Thứ 6, 29/03/2024 20:21:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:42, 29/11/2014 GMT+7

Từ việc mua quan bán chức!

Thứ 7, 29/11/2014 | 09:42:00 533 lượt xem
BP - Tuần qua, dư luận cả nước rất quan tâm đến phiên chất vấn các bộ trưởng tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, trong đó có phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Sự quan tâm của dư luận đối với phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ còn bởi thời điểm này, các ngành, địa phương đang chuẩn bị nhân sự cấp ủy trong nhiệm kỳ sắp tới.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều đại biểu đề cập tình trạng lạm phát cấp phó ở các bộ, ngành. Nhiều cơ quan cấp bộ đã “sáng tạo” ra chức danh “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó”. Trả lời câu hỏi rất thẳng của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước) rằng, liệu có “hàm giám đốc” hay “hàm trưởng phòng” hay không? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã thừa nhận, hiện nay trong các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về “hàm”. Nhưng nhiều cơ quan trung ương đã vận dụng cho hưởng chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng lạm phát cấp phó là do họp hành nhiều, phải có thêm cấp phó để... đi họp.

Điều đáng nói là trong các quy định về công tác cán bộ, hiện chưa có quy định cứng mỗi bộ, ngành có bao nhiêu cấp phó mà do Bộ Nội vụ “trao đổi” với các bộ, ngành để thống nhất số lượng. Chính cái cơ chế “trao đổi”, “thỏa thuận” này mới đẻ ra những chuyện lùm xùm trong công tác cán bộ, nói thẳng ra là tạo cơ hội cho tình trạng chạy chức chạy quyền. Lúc còn đương chức, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi trả lời phỏng vấn báo chí đã rất trăn trở với tình trạng mua quan bán chức và cho rằng “cần công khai, minh bạch chính sách cán bộ mới có thể chọn đúng người có tài, có đức phục vụ đất nước”.

Thực ra, chuyện mua quan bán chức không phải đến bây giờ mới có. Ngược dòng lịch sử nước Việt, ta thấy đời nhà Trần, trong thời kỳ chống giặc Nguyên Mông, nhiều nhà giàu đã đóng góp tiền của, lương thực, vũ khí giúp triều đình chống giặc. Đáp lại, vua Trần đã phong chức “lang tướng” cho họ. Thời Pháp thuộc, nhiều gia đình giàu có cũng bán ruộng, bán trâu bò để mua các chức danh một cách công khai. Nhìn sang Trung Quốc, dưới triều Mãn Thanh, Lý Hồng Chương, đại thần nhà Thanh đã cho dán áp phích khắp nơi rao bán các chức quan trong triều đình để có tiền củng cố Hạm đội Bắc Dương. Nhờ kênh huy động đặc biệt này, hải quân Trung Quốc thời ấy đã có một số vốn không nhỏ để mua sắm thêm đại bác gắn trên tàu chiến - niềm kiêu hãnh của hải quân nhà Thanh lúc bấy giờ.

Hiện các quy định của pháp luật về công tác cán bộ đang ngày càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, do vẫn còn những kẽ hở nên chuyện mua quan bán chức vẫn đang diễn ra ở khắp mọi ngành, địa phương. Và có điều chắc chắn rằng, với những người đã bỏ tiền ra mua chức thì họ sẽ coi thường cấp trên, không coi trọng công việc. Bởi cấp trên đã cầm tiền của họ, công việc chỉ là điều kiện để họ lấy lại vốn và sau đó là thu lời. Tham nhũng nảy sinh từ đây. Yếu kém trong quản lý, điều hành là từ đây. Trên bảo dưới không nghe cũng từ đây. Hạch sách nhũng nhiễu dân và cản trở tiến trình phát triển xã hội cũng từ đây. Vâng, từ thực tế đáng buồn hiện nay, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

T.N

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu