Thứ 6, 29/03/2024 12:35:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:08, 23/07/2016 GMT+7

Ép chín vội...

Thứ 7, 23/07/2016 | 14:08:00 99 lượt xem

BP - Một trong những sự kiện nổi bật tuần qua là những trận thắng giòn dã của đội tuyển bóng đá U16 quốc gia tại giải vô địch U16 Đông Nam Á đang diễn ra tại Campuchia. Tại vòng bảng, đội U16 Việt Nam không có đối thủ xứng tầm nên xếp nhất bảng A rất nhẹ nhàng. Kết quả này cho thấy, xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không hề thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực. Thế nhưng, càng thi đấu ở các giải cao trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á thì bóng đá Việt Nam càng bết bát.

Trước hết nói về giải U16 Đông Nam Á năm 2016, đội U16 Việt Nam chung bảng với các đội Úc, Malaysia, Singapore... đều là những đối thủ mạnh. Thế nhưng, đội U16 Việt Nam đã giành chiến thắng như chẻ tre làm nức lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa chắc đã cho thấy tương lai sáng sủa của đội tuyển cấp quốc gia. Vì giải quốc nội thì èo uột, đầy bạo lực, chuyên môn kém. Nói cách khác, việc U16 Việt Nam có vô địch giải này cũng không phải là điều đáng mừng, mà có thể ngược lại là đáng lo... Tại giải vô địch U16 châu Á năm 2000 diễn ra ở Đà Nẵng, Việt Nam đã trình làng một thế hệ cầu thủ tài năng như Văn Quyến, Quốc Vượng, Lâm Tấn... Sau giải này, người hâm mộ tung hô Văn Quyến là “thần đồng”, cậu bé “vàng” của bóng đá Việt... Lúc này, các ngôi sao như Rooney, Messi, Ronaldo... ít người dân Việt Nam biết đến nên dư luận chưa so sánh, nếu không thì... Thế nhưng đến khi lớp cầu thủ này bước vào lứa U23 thì “biến mất trong bản đồ” bóng đá nước nhà. Người thì dính tù tội do bán độ như Văn Quyến, Quốc Vượng, người dính chấn thương phải giã từ sự nghiệp như Lâm Tấn...

Cách đây vài năm, lứa cầu thủ Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Duy... cùng đồng đội đã làm mưa làm gió ở đấu trường U19 khu vực và ở châu lục. Thế nhưng, hiện Công Phượng, Tuấn Anh... mất hút tại giải vô địch hạng 2 của Nhật Bản. Xuân Trường thì vẫn bền bỉ ngồi ghế dự bị ở Hàn Quốc, Hồng Duy phập phù phong độ tại Hoàng Anh Gia Lai vì chấn thương. Trong khi đó, năm 2013 Công Phượng và đội U19 quốc gia đã đá bại tuyển U19 Úc và nhiều đối thủ mạnh khác và được giới chuyên môn thừa nhận các cầu thủ trẻ Việt Nam rất tài năng.

Có thể nói, các lứa cầu thủ kể trên ngày một lớn về thể hình nhưng lại bị “teo” đi về mặt kỹ thuật và tư duy dẫn tới rất nhiều cầu thủ hư hỏng. Nhiều cầu thủ không phát huy được tiềm năng, phải giã từ nghiệp quần đùi áo số, xa rời sân cỏ chuyển sang nghề khác. Trong khi đó, những đối thủ từng thua U16, U19 Việt Nam năm nào lại trưởng thành và là trụ cột của nhiều đội bóng đá ở châu Á và thậm chí là sang châu Âu.

Xuất phát từ những yếu tố trên cho thấy, công tác phát hiện tài năng cũng như đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức sân cỏ của các câu lạc bộ bóng đá trong nước và kể cả đội tuyển quốc gia đang có vấn đề. Nói cách khác, chúng ta thường “ép chín vội” các lớp cầu thủ, còn các cầu thủ thì lại ngủ say sau mỗi chiến thắng. Vì vậy, những cơ quan chức năng, người có thẩm quyền cần có cả cái tâm và cái tầm với nền bóng đá nước nhà. Cụ thể là cần hoạch định lại chính sách, chiến lược đào tạo để tài năng của bóng đá Việt Nam được phát huy, phát triển đúng tầm và vươn ra khỏi “ao làng”.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu