Thứ 7, 20/04/2024 20:50:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 11:00, 27/06/2015 GMT+7

Đừng đổ lỗi cho... ông trời

Thứ 7, 27/06/2015 | 11:00:00 138 lượt xem

BP - Thời gian qua, những diễn biến phức tạp của thời tiết làm cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân ở nhiều địa phương trong cả nước bị đảo lộn. Trong tháng 6-2015, ở nhiều nơi trời nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao nhất từ trước tới nay. Giá nước sinh hoạt ở miền Trung lên tới 150.000 đồng/m3 khiến nhiều người phải giật mình trước hậu quả thảm khốc của khô hạn. Đất đai khô cằn, nứt nẻ, cả miền Trung như một chảo lửa. Thế nhưng, có người cho rằng tất cả là do ông trời gây ra chứ không phải do con người đã tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.

Rừng chính là nơi điều hòa nhiệt độ, giữ nước, cân bằng môi trường sinh thái. Thế nhưng, rừng bị con người tàn phá ngày một cạn kiệt vì lý do kinh tế. Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều khu rừng già ở nước ta biến mất, hoặc bị biến thành rừng nghèo kiệt để chuyển đổi mục đích sử dụng. Tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép khiến hàng ngàn ha rừng của cả nước không còn dấu tích. Mất rừng, đất đai bị thoái hóa, khô cằn vì không còn giữ được nước ngầm. Khi mưa xuống, không còn sự thẩm thấu, không có vật cản nên xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống, lở đất. Mùa khô thì cạn kiệt, nóng bức vì mất cân bằng sinh thái.

Việc ngăn dòng xây nhà máy thủy điện cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn cho miền hạ du. Vì thủy điện phải tích trữ nước nên các con sông không còn dòng chảy tự nhiên mà phụ thuộc vào mức độ xả lũ của nhà máy thủy điện. Khi mưa đến, nước về nhiều, sợ vỡ đập nhà máy xả lũ gây tình trạng ngập cục bộ. Sau đó là tích nước cho việc chạy máy dẫn tới sự khô kiệt. Việc khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên... cũng là một trong những tác nhân dẫn tới sự nóng lên của bề mặt trái đất. Tất cả những hậu quả trên đều do con người gây ra.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cảnh báo, hậu quả của biến đổi khí hậu rất ghê gớm. Đó là sự nóng lên của bề mặt trái đất làm băng ở hai cực tan chảy. Việc băng tan làm nước biển dâng cao sẽ gây ngập lụt các vùng đất thấp. Đất canh tác sẽ bị nhiễm mặn không thể sản xuất được... Hàng tỷ người có nguy cơ thiếu lương thực, mất nhà cửa... Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu còn bùng phát hàng loạt các bệnh lạ mà y học chưa tìm ra phương cách điều trị...

Thế nhưng, tất cả các cảnh báo đều bị phớt lờ, con người vẫn hủy hoạt môi sinh để làm giàu, bất chấp hậu quả. Bài học nắng nóng cục bộ trong cả nước, mưa lũ lở đất trong thời gian qua chưa đánh thức ý thức con người trong việc bảo vệ môi trường sống. Chuyện hơn 1.700 người chết ở Ấn Độ và 750 người ở Pakistan vì nắng nóng là bài học đắt giá cho việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Vì vậy, con người nâng cao ý thức cứu môi trường sống, cứu mình bằng những hành động thiết thực chứ không nên... đổ lỗi cho ông trời.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu