Thứ 7, 20/04/2024 01:21:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:14, 08/12/2017 GMT+7

Đừng đẩy người thân vào chỗ chết!

Thứ 6, 08/12/2017 | 09:14:00 148 lượt xem

BP - Ung thư là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, điều trị phức tạp và chi phí rất lớn, không chỉ là gánh nặng mà còn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhiều gia đình. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 94 ngàn người tử vong do ung thư và ước tính năm 2020 lên tới 200 ngàn ca. Phần lớn người mắc bệnh ung thư đến khám và điều trị khi đã đến giai đoạn muộn nên tỷ lệ điều trị thành công thấp và rất tốn kém. GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra số liệu nêu trên tại hội thảo phòng, chống ung thư, do Hội Ung thư Việt Nam và Hội Ung thư TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Còn theo số liệu do TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu (TP. Hồ Chí Minh) cung cấp, từ năm 2012 trở đi, số người mắc ung thư tăng nhanh và cao dần qua mỗi năm, trung bình 8-9%/năm. Năm 2012, TP. Hồ Chí Minh có 7.392 ca mắc ung thư mới thì năm 2013 là 8.049 ca, năm 2014 là 8.951 ca và năm 2015 là 9.270 ca. Trong đó, 5 loại ung thư hàng đầu ở nam giới là phổi (18,3%), gan (16,5%), đại trực tràng, miệng/hầu họng và dạ dày; ở nữ giới, tỷ lệ mắc ung thư hàng đầu là vú (20,1%), cổ tử cung (16,2%), đại trực tràng, phổi và tuyến giáp... Điều đáng nói, nhiều người (hầu hết là đàn ông) đang hằng ngày “hủy hoại” sức khỏe, tuổi thọ người thân, người quen của mình (gần gũi nhất là vợ con) bằng việc “bắt buộc” họ phải hít khói thuốc lá thụ động.

Theo phân tích của GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên nhân chính gây ung thư hàng đầu hiện nay là khói thuốc lá, nếp sống sinh hoạt, chế độ ăn uống và bệnh nhiễm (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng)... “Các nguyên nhân đều có đối sách, có vắc-xin phòng ngừa, nhưng quan trọng nhất là con người phải biết mà tránh né” - GS Hùng lưu ý.

Nói đến khói thuốc lá, hầu như ai cũng biết nó có hại cho sức khỏe con người khi sử dụng, nhưng hầu hết lầm tưởng chỉ gây ra ung thư phổi. Ít ai tường tận rằng, trong khói thuốc chứa 75 chất gây ung thư mạnh tạo ra 15 loại ung thư; có đến 1/4 số phụ nữ ung thư phổi do hít khói thuốc lá thụ động. Các bác sĩ cho rằng, rất nhiều phụ nữ khi được chẩn đoán ung thư phổi, ngây ngô không biết vì sao mình bị. Chỉ khi bác sĩ làm sáng tỏ, họ mới biết, tuy không hút thuốc nhưng chồng, con trong gia đình hút rất nhiều. Đây cũng là tác nhân gây bệnh cho họ. Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tử vong do hít phải khói thuốc lá thụ động cao hơn hẳn so với nữ giới hút thuốc lá chủ động. Điều này cho thấy, phụ nữ Việt đang phải chịu rủi ro rất lớn về bệnh tật và khả năng tử vong do phơi nhiễm khói thuốc lá. Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, tỷ lệ nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá thụ động trong nhà chiếm 53% (tương đương 28,5 triệu người); ở nơi làm việc 36,8%; gần 30% ở cơ quan nhà nước; 18,5% trên các phương tiện giao thông công cộng và 16% ở trường học.

Nhiều năm qua, thế giới đã và đang quyết liệt đấu tranh với hiểm họa từ thuốc lá và Ngày thế giới phòng chống thuốc lá ra đời cũng chính vì mục đích truyền thông giúp con người từ bỏ thuốc lá. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chỉ khi hằng ngày, hằng giờ và ở bất cứ đâu, nếu xuất hiện khói thuốc mọi người đều cùng nhau lên tiếng “tẩy chay” mạnh mẽ, không khoan nhượng, nể nang và quan trọng là người hút thuốc lá cũng thấy mình đang gây ra tội ác thì mới mong góp phần giảm mạnh gánh nặng ung thư đang trở nên trầm trọng như hiện nay.

An Nhiên

  • Từ khóa
108773

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu