Thứ 5, 18/04/2024 12:47:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 22:43, 12/07/2016 GMT+7

“Đường chín đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

Thứ 3, 12/07/2016 | 22:43:00 145 lượt xem

BPO - Chiều 12-7, Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (sau đây gọi tắt là Tòa) đã ra phán quyết về vụ kiện Phi-líp-pin - Trung Quốc liên quan đến những khía cạnh về việc thực thi và giải thích Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982, sau đây gọi là Công ước) trên Biển Đông. Trong thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) – Ban thư ký của vụ kiện, Tòa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.

“Tòa kết luận rằng liên quan đến các quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trên Biển Đông, những quyền như thế không phù hợp với quy định của Công ước. Tòa cũng lưu ý rằng, mặc dù ngư dân và các nhà hàng hải Trung Quốc cũng như các nước khác, trong lịch sử đã có các hoạt động khai thác tại các đảo ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát riêng biệt đối với các vùng biển hay nguồn tài nguyên. Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi yêu sách lịch sử với các nguồn tài nguyên tại các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”", thông cáo nêu rõ.

Liên quan đến quy chế của các cấu trúc tại Trường Sa, Tòa lưu ý rằng các cấu trúc đã bị thay đổi nhiều do các hoạt động bồi đắp, xây dựng. Công ước có phân loại các loại cấu trúc trên biển dựa trên điều kiện tự nhiên và các tư liệu lịch sử. Theo Công ước, các đảo có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng “đá không bảo đảm cho con người sinh sống hay đời sống kinh tế thì không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tòa kết luận rằng quy định này của Công ước còn tùy vào điều kiện cụ thể khách quan của mỗi cấu trúc, không phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài. Tòa cũng lưu ý rằng sự hiện diện hiện nay của con người trên một số cấu trúc là do có sự hỗ trợ từ bên ngoài và do đó không thể phản ánh được điều kiện khách quan của mỗi cấu trúc. Tòa kết luận rằng không có thực thể nào ở Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng.

 

Tòa  tổ chức phiên tranh tụng tại trụ sở của PCA ở La Hay, Hà Lan, về vụ kiện. Ảnh: PCA.

Tòa cũng ra phán quyết liên quan tới tính pháp lý của các hành động của Trung Quốc. Vì một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin nên Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin tại vùng đặc quyền kinh tế bằng cách:

(a) cản trở hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí của Phi-líp-pin;

(b) xây dựng các đảo nhân tạo;

(c) không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá tại khu vực này;

Tòa cũng xác định các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã làm gia tăng nguy cơ đụng độ nghiêm trọng trên biển một cách phi pháp khi cản trở các tàu Phi-líp-pin.

Thông cáo cũng nêu rõ Tòa kết luận Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và bồi đắp quy mô lớn tại 7 cấu trúc ở Trường Sa. Tòa cũng nhận thấy rằng chính quyền Trung Quốc mặc dù biết được ngư dân Trung Quốc đã khai thác các tài nguyên sinh vật có nguy cơ bị diệt chủng nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn các hành động như vậy. Tòa xác định các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo “gây hại không thể khắc phục cho môi trường biển và phá hủy bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc tại Biển Đông”.

Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Phi-líp-pin đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
74969

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu