Thứ 6, 19/04/2024 06:27:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:14, 14/07/2018 GMT+7

Đừng để “người khổng lồ” rơi vào thế yếu

Thứ 7, 14/07/2018 | 08:14:00 142 lượt xem

BP - Hạt điều, gạo và thủy sản là 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta trong nhiều năm qua. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của 3 mặt hàng đạt 14,58 tỷ USD, riêng hạt điều là 3,6 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, ngành điều Việt Nam đang là “gã khổng lồ” cả về giá trị sản xuất, tạo việc làm và xuất khẩu ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, thông tin từ cuộc họp của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vào cuối tháng 6 vừa qua bộc lộ những bất cập, hạn chế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh điều ở nước ta trong 6 tháng đầu năm 2018. Vì vậy, để “gã khổng lồ” không bị yếu thế thì ngành điều hiện có rất nhiều việc phải giải quyết.

Theo Vinacas, năm 2017, tổng sản lượng chế biến hạt điều ở nước ta đạt gần 355.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, chiếm 50% thị phần toàn cầu. Việt Nam đã giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này trong 12 năm liên tục. Nhờ sản xuất phát triển, ngành điều Việt Nam đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 1 triệu lao động. Trong kế hoạch năm 2018, Vinacas dự kiến Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,7 tỷ USD, chiếm 65% thị phần toàn cầu. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm, ngành điều ở nước ta đã gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất toàn ngành. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 159.300 tấn, trị giá 1,555 tỷ USD. Số liệu này không cho thấy dấu hiệu biến động nhưng tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hạt điều hiện rất đáng quan ngại. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất - kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ sự bấp bênh, manh mún, kém hiệu quả, thiếu tính cạnh tranh nên phải đóng cửa. Cả nước đã có khoảng 70% doanh nghiệp là thành viên của Vinacas đang thời đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Ngoài ra, giá hạt điều nhân liên tục bị giảm, hiện chỉ còn 9,1 USD/kg đã làm nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến bị thua lỗ. Hiện chưa phải mùa thu hoạch điều nên lượng dự trữ trong kho của doanh nghiệp cũng đã cạn. Lượng điều nguyên liệu tích trữ trong dân cũng không đáng kể nên nhà máy thiếu nguyên liệu là lẽ đương nhiên. Sự biến động của thị trường, giá cả cũng đã khiến việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bình Phước - thủ phủ điều cả nước, hiện có khoảng 600 cơ sở chế biến điều  thì có tới 480 cơ sở ngưng hoạt động. Hiện diện tích cây điều ở Bình Phước là 134.302 ha, sản lượng ước khoảng 123.834 tấn, giảm 14,7% về diện tích và giảm 37,8% về sản lượng so với năm 2007. Trong năm 2017, các doanh nghiệp ở Bình Phước đã nhập khẩu 449.900 tấn hạt điều thô để sản xuất và xuất khẩu được 80.126 tấn. Vì vậy, để ngành điều phát triển ổn định, các doanh nghiệp đang rất cần sự đồng hành của ngân hàng thương mại. Bởi các thành viên của Vinacas đang cần khoảng 800 triệu USD để thu mua khoảng 500.000 tấn điều thô phục vụ sản xuất.

Trong bối cảnh giá xuất khẩu xuống thấp thì các doanh nghiệp nên thận trọng, giảm sản lượng để lấy lại sự cân bằng về cung - cầu của thị trường, làm giảm nguồn cung để thắt chặt lại giá. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để làm tăng chuỗi giá trị, không nên tăng sản lượng gây ra dư thừa nguồn cung. Đồng thời tích cực hỗ trợ nông dân cải tạo vườn, tăng năng suất cây trồng để hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu