Thứ 6, 26/04/2024 23:11:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:06, 26/12/2015 GMT+7

Đừng vì mối mọt mà bỏ ngôi nhà...

Thứ 7, 26/12/2015 | 15:06:00 107 lượt xem
BP - Trung tuần tháng 12-2015, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh (1980) trú tại huyện Cái Bè về tội cưỡng đoạt tài sản với mức án 7 năm tù. Sau khi bản án được tuyên, dư luận đã chia thành hai thái cực. Và bản án này là giọt nước tràn ly, làm cho làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát dâng cao. Tuy nhiên, xét cho cùng Tân Hiệp Phát đáng bị chê trách hơn là sự tẩy chay.

Anh Minh phát hiện ra con ruồi trong chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát nên gọi điện thoại cho đơn vị sản xuất. Hai bên gặp nhau thương lượng bồi thường thiệt hại cho anh Minh là 500 triệu đồng. Khi anh Minh nhận tiền của Tân Hiệp Phát thì Công an tỉnh Tiền Giang ập vào bắt quả tang. Hành vi của anh Minh cũng đáng bị lên án bởi giá như anh đến làm việc với cơ quan chức năng về sản phẩm kém chất lượng của Tân Hiệp Phát thì không có cái giá phải trả là hơn 2.500 ngày tù? Trước đó, trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu Hà trú thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cũng vậy. Khi bà Hà nhận tiền từ Tân Hiệp Phát thì bị công an bắt quả tang. Nhờ có các biên bản thương lượng nên bà Hà mới thoát khỏi vòng lao lý. Điều này đã làm cho dư luận bức xúc trước cách ứng xử của Tân Hiệp Phát. Bởi họ chính là người chủ động đưa ra mức bồi thường, đền bù để sản phẩm kém chất lượng của mình không ai biết đến, rồi đẩy người tố cáo vào vòng lao lý mà anh Minh là ví dụ điển hình.

Chính vì vậy, việc làm của Tân Hiệp Phát thật đáng chê trách. Nhiều nhà kinh tế, nhiều luật sư cho rằng, việc anh Minh bị tuyên án 7 năm tù thì Tân Hiệp Phát đã thắng được 1 người còn thua 90 triệu người vì lòng tin vào các sản phẩm của doanh nghiệp này đã mất. Do đó, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Nhiều địa phương trong cả nước cũng phát hiện nước uống giải khát của doanh nghiệp này có vấn đề về chất lượng... Trước tình hình đó, chủ doanh nghiệp buộc phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và động viên anh Minh kháng cáo. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Trong khi đó, thị trường nước giải khát ở Việt Nam đã bị rơi vào sự thâu tóm của các tập đoàn nước ngoài như Pepsi và Cocacola. Tân Hiệp Phát là thương hiệu duy nhất của người Việt đủ sức cạnh tranh. Thế nhưng, do không tỉnh táo trong xử lý vụ việc của anh Minh nên Tân Hiệp Phát đã và đang rơi vào cái bẫy cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ sập tiệm. Song song với việc cạnh tranh bất bình đẳng trong môi trường hội nhập thì một số kẻ phản động đã lợi dụng điều này để kích động người tiêu dùng qua mạng xã hội, blog tấn công nhằm triệt hạ uy tín của doanh nghiệp làm cho họ phải phá sản. Một hình thức phá hoại về kinh tế, gây nhiễu lòng tin của người dân, đây là âm mưu diễn biến hòa bình về kinh tế.

Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đi lên từ chất lượng sản phẩm, đặt quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Trong khi đó, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt đã có gần 10 năm xây dựng thương hiệu, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ lớn mang lại niềm tự hào cho sản phẩm Việt nên không chỉ vì một yếu tố xử lý tình huống, một lỗi sản phẩm mà tẩy chay họ. Vì vậy, để ngăn chặn những hành vi phá hoại sự phát triển kinh tế của đất nước thì phải tránh xa những trang mạng đen, bài viết phản động từ hải ngoại. Phải biết lựa chọn thông tin để theo dõi. Người tiêu dùng phải thực sự xem trọng thương hiệu Việt, lấy tinh thần người Việt dùng hàng Việt là niềm tự hào để xây dựng đất nước. Và qua sự việc của Tân Hiệp Phát, mong các doanh nghiệp hết sức thận trọng khi xử lý tình huống, các sự cố có thể xảy ra bởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của đối thủ và “đừng vì mối mọt mà bỏ luôn cả ngôi nhà”.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu