Thứ 6, 29/03/2024 22:05:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:52, 19/10/2017 GMT+7

Dũng tướng thời Trần

Thứ 5, 19/10/2017 | 09:52:00 779 lượt xem

BP - Theo sách “Việt Điện U Linh tập”, sau khi nhà Nguyên đánh xong nhà Tống, vua Nguyên sai sứ giả là Ngột Lương sang nước ta, truy hỏi địa giới cũ theo cột đồng Mã Viện. Bất đắc dĩ vua Trần Nhân Tông phải cho quan Hàn Lâm hiệu thảo là Lê Kính Phu đi cùng Ngột Lương để tìm. Nhà vua lại sai 2 tướng Lê Thạch, Hà Anh dẫn trên 2.000 quân cấm vệ gươm giáo chỉnh tề, đi theo hộ tống.

Thừa rõ âm mưu của nhà Nguyên muốn xâm lược nước ta nên chúng cho sứ giả sang chẳng qua chỉ để do thám và nắn gân trước, nên vua Trần Nhân Tông và triều đình đã lo kế hoạch đối phó. Một mặt nhà vua ra chỉ dụ cho Lê Kính Phu mềm mỏng thu xếp với Ngột Lương nhưng nhất thiết không dẫn y tới chỗ tương truyền là cột đồng. Mặt khác nhà vua cũng dặn Lê Thạch, Hà Anh sẵn sàng hành động để gây thanh thế.

Minh họa: S.H

Lê Kính Phu dẫn Ngột Lương đến vài nơi rồi cho người đào bới mà chẳng tìm thấy gì. Ngột Lương có ý nghi ngờ, rồi bực tức lên giọng hạch sách. Lê Kính Phu vẫn nhã nhặn. Được thể, Ngột Lương bắt phải tìm bằng được cột đồng. Lê Kính Phu lại dẫn y đến vài chỗ vu vơ khác. Hơn 1 tháng sau, chẳng có tăm hơi, Ngột Lương vô cùng tức giận, không cho Lê Kính Phu và những người đi theo ra về, mà vẫn bắt tìm cột đồng cho bằng được... Trước tình thế ấy, Lê Kính Phu nói với 2 vị tướng rằng: Tên sứ giả này quá quắt lắm, liệu 2 ông có kế sách gì không?

Ngay lúc đó, Lê Thạch và Hà Anh nói: Chúng tôi nay thân đã ở biên giới, giống như mũi tên đã lắp sẵn trên dây cung, chỉ tách cái là xong. Xin ngài cũng chớ nên ngại. Chúng ta quyết chẳng thể làm nhục mệnh vua được. Lê Kính Phu hiểu ý, hôm sau nói thẳng với Ngột Lương: Xin ngài hiểu cho, xưa kia Mã Viện đến phương Nam, chỉ thấy sử sách tương truyền là có dựng trụ đồng, nhưng chẳng ghi rõ là dựng ở đâu. Vả lại, nếu có dựng thì đã ngoại ngàn năm, dẫu là cột đồng thì cũng đã hư hại, mục nát rồi, làm sao bây giờ có thể tìm thấy được? Nghe vậy, Ngột Lương tức quá, định văng ra lời quát nạt, nhưng thấy Lê Thạch, Hà Anh xắn tay áo, lại trợn mắt nhìn trừng trừng nên y cứng họng lại. Rồi giả đò nói mấy câu mềm mỏng lấy lòng, y lảng sang chuyện khác. Ngay ngày hôm sau, y lập tức đánh bài chuồn.

Ngột Lương về nước và đem các chuyện tâu lại với nhà vua của y. Vua Nguyên cho rằng Đại Việt khó nuốt, vậy hãy chiếm lấy Chiêm Thành trước. Chiêm Thành ở phía trong, nếu đánh được thì về sau đánh Đại Việt cũng chẳng khó gì. Vua Nguyên sai Toa Đô, Ô Mã Nhi, Trương Hổ đem 10 vạn quân thủy, từ Hải Nam tiến thẳng vào kinh đô Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành đầu hàng, nhưng khi đại quân Nguyên rút đi, vua Chiêm cho quan quân đánh trả bọn quân Nguyên ở lại chiếm đóng. Vua Nguyên giận lắm, sai bọn tướng cũ tiếp tục đi đánh Chiếm Thành lần thứ hai. Ngột Lương nhân đó trình bày cách thừa cơ chiếm lấy Đại Việt bằng việc mượn đường sang đánh Chiêm Thành. Vua Nguyên nghe theo, lập tức cho sứ giả lên đường.

 Thấy sứ giả đến, vua Trần Nhân Tông cho mời các đình thần lại họp bàn. Người đồng ý cho mượn, người thì không, vua Trần cũng băn khoăn chưa quyết. Mấy ngày sau, quân canh phòng biên giới cấp báo quân Nguyên đã tới nơi, vua Trần lo lắng, bảo với tả hữu: Quân Nguyên thế mạnh, ta phải làm gì bây giờ? Mọi người lại họp bàn nhưng hồi lâu vẫn chưa ngã ngũ và trong số đó đã có vài người tỏ ý lo sợ. Lê Thạch và Hà Anh thấy thế bước ra: Muôn tâu bệ hạ, quân Nguyên ngang ngược, cái ý xâm lược thực đã rõ ràng, còn mượn đường chỉ là cái cớ. Chúng thần dẫu bất tài, cũng xin đem 2 đạo quân đến giữ chỗ hiểm yếu ở ải Trấn Nam, quyết chém bằng được đầu tướng Nguyên để đền đáp ơn sâu của bệ hạ.

Vua Trần Nhân Tông cả mừng, phong Lê Thạch làm Uy linh thượng tướng quân, đến đóng ở cửa Hải Ải; phong Hà Anh làm Đông lãm đại tướng quân, đến cửa Cao Lâu đóng giữ. Nhưng khi vừa đến châu An Bát thì đã gặp ngay quân Nguyên đang tiến vào. 2 vị tướng lập tức dàn quân, bày thế trận giao chiến và chém chết tại trận tướng địch là Triệu Tộ. Tỳ tướng của Triệu Tộ là Giải Ninh cũng bị giết tại trận.

Lời bàn:

Lịch sử cổ trung đại nước ta không thiếu những trang sử vẻ vang, nhưng có lẽ nhà Trần là triều đại đã để lại những dấu ấn sâu đậm nhất, không phải ngẫu nhiên mà các sử gia mệnh danh đây là thời đại của hào khí Đông A. Đây là thời đại có những con người thật đặc biệt, với khí phách thật đặc biệt, họ như được lịch sử đặc biệt sinh ra để đối diện với đạo quân xâm lược Nguyên - Mông, đạo quân hung hãn đã tung vó ngựa trên khắp Á - Âu. Thế nhưng, cả 3 lần giặc Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta là 3 lần chúng đều đại bại.

Trong tiếng Hán, chữ Trần gồm có bộ A và chữ Đông hợp thành. Vì thế, các sử gia đương thời đã đánh giá thời Trần là thời đại của hào khí Đông A. Và mỗi khi nói đến hào khí Đông A thực chất là nói đến tầm vóc tráng kiện của dân tộc Việt đã hiên ngang đối diện với một kẻ thù hung hãn, dữ dội và tàn bạo hiếm có trong lịch sử. Biểu hiện của hào khí Đông A là tinh thần tự lập, tự cường, lòng yêu nước, khát vọng lập công giúp nước, là ý chí quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù. Tấm gương của 2 dũng tướng Lê Thạch, Hà Anh trong giai thoại đã nêu là một minh chứng. Ngày nay, hào khí Đông A vẫn đang được hậu thế phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

T.H

  • Từ khóa
109973

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu