Thứ 5, 25/04/2024 23:40:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:04, 23/01/2016 GMT+7

Đừng nhân danh công lý để làm ẩu

Thứ 7, 23/01/2016 | 08:04:00 109 lượt xem

BP - Thời gian qua, dư luận trong cả nước rất bất bình vì Tòa án nhân dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã tuyên án hết sức kỳ quặc. Điều này nếu không xử lý nghiêm thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu và không còn ai dám đấu tranh với cái xấu, với kẻ gian để bảo vệ an ninh trật tự.

Khi phát hiện có trộm đột nhập vào nhà, cha con anh Nguyễn Văn Trình trú ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách liền vây bắt. Sau khi bắt được kẻ trộm, anh Trình gọi điện thoại cho ông trưởng ấp ba lần nhưng vị này không nghe máy. Anh Trình liền trói kẻ trộm lại để hỏi tung tích. Đến sáng hôm sau, ông trưởng ấp nghe điện thoại và cùng công an xã đến hiện trường dẫn giải tên trộm về công an xã lấy lời khai. Sau đó, người bắt trộm bị khởi tố vì đã phạm tội “bắt giữ người trái pháp luật” và Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt anh Trình 6 tháng cải tạo không giam giữ...

Tại tòa, hội đồng xét xử tuy đã khẳng định việc bắt kẻ trộm của anh Trình là đúng và nhiều ý kiến cho rằng việc anh Trình bắt trộm khi tên này đang đột nhập vào nhà lấy trộm là thuộc trường hợp bắt quả tang. Còn việc vì sao cha con anh Trình tự ý giữ và trói kẻ trộm thì đáng ra hội đồng xét xử phải xem xét đến yếu tố địa lý, yếu tố từ cơ quan chức năng để khẳng định anh Trình có phạm tội hay không? Vả lại, cha con anh Trình đã điện thoại cho trưởng ấp nhưng ông này không nghe máy, điều đó chứng tỏ cha con anh Trình đã tìm cách bàn giao tên trộm nhưng không được. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn việc bắt quả tang người phạm tội thì được giữ lại trong thời gian bao lâu khi đại diện cơ quan chức năng chưa kịp đến. Do đó, dư luận cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Chợ Lách đang ra sức... bảo vệ tên trộm chứ không phải bảo vệ người dân.

Ở Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tuy không phải là trường hợp bắt trộm như trên nhưng đã “ngâm tôm” vụ án trong nhiều năm gây thiệt hại cho đương sự, cũng là một hình thức lợi dụng cán cân công lý để làm ẩu... Cụ thể là từ năm 2003, ông Lê Ngọc Láng, trú thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) sang nhượng lại từ ông Mai Văn Thọ và bà Lê Thị Cảnh một thửa đất với diện tích 1.400m2 nay thuộc thôn 1, xã Phú Văn (Bù Gia Mập). Năm 2013, ông Hoàng Kim Thuyết lấn chiếm 5,4m đất mặt tiền để xây nhà ở. Ông Láng làm đơn tố cáo hành vi của ông Thuyết đến Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập gần 3 năm nhưng không được xử lý. Khi ông Láng khởi kiện ông Thuyết thì Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập giao thẩm phán Nguyễn Trọng Đại thụ lý. Do ông Láng có con trai du học ở nước ngoài nên ông Đại chuyển hồ sơ về tòa tỉnh vì có yếu tố nước ngoài. Tòa tỉnh mời đương sự lên xuống nhiều lần để lấy lời khai rồi chuyển trả lại cho tòa huyện thụ lý. Tòa huyện lại giao cho thẩm phán Đại thụ lý, sau đó thấy thời gian “ngâm” quá lâu nên chuyển hồ sơ vụ này sang cho thẩm phán tên Tuyết thụ lý. Điều đáng nói ở đây, sau khi thẩm phán Tuyết thụ lý thì vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ và hiện nay, vị nữ thẩm phán này đang nghỉ chế độ thai sản. Nếu xét xử sớm thì ít nhất cũng phải hơn 5 tháng nữa khi vị thẩm phán này đi làm trở lại và bắt đầu triệu tập đương sự, bổ sung chứng cứ...

Qua đó cho thấy, một vụ án tranh chấp đất đơn giản nhưng cấp tòa sơ thẩm đã đùn qua đẩy lại làm cho vụ việc kéo dài không biết khi nào mới xử lý. Dư luận ở Bù Gia Mập đang đặt câu hỏi, liệu có phải do năng lực của cán bộ thẩm phán ở tòa yếu không xử lý được hay lợi dụng danh nghĩa của tòa để “ngâm tôm” vụ án? Hoặc có một lý do “tế nhị” nào đó mà Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập đang cố tình để lâu cho vụ án “hóa bùn”?

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu