Thứ 5, 25/04/2024 18:43:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:33, 26/09/2014 GMT+7

Gắn hồn cho đá để làm đẹp cho đời

Thứ 6, 26/09/2014 | 14:33:00 248 lượt xem
BP - Từ những tảng đá vô tri, qua bàn tay tài hoa của người thợ đã tạo ra những sản phẩm công phu, đẹp và hữu ích cho cuộc sống. Nhưng để tạo ra những sản phẩm có giá trị, nhiều thợ đá không chỉ đổ mồ hôi mà còn đổ cả nước mắt.

Anh Dương Minh Châu cặm cụi cắt đá. (Ảnh nhỏ) Qua bàn tay người thợ, tảng đá vô tri đã thành những bộ bàn ghế rất đẹp

 
Ít ai biết được, những bộ bàn ghế đẹp, đủ kích cỡ, hình dáng, những con vật dũng mãnh... được tạo ra từ những tảng đá thô kệch, nặng hàng tấn.

ĐỂ ĐÁ CÓ HỒN!

Hơn nửa đời người làm thuê, ông Trịnh Văn Cương (57 tuổi), quê ở Thanh Hóa, không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu nghề, từ phụ hồ, công nhân, xe ôm... Lưu lạc vào đất Phú Yên, ông Cương làm quen và đam mê nghề đẽo đá đầy vất vả nhưng rất “lãng mạn” - như cảm nhận của ông. Miệt mài học hỏi hơn 15 năm, ông trở thành tay thợ lành nghề. Bươn chải ở Phú Yên một thời gian, ông đưa vợ con đến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) sinh sống. Rồi ông lên xã Đồng Tâm (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) tiếp tục “làm nghề”. Với bàn tay tài hoa và sức tưởng tượng phong phú, ông Cương đã biến những tảng đá vô tri, vô giác thành các sản phẩm gần gũi với cuộc sống, những bộ bàn ghế cầu kỳ, tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật.

Vừa hoàn thành bộ bàn ghế bằng đá hoa cương với 8 chiếc ghế và 1 chiếc bàn hình lục giác, ông Cương cho biết: “Đây là bộ bàn ghế theo phong thủy do khách hàng đặt, không như bàn ghế bình thường, làm gần một tháng mới xong”. Bộ bàn ghế chắc chắn, với mặt bàn trơn nhẵn, đường nét sắc cạnh, chi tiết hoa văn trên mặt bàn uốn lượn như phượng múa, rồng bay, vừa sắc sảo vừa có hồn... Ông Cương cũng cho biết: Để tạo ra được một bộ bàn ghế đẹp phải trải qua nhiều công đoạn khó khăn. Đầu tiên tìm ra những tảng đá lớn sao cho có thể cắt gọt theo ý, loại bỏ phần không cần thiết, sau đó tạo hình dáng theo ý tưởng đã được vẽ sẵn và cuối cùng là đánh bóng. Những tảng đá lớn hàng tấn, chục tấn... mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi thợ phải có sức khỏe và kiên nhẫn. Nhiều lần sản phẩm làm gần xong, đến giai đoạn đánh bóng làm bất cẩn có thể thành đồ bỏ đi. Vì vậy, làm nghề này còn phải am hiểu tường tận từng loại đá để có thể cắt chúng không bị nứt.

Khác các loại sản phẩm như tượng, chim, thú... có thể đẽo từ nhiều loại đá, bàn ghế thường dùng 2 loại đá chính là bazan và hoa cương bời chúng rất cứng, và chắc. Với đá bazan chỉ dùng màu đen, còn đá hoa cương đủ màu sắc tùy khách chọn. Khách hàng đặt bàn ghế, có người thích làm tròn, người thích làm vuông, có người lại thích tạo dáng theo kiểu phong thủy. Vì thế, ngoài tự học, thợ đẽo đá còn phải có trí tưởng tượng phong phú để thổi hồn vào đá thành những tác phẩm nghệ thuật vừa đẹp vừa tinh xảo.

PHÍA SAU NHỮNG
TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

Tiếp xúc với thợ đẽo đá mới thấu hiểu “thổi hồn vào đá” là họ phải lao động vất vả như thế nào. Cả buổi sáng, anh Nguyễn Đức Toàn (43 tuổi), chỉ đục đẽo được một góc khối đá hoa cương nặng trên 2 tấn. Tranh thủ lúc nghỉ tay uống nước, vừa dứt tiếng cưa chói tai và cởi bỏ chiếc khẩu trang trắng xóa bụi đá là anh Toàn ngửa đôi bàn tay với 8 nốt chai sần vàng đục và cười nhẹ: “Mới học nghề được gần một năm nay mà đôi tay đã như vậy. Hàng ngày, tôi đi từ nhà ở xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) ra phường Long Thủy (TX. Phước Long) hơn chục cây số. Rồi từ sáng sớm tới khi mặt trời lặn, tôi “vui” với những tảng đá nặng hàng tấn. Tôi đến với nghề cũng là một cơ duyên. Nhà gần chùa Đức Hạnh, hồi đó có thợ chính đẽo đá tên là Đặng Thanh Thân ở Tây Ninh nhận đơn đặt hàng của sư trụ trì làm cổng cho chùa. Từ 2 tảng đá vô tri, qua bàn tay điêu khắc của thầy trở nên linh thiêng kỳ lạ. Từ sự kính phục đó, tôi quyết tâm theo thầy Thân học nghề.

Anh Châu tâm sự “Bị bầm tay, chảy máu không là gì đối với nghề này. Có nhiều người bị thương tật suốt đời vì bị đá đè, điện giật. Để tránh bụi mỗi lúc cắt thì buộc phải tưới nước trên tảng đá, nhiều khi điện hở, giật mình ngã xuống và đầu bị đập vào đá. Cả ngày hít phải bụi đá rất độc, tối về đau tức ngực không tài nào ngủ được. Cực khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng nghề này có sức hút rất lạ, đặc biệt là với người có chút “nghệ sĩ” hoặc thích làm đẹp cho đời thì khi đã “dính” vào rồi là rất khó gỡ ra”.

Nhà có 1,5 ha điều, mỗi khi mùa tới, anh Toàn về phụ vợ thu hoạch. Những tháng còn lại trong năm, anh dồn hết tâm huyết với nghề. Là thợ mới học nên một ngày anh được trả 250 ngàn đồng. Tuy không nhiều nhưng với anh Toàn thì vừa được thỏa đam mê vừa có tiền giúp vợ con làm anh càng mê nghề hơn.

Anh Dương Minh Châu (30 tuổi) ở phường Thác Mơ (TX. Phước Long), mồ hôi nhễ nhại đang quỳ gối cho vừa chiều cao với đá và cắt tảng đá lớn để tạo nên chiếc bàn. Anh Châu cho biết: “Tôi theo nghề 5 năm nay, một ngày tôi được trả công 400 ngàn đồng, khá cao so nhiều nghề khác. Mặc dù mệt nhọc nhưng cũng nhờ công việc này mà tôi có tiền nuôi 3 đứa con đi học, xây căn nhà khang trang và sắm đồ dùng trong gia đình”.

                T.Thông - M.Dung

  • Từ khóa
37798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu