Thứ 5, 28/03/2024 17:27:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:38, 22/02/2015 GMT+7

Duyên nghiệp tài tử

Chủ nhật, 22/02/2015 | 09:38:00 207 lượt xem
BP - Cuối đường D2, thuộc khu phố 3, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành) còn sót lại ngôi nhà gỗ, mái ngói theo lối kiến trúc nhà rường khá bắt mắt. Ngôi nhà vừa lạ vừa quen, là điểm nhấn hiếm hoi giữa bao nhà bê tông mặt phố. Trong ngôi nhà lưu giữ gần 20 cây đàn thuộc 7 nhạc cụ khác nhau để phục vụ câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử huyện Chơn Thành. Ngay cả phiên bản công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của UNESCO cũng được lưu bày tại đây. Nó trở thành ngôi nhà tài tử từ lúc nào không ai hay...

Buổi sinh hoạt của CLB đờn ca tài tử huyện Chơn Thành 

Duyên tài tử

Chủ nhân của ngôi nhà gỗ là anh Liên Hoàng Quân (1968). Năm 13 tuổi, anh ngẫu hứng cất cao vài câu ca cổ trong một đám cưới gần nhà. Không ngờ giọng ca của anh lọt vào tai bà bán thúng mủng dạo. Cả xóm không ai biết bà bán thúng mủng dạo kia lại có ngón đờn như thôi miên hồn người. Thực ra, bà là nghệ nhân đàn tranh với tên gọi Hai Chơi nổi tiếng của vùng Sông Bé, Tây Ninh lúc bấy giờ. Bà thu nhận Hoàng Quân để luyện tập giọng ca và truyền dạy ngón nghề đàn tranh mà không lấy một đồng. Sau 3 tháng khổ luyện, Hoàng Quân bắt đầu hòa đàn với các bậc tiền bối hết sức bài bản. Từ đó, anh gắn bó với cây đàn tranh đến nay đã tròn 30 năm.

30 năm, tiếng đàn tranh nói riêng và đờn ca tài tử nói chung trải qua không ít thăng trầm. Đặc biệt, trong những năm cuối thế kỷ XX đờn ca tài tử tưởng chừng như biến mất giữa nhiều dòng nhạc mới. Những tài tử đờn cứ lần lượt bỏ đàn để lo tìm kế sinh nhai. Các tài tử ca thì chỉ ca cho mình nghe. Thế nhưng, cái kiếp cầm ca được tổ nghề đãi, người đờn, người ca cứ lao vào nhau mỗi khi có thể. Cứ rời cái cuốc, cái cày là ca, là đờn. Có những hôm làm đồng về mệt lả, nhưng vì nhớ tiếng đờn cũng phải ngồi dậy dạo vài câu.

Cái từ “tài tử” không chỉ có ý nghĩa nói về dòng nhạc dành cho người bình dân mà còn hàm ý để chỉ về một nghệ thuật đờn, ca mang tính chuyên biệt. Vừa mang yếu tố bình dân vừa mang tính bác học nên bộ môn đờn ca tài tử gần như ai ca cũng được, ca lúc nào cũng được. Nhưng chính bộ môn này cũng rất kén người ca, người đờn. Người đờn hay, đờn giỏi sẽ nâng giọng người ca. Người ca hay sẽ giúp người đờn thêm hưng phấn, thanh thoát hơn. Chính nhờ hai yếu tố bình dân và bác học đã giúp đờn ca tài tử trường tồn và bất biến theo thời cuộc nhiều dâu bể.

Nghiệp đờn ca

Đã có chồng và hai con ở ấp 3, xã Minh Thành (Chơn Thành) nhưng gần như tháng nào chị Nguyễn Thị Hiệp cũng đến nhà anh Liên Hoàng Quân để ca. Lý do đơn giản là ca cho thỏa chí, ca để giãi bày và ca cho... đã thèm. Có những hôm cuối tuần chị đưa con đi học, nghe anh em trong CLB gọi nhau hòa đờn là trốn chồng cả buổi để được ca.

Còn tay ghi ta phím lõm Lê Thành Thu năm nay đã 53 tuổi, làm nghề cạo mủ cao su thuê nhưng mỗi khi có dịp là bỏ cả vườn để đi hòa đờn với anh em trong CLB. 14 tuổi ông đã gắn bó với cây đàn ghi ta phím lõm. “Ngày ấy, nhà nghèo nên không có tiền đi học. Cứ thấy ai đờn là học lén. Còn chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Nguyễn Văn Hương năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng nghe ở đâu đờn cũng tìm đến. Năm 2013, Trung tâm Văn hóa tỉnh gấp gáp thông báo cuộc thi tuyển chọn tài tử đờn, tài tử ca để tham gia lễ đón nhận bằng công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của UNESCO, ông tự bỏ tiền lo cơm nước cho anh em đi thi. Trước đó, tháng 11-2011, ông cũng tự vận động những người yêu thích đờn ca tài tử thành lập CLB. Tình yêu nghề, yêu lời ca tiếng hát nên anh em sẵn sàng quy tụ để hình thành CLB đờn ca tài tử.

Có CLB nhưng lại không có nơi sinh hoạt. Nhà rộng lại ở một mình nên các thành viên trong CLB chọn ngôi nhà gỗ của anh Liên Hoàng Quân làm nơi sinh hoạt. Từ đó, ngôi nhà của anh trở thành điểm sinh hoạt chung cho những ai yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử. Điều đáng quý chính là chủ nhân của điểm sinh hoạt này còn bỏ ra không ít kinh phí để mua sắm các loại nhạc cụ phục vụ CLB như: ghi ta phím lõm, nhị, kìm, bầu, sáo trúc. Riêng đàn tranh có đến 7 cây ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Sự cống hiến hết mình của anh cho bộ môn đờn ca tài tử đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng phiên bản bằng công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của UNESCO.

Cần sự kế thừa bài bản

Cái nghề đờn này cũng “nghiệt” lắm. Không biết đờn thì thôi, biết rồi thì cứ mê mẩn lao vào. Đâu phải ông thầy đờn nào cũng sẵn lòng chỉ dạy, mấy ông không thích có năn nỉ cũng không được. Còn khi thích rồi thì lại được chỉ tới nơi, tới chốn mà không cần trả công.

Ông Thu chia sẻ

Nghệ thuật tài tử đã trở thành di sản văn hóa đại diện cho cả nhân loại. Điều đó cho thấy đờn ca tài tử chứa đựng khá nhiều cung bậc âm thanh giữa người đờn và người ca. Người ca thấp một chút, chậm nửa nhịp cũng khiến cho cả bài trở nên vô nghĩa. Ca đúng giọng, đủ hơi cộng với đờn đúng nhịp, đúng câu sẽ trở thành bản hòa tấu âm thanh hoàn mỹ làm mê hoặc lòng người. Người đờn không lấy tiếng đờn để làm nghề. Người ca không lấy giọng ca để làm kế sinh nhai. Đờn để giải trí, ca để giải sầu. Đờn, ca cho người mộ điệu thưởng thức. Đờn ca để vui với nhau, thích thì đờn, thì ca, không thích không đờn, không ca. Không ai có thể mua được tiếng đờn, tiếng ca của người nghệ sĩ tài tử chính hiệu. Người đờn trong dàn nhạc của đờn ca tài tử không chỉ đờn cho người khác nghe mà đờn cho mình nghe, vừa đờn vừa lắng nghe người khác đờn, vừa hòa nhịp cùng mọi người trong lúc đờn. Chính vì thế mà trong từng bài bản của đờn ca tài tử đều mang đậm chất cộng đồng.

Cái hay, cái đẹp của đờn ca tài tử trước hết phải am tường điệu thức. Để hiểu được điệu thức không còn cách nào khác là phải học, phải luyện tập công phu. Tuy nhiên, hiện các tay đờn trong dàn nhạc của đờn ca tài tử thật khó tìm được học trò để truyền nghề. Ngay cả người ca cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, trong tổng số 100 người ca trong dàn nhạc đờn ca tài tử thì số người ca được, ca đúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả những người đờn cũng không biết mình đang đờn cho cải lương chứ không phải cho tài tử. Do vậy mà các trung tâm văn hóa, các phòng văn hóa cần tạo điều kiện và duy trì các CLB sinh hoạt, giao lưu để giúp người đờn đờn giỏi hơn, người ca ca đúng hơn. Mặt khác cần phải dành một phần kinh phí đủ mạnh để tìm người truyền nghề nhằm bảo tồn và phát huy giá trị giàu tính nghệ thuật của đờn ca tài tử.   

Đông Kiểm

  • Từ khóa
91075

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu