ Xuân Cẩn đã có những đóng góp lớn lao trong xây dựng và phát triển đất nước. Và trong sự nghiệp của mình, dù ở cương vị nào ông cũng làm tròn chức trách nhiệm vụ, ông luôn đặt quyền lợi của người dân lên trước để giải quyết thấu tình đạt lý. Do vậy, đời sống nhân dân ở những nơi ông đến làm việc đều ổn định, ấm no. Ông xứng đáng được phong là vị “Tứ triều nguyên lão - Ông lão có đức vọng lớn ở bốn triều”.

Và không phải chỉ có người đương thời mà cả hậu thế hôm nay đều có chung đánh giá về vị nguyên lão Vũ Xuân Cẩn là người tam đạt: Tước cao - Đức lớn - Sống lâu. Nếu ông không phải là người trung can cần mẫn thì đâu đủ để bốn đời vua và bách quan trong triều tin yêu; không phải là người khiêm tốn, hòa nhã, tài giỏi và nhân đức thì làm sao có thể gom nhiều phúc lớn đến như vậy? Chính những điều này đã làm cho cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi mãi sống trọn vẹn trong niềm tự hào của hậu thế.

N.D

  • Từ khóa
109859

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu