Thứ 4, 24/04/2024 23:25:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:56, 01/07/2013 GMT+7

Đừng đùa giỡn với thiên nhiên

Thứ 2, 01/07/2013 | 13:56:00 307 lượt xem

Hai thảm họa diễn ra trong tuần qua, một là khói bụi từ cháy rừng  ở Indonesia, một là lũ lụt ở Ấn Độ, tuy không phải chuyện mới nhưng mức độ nghiêm trọng của nó, một lần nữa, cảnh tỉnh về tác động của con người tới thiên nhiên.

Không còn nằm trong phạm vi các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, đám khói bụi từ cháy rừng đã lan sang miền nam Thái Lan. Báo The Nation của Thái Lan cho hay từ hôm 25-6, bảy tỉnh miền nam nước này đã bắt đầu hít khói cháy rừng từ Indonesia. Trong đó tỉnh Narathiwat bị ảnh hưởng nặng nhất với mức độ được coi là bất lợi cho sức khỏe.


Các binh sĩ Indonesia dập lửa tại một đồn điền trồng cọ ở đảo Sumatra. Nông dân đốt cây để lấy tro nhưng lại không kiểm soát được lửa

AFP cho hay Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa cho biết nước này chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống Indonesia Susilo B.Yudhoyono nhưng cũng nói thêm rằng: “Chúng ta cần có một giải pháp lâu dài để ngăn chặn tình trạng này diễn ra hằng năm”.

Chuyện xảy ra hằng năm

Khói bụi bay tứ tung từ Sumatra thường xảy ra từ tháng 6-9 hằng năm vào mùa khô, khi các công ty đua nhau “đùa với lửa” đốt rừng để trồng vụ cọ mới. Theo AFP, đây là cách làm bất hợp pháp nhưng bù lại chi phí rẻ hơn nhiều so với việc dùng xe cơ giới hạng nặng dọn dẹp cây cũ. Ngoài ra, các công ty và người nông dân ưa dùng phương pháp “chặt và đốt”, không chỉ để tiết kiệm mà một phần vì tin rằng sẽ giúp tăng màu mỡ cho đất.

Thế nhưng dẹp bỏ dầu cọ là điều bất khả thi. Dầu cọ được mệnh danh là vàng lỏng của Đông Nam Á. Theo báo The Straits Times, sản lượng dầu cọ của Indonesia và Malaysia chiếm khoảng 85% sản lượng toàn cầu, đóng góp khoảng 42,3 tỉ USD cho nền kinh tế của hai nước. Số liệu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ở Singapore cho biết 4,5 triệu người ở cả hai quốc gia trên sống nhờ vào các vụ mùa trồng cọ. Dầu cọ dùng để sản xuất rất nhiều sản phẩm, từ kem tới sôcôla và ngay cả xà bông, dầu gội đầu.

So với các vụ mùa dầu thực vật khác như hoa hướng dương, đậu nành, dầu hạt cải thì trồng cọ tốn ít đất sản xuất hơn đến một nửa. Điều này có nghĩa chi phí sản xuất và giá cuối cùng của dầu cọ cũng sẽ thấp hơn các loại dầu thực vật khác.

WWF phân tích rằng nếu thay thế cây cọ bằng các loại cây lấy dầu khác cũng sẽ tạo ra các vấn đề về môi trường và xã hội tương tự, nếu như không nói là nghiêm trọng hơn. “Vấn đề ở đây không phải chuyện sử dụng dầu cọ như thế nào mà là cách sản xuất như thế nào” - WWF nhấn mạnh. Xem ra câu chuyện này còn lâu mới có hồi kết.

“Một mô hình thảm họa kinh điển”

Câu chuyện lũ lụt và lở đất khiến hơn 1.000 người thiệt mạng ở miền bắc Ấn Độ trong tuần qua cũng xuất phát từ việc tác động quá mức vào thiên nhiên của con người. CNN cho biết các chuyên gia môi trường đang cảnh báo rằng sự phát triển nhanh quá mức tại bang Uttarakhand ở vùng núi Himalaya của Ấn Độ đang gây ra một sự hủy diệt.

Đường sá được xây dựng bột phát, khách sạn mới mọc như nấm bên các bờ sông, các dự án thủy điện đua nhau ra đời ở các thung lũng trong khu vực... Các nhà môi trường nhận định những trận lũ hay lở đất như vừa qua chỉ là một thảm họa sinh thái từ lâu chực chờ “giọt nước” để tràn ly.

Chuyên gia môi trường Devinder Sharma thuộc Diễn đàn Công nghệ sinh học và an ninh thực phẩm mô tả về thực trạng ở bang Uttarakhand: “Các ngọn đồi đang bị san phẳng để khai thác mỏ quy mô lớn và đương nhiên mở thêm các con đường ở đó là chuyện không thể tránh khỏi”. Cũng theo ông, các dự án thủy điện mọc lên như một hiện tượng với 70 dự án thủy điện nối tiếp nhau ở đây. “Hiển nhiên người ta sẽ cho xây các đường hầm, cho nổ tung các ngọn đồi và tất cả mọi thứ lộn tùng phèo - ông Sharma bình luận - Chúng ta vừa đùa giỡn với thiên nhiên nhưng lại vừa quay sang đổ lỗi cho thiên nhiên”.

Ông nói rằng trong khi các dự án xây đường lớn của quốc gia được chính quyền bang đón nhận nhiệt tình thì các tuyến đường được thiết kế qua các khu vực vùng xa lại không có hệ thống thoát nước thích hợp, làm trầm trọng hóa vấn đề đối phó với lở đất trong mùa mưa ở khu vực này. Sự bùng nổ bất động sản trong vùng, theo ông, cũng được tiến hành mà không có sự cấp phép quy hoạch thích hợp.

“Đó là một mô hình thảm họa kinh điển - ông nói - Nếu bạn không muốn thấy những điều tương tự xảy ra trên toàn thế giới thì hãy nhìn vào Uttarakhand”.

CNN dẫn lời chuyên gia Souparno Banerjee thuộc Trung tâm Khoa học và môi trường Ấn Độ nói mặc dù chính quyền bang bác bỏ sự thật, nhưng hầu hết chuyên gia đều nêu quan điểm rằng phát triển được điều tiết và quản lý thích hợp có liên quan tới mức độ của thảm họa.

(Theo TTO)

  • Từ khóa
46486

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu