Thứ 5, 18/04/2024 14:23:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:51, 12/08/2014 GMT+7

Dũng tướng Lê Văn Hưng

Thứ 3, 12/08/2014 | 14:51:00 354 lượt xem

BP - Lê Văn Hưng là một danh tướng của nhà Tây Sơn. Ông được tôn xưng là một trong Tây Sơn thất hổ tướng. Quê ông ở Kiên Dõng, huyện Tuy Viễn (nay thuộc Phú Yên). Thời trẻ, Lê Văn Hưng là người nhanh nhẹn, dũng cảm và sức khỏe “đánh bại 10 trẻ chăn trâu”. Về sau, ông được một vị sư truyền đạt võ nghệ. Ông thường tập hợp bạn bè để đi đánh cướp ở Phú Yên và các huyện xa. Sau đó vì đánh chết một cường hào, Lê Văn Hưng bị tầm nã và đã trốn lên tận An Khê, Bình Định rồi gia nhập Tây Sơn.

Mùa Thu năm Giáp Ngọ (1774), viên Lưu thủ đất Long Hồ (vùng Vĩnh Long ngày nay) là Tống Phước Hiệp đã kéo đại binh ra đánh nghĩa quân Tây Sơn. Quân nhà Nguyễn đánh chiếm Bình Thuận, rồi tiến ra Diên Khánh. Trấn thủ Lê Văn Hưng đem binh cự địch. Sau nhận thấy địch quân đông, có trọng pháo yểm trợ và liệu không thắng nổi, ông bèn bỏ thành trống và cho rút toàn lực lượng về Phú Yên, để hợp lực cùng Nguyễn Văn Lộc chống địch.

Quy Nhơn được cấp báo, Nguyễn Huệ kéo quân vào giải vây. Hai bên liên lạc rồi cùng hợp lực công kích từ hai đầu và đã đánh tan đội quân thủy, bộ binh của Tống Phước Hiệp. Sau đó, Tống Phước Hiệp phải bỏ chạy về Gia Định. Lê Văn Hưng lại trở vào trấn thủ Diên Khánh.

Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Sài Côn, rồi sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận. Từ khi Lý Tài làm phản, Bình Thuận giao cho Lê Văn Hưng kiêm nhiệm trấn thủ, nên bị mất dễ dàng. Nhưng khi Lê Văn Quân ra đến Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chận đánh, phải thối lui vào Bình Thuận. Lê Văn Hưng truy kích, đánh cho một trận tơi bời. Lê Văn Quân kéo tàn quân chạy về Gia Định, từ ấy quân Nguyễn rất sợ và Nguyễn Phúc Ánh gọi Hưng là Lê Vô Địch.

Cuối năm Canh Tý (1780), Nguyễn Phúc Ánh xưng vương, năm sau (1781) cử binh đánh Diên Khánh. Tôn Thất Dụ kéo binh từ Bình Thuận ra đến Diên Khánh, chưa kịp hạ trại đóng quân thì bị Lê Văn Hưng cho đoàn voi chiến xông trận. Đoàn voi này do bà Bùi Thị Xuân huấn luyện, rồi tăng phái cho Lê Văn Hưng một đội thiện chiến để phòng bị mặt Nam. Quân nhà Nguyễn vốn đã sợ uy danh Lê Văn Hưng, nay lại thấy đoàn voi dũng mãnh ào ạt tiến đến giày xéo, nên khiếp đảm rùng rùng bỏ chạy. Quân nhà Nguyễn chưa đánh đã tan.

Đầu năm Quý Mão (1783), Nguyễn Phúc Ánh lại trở về Gia Định tổ chức quân ngũ, sai người sang Xiêm cầu viện. Nghe được tin này, Nguyễn Nhạc sai Lê Văn Hưng tháp tùng cùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Trương Văn Đa vào đánh Gia Định. Thủy binh Tây Sơn đến cửa Cần Giờ, đợi lúc thủy triều dâng, gió từ biển thổi mạnh vào đất liền, tiền quân Châu Văn Tiếp dùng hỏa công chống trả song thất bại tại đồn thủy binh Dác Ngư. Tướng trấn giữ là Tôn Thất Mậu đem quân ra giao chiến, song chỉ một vài hiệp liền bị Lê Văn Hưng giết chết. Nguyễn Phúc Ánh bỏ Gia Định chạy về Ba Giồng.

Qua đến tháng 4, hai bên đánh nhau tại Đông Tuyên (Kiến An, Định Tường). Quân Nguyễn vừa thấy quân Tây Sơn hùng hổ kéo đến thì đã muốn chạy trốn. Do đó mới vừa giáp trận thì thế binh liền tan rã. Lê Văn Hưng tả xông hữu đột, bắt sống được tướng Nguyễn Huỳnh Đức lập công đầu. Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú Quốc. Lê Văn Hưng theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.

Sau khi vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh, Lê Văn Hưng được triệu về Phú Xuân. Năm Giáp Dần (1794), vua Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng vào đánh Phú Yên. Lê Văn Hưng kéo đến đèo Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy. Nguyễn Quang Huy người Phú Yên, thiện dụng cây móc câu bạc gọi là ngân câu, thường ưa cưỡi ngựa bạch. Quân sĩ thường gọi là Bạch mã Ngân câu Tướng quân. Huy đã có sức mạnh lại tinh thông võ nghệ, giỏi binh pháp, được vua Thái Đức ái trọng, phong chức phòng ngự sử cho vào trấn Bình Thuận.

Lời bàn:

Theo sách “Võ nhân Bình Định”, có 7 vị tướng người Bình Định đã trọn đời theo nhà Tây Sơn, phò vua Quang Trung từ những ngày đầu khởi nghĩa và được nhân dân địa phương cũng như người đương thời tôn là Tây Sơn thất hổ tướng, gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc. Tuy cùng quê nhưng cả 7 vị tướng này xuất thân không giống nhau. Lê Văn Hưng xuất thân trong một gia đình nghèo khó nên ngay từ nhỏ ông đã phải làm việc cật lực để kiếm sống.

Có lẽ chính điều này đã giúp Lê Văn Hưng sớm nhận ra bộ mặt thật của chế độ nhà Nguyễn thời bấy giờ và ông quyết chí làm lại cuộc đời bằng việc theo phò Nguyễn Huệ. Điều quan trọng hơn là trong suốt thời gian sát cánh cùng Nguyễn Huệ xông pha trận mạc, Lê Văn Hưng đã nhận biết rõ những giá trị vĩ đại và thiên tài trong con người chủ tướng của mình. Từ đó, ông trở thành cánh tay đắc lực của triều Tây Sơn và ngay cả khi vua Quang Trung qua đời, ông vẫn một lòng trung nghĩa với vua Cảnh Thịnh. Thế mới hay rằng, ở đâu có vua sáng thì ở đó ắt có tôi hiền và trung nghĩa. Nếu ai không tin xin đọc lại lịch sử sẽ rõ.

K.N

 

 

  • Từ khóa
109569

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu