Thứ 6, 29/03/2024 03:47:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:30, 20/07/2014 GMT+7

Duyên thầm Kon Tum

Chủ nhật, 20/07/2014 | 15:30:00 265 lượt xem
BPO - Phải lần thứ hai trở lại Kon Tum trong vòng chưa đến hai tháng chúng tôi mới thật sự hiểu được đôi chút về thành phố cuối cùng của Tây nguyên (theo quốc lộ 14). Kon Tum có thể là nơi “quá cảnh” cho bạn nghỉ lại, khám phá và đi tiếp!
Nhà thờ gỗ - Ảnh: Kim Duy

Buổi sáng đi bộ lòng vòng trên những con đường thưa thớt xe cộ trong tiết trời mát dịu của mùa hè, nhìn dải mây trắng là đà lưng chừng núi, bên dưới là dòng sông Đăk Bla, cảm giác Kon Tum như cô gái thật dịu dàng, dễ thương. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là với một thành phố nhỏ, dân cư không đông, nhưng đặc biệt Kon Tum có rất nhiều nhà thờ (do người theo đạo Công giáo chiếm đa số).

Trên con đường chính Nguyễn Huệ có hai nhà thờ lớn rất đẹp là Tân Hương và Nhà thờ gỗ. Nhà thờ Tân Hương có đầu tiên ở Kon Tum, lấy tên làng Tân Hương là làng người Kinh đầu tiên được thành lập ở đây vào năm 1826, nằm trải dọc theo dòng sông Đăk Bla.

Nhà thờ gỗ được xây dựng vào năm 1913, có kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn người Ba Na. Sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây nguyên tạo nên vẻ độc đáo mà gần như bất cứ ai đến Kon Tum đều không thể bỏ qua.

Băng qua đường, đối diện Nhà thờ gỗ là tu viện Hội Dòng Ảnh Phép lạ, đi bộ khoảng 400m là đến tòa giám mục Kon Tum nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Được xây dựng từ năm 1935, tòa giám mục có kiến trúc tương tự nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn.

Tôi đã đến đây hai lần vào mùa sứ rụng lá để ngắm tòa giám mục mang vẻ đẹp cổ kính của châu Âu và mùa sứ xanh lá để cảm nhận một vẻ đẹp khác nữa.

Hồ Măng Đen - Ảnh: Kim Duy

Người hướng dẫn cho biết từ Tết Nguyên đán đến trước mùa mưa, hàng sứ “cùi” đó mới chính là mùa đẹp nhất. Trong tòa giám mục có phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum. Có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.

Cạnh tòa giám mục có nhà thờ Phương Nghĩa, kiến trúc đơn giản nhưng ấm áp. Buổi chiều các em học sinh đi học về ghé lại, múc gàu nước giếng rửa mặt rồi… uống, có em ngồi lại trầm ngâm trên ghế đá. Một khung cảnh thật bình yên!

Chúng tôi dành trọn một ngày để đi Măng Đen, cách trung tâm thành phố khoảng 60km. Kon Tum bây giờ không còn là “ngõ cụt” ở Tây nguyên nhờ con đường 24 chạy đến Quảng Ngãi. Trên con đường đèo hẹp quanh co, những chiếc xe khách làm nhiệm vụ đưa Kon Tum đến gần hơn với đồng bằng miền Trung.

Chúng tôi dừng lại chụp hình con sông Đăk Long chia thành hai nhánh hình chữ V, một đổ về Trường Sơn Đông và một về Trường Sơn Tây. Trên dòng chảy mạn Trường Sơn Tây, sông  Đăk Long cùng với nhiều dòng suối nữa hợp lưu tạo thành sông Đăk Bla.

Làng Kon Ktu - Ảnh: Kim Duy

Chúng tôi chạy xe lòng vòng trong các khu nghỉ mát, những con đường bêtông ngoằn ngoèo, những ngôi biệt thự thấp thoáng. Hàng cây mimosa lá trắng xanh ánh lên trong nắng, vài con ngựa quẩn quanh… mọi thứ gần như hoàn chỉnh, nhưng vẫn cho những du khách phương Nam cảm giác thiếu vắng gì đó.

Chùa Khánh Lâm đang thi công trên khu đất rộng 10ha, dự định của thầy trụ trì đây sẽ là tu viện và trung tâm hành hương của tín đồ Phật giáo.

Nếu không lên 126 bậc cấp ở phía trước thì chạy xe một mạch lên chùa từ con đường phía sau. Hai bên đường là rừng sim và mua. Vào tháng 6 nơi đây ngập tràn một màu tím.

Buổi trưa chúng tôi ngồi ăn cơm giữa rừng. Đúng ngọ nhưng nhiệt độ chừng 26-280C. Tiếng ve sầu inh ỏi, nhìn quanh chỉ thấy mây trời và thông. Khí hậu mát mẻ, cơm gạo mới, không cần nhiều món cao sang mỹ vị vẫn thấy rất ngon. Không hiểu sao bạn chợt nói mỗi người trong đời nên ít nhất một lần đến Măng Đen.

Nguồn TTO

  • Từ khóa
89365

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu