Thứ 7, 20/04/2024 14:07:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:05, 22/02/2015 GMT+7

Gặp lại “thầy rắn”

Chủ nhật, 22/02/2015 | 13:05:00 834 lượt xem

BP - Cũng khá lâu rồi tôi chưa về lại Bình Phước, nơi ấy bạn bè lâu lâu nhắc gọi mà vì tôi cứ lần lữa mãi. Bận việc cũng có, mà tôi tự thấy mình lười đi hơn lúc trước. Mà lạ! Giờ nếu có đi thì tôi lại muốn đi xa, đến những nơi chưa tới. Bản chất con người thích tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, mà trên đời có biết bao điều lạ, biết bao địa danh chưa được đến trong cuộc hành trình của đời mình, trong khi quỹ thời gian của mỗi người cứ dần dần cạn, sức khỏe, lòng nhiệt huyết và cả ngân quỹ cũng cạn, khiến người ham đi như tôi có lúc cũng phải đắn đo chọn lựa, không còn dám liều đi lung tung theo ngẫu hứng như trước nữa. Khát khao cái mới, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn có dịp về thăm lại những nơi chốn mình đã đến, đã đi qua, để được gặp lại những khuôn mặt cũ, được ngắm kỷ niệm, thấy những sự đổi thay. Ngay những gì chưa đổi thay có khi ngày xưa mình lơ là không để ý.

Có những khi trên chuyến tàu tấp nập

Ta vô tình đi lướt qua nhau.
                                   (Bùi Minh Quốc)

Tháng 10-2014, nhân dự trại sáng tác của Hội liên hiệp Văn học ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), trên đường về, anh bạn văn Nguyễn Bá Nhân rủ tôi ghé Bình Phước: “Tiện đây mình muốn thăm gia đình cậu em, sau đó đến cảm ơn lương y Nguyễn Tiến Hòa - người mà chú giới thiệu đó. Ông đã chữa lành cánh tay gãy cho thằng cháu mình”.

Ai chứ thầy lang Hòa thì tôi biết, phải nói là thân nữa. Ông là nhân vật trong bút ký Thầy Rắn, sau tôi viết thành truyện Ngọc Rắn, in đầu tiên trên Báo Bình Phước, sau đó in tiếp trên Báo Văn nghệ trung ương, tạp chí Tài Hoa Trẻ... Sau cái duyên báo chí đó, tôi đã nhờ thầy Hòa chữa dứt bệnh gút đeo đẳng mấy năm trời. Giờ đến lượt chị vợ tôi cũng theo uống thuốc của thầy Hòa để trị bệnh đau nhức xương khớp và thoái hóa cột sống. Tôi tán đồng: “Em cũng muốn thăm thầy Hòa - lâu rồi không gặp. Luôn tiện mua thêm ít thuốc cho bà chị. Sợ gần tết bận không đi được”. Anh Nhân gật: “Để tớ gọi điện trước, rồi anh em mình chuẩn bị xuống xe”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng và tặng bằng khen cho lương y Nguyễn Tiến Hòa tại Phủ Chủ tịch

Chúng tôi xuống góc vòng xoay ngã tư Đồng Xoài. Trong khi chờ xe đi Bù Nho, anh Nguyễn Bá Nhân nhẩn nha kể: “Cháu tôi bị ngã, tay gãy làm hai khúc, đã bó bột 3 tháng, không may thành tật, nhờ thầy Hòa kiên trì hàng ngày bóp thuốc nắn lại xương cốt cả nửa năm trời, giờ tay cháu đã co duỗi được như xưa. Gia đình cậu em tôi ơn thầy Hòa lắm! Nếu không gặp thầy thì thằng cháu tôi sẽ bị mặc cảm, khổ vì thương tật cả đời”.

Tôi và anh Nhân đến nhà thầy Hòa ở dốc Suối Cạn, xã Long Hà (Bù Gia Mập) thì biết thầy Hòa mới từ Hà Nội về được hai hôm. Vui vẻ tiếp chúng tôi, thầy phấn khởi nói: “Năm nay gia đình tôi rất vui, chuẩn bị ăn tết lớn. Cũng định từ từ rồi khoe với hai anh...”. Tôi cười: “Việc vui gì thế?”. “Cha con tôi vừa được vinh dự vào Phủ Chủ tịch nhận bằng khen...”. Anh Nhân tròn mắt: “Thế à!...”. Thầy Hòa gật, lấy ra xấp ảnh, kỷ niệm chương và bằng khen lồng kiếng, chậm rãi kể: “Báo Sức khỏe và Môi trường tháng 3-2014 mở cuộc bình bầu chọn 7 lương y tiêu biểu. Tôi và con trai thứ hai là Nguyễn Tiến Quế - cháu hiện hành nghề thuốc nam gia truyền ở xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cha con tôi được chọn, các anh thấy có vui không?”. Anh Nhân và tôi hoan hỉ gật đầu.

Vốn có chút nghề báo nên tôi biết được chọn vào nhóm thất hiền ấy rất khó, phải hội đủ hai tiêu chuẩn chính: Thứ nhất đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp thừa kế, phát huy, phát triển nền đông y Việt Nam, nghĩa là phải có quá trình hành nghề và làm tốt, được nhân dân công nhận. Thứ hai là lương y giỏi đó phải có đạo đức, tích cực chăm lo giúp ích sức khỏe cộng đồng.

Trong lễ trao giải tôn vinh tại Phủ Chủ tịch, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Kỷ niệm chương cho 7 lương y tiêu biểu của cả nước. Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng chúc mừng và tặng bằng khen. Trong 7 lương y được tuyên dương thì cha con thầy Hòa đều có mặt, đây là điều vinh dự hiếm có.

Tôi và anh Nguyễn Bá Nhân chúc mừng gia đình thầy Hòa. Thầy cười nói: “Đã lâu rồi, nhiều người nói gia đình tôi có nghề thuốc gia truyền hay nên về thành phố hoặc chỗ đông dân cư mà hành nghề sẽ thuận lợi và phát triển hơn. Nhưng tôi nghĩ, những nơi đông đúc đó đã có nhiều bệnh viện, nhiều bác sĩ và thầy thuốc rồi. Thôi thì ở quê hương Hà Tây đã có con trai tôi giữ nghề gia truyền. Còn tôi vào Nam, định cư ở dốc Suối Cạn đã trên 30 năm, nơi đây đã thành máu thịt, quê hương thứ hai. Bà con quanh đây có bệnh tật hay vui buồn gì cũng chạy đến tôi. Tình cảm gắn bó vậy tôi không thể xa rời. Ở đâu cũng là hành nghề, tôi nghĩ mình cứ làm tốt là được”.

Tôi gật gù, đọc hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Thầy Hòa gật đầu, chỉ tay lên bàn thờ tổ ngành y của Việt Nam, có treo ảnh chân dung Hải Thượng Lãn Ông, phía dưới là tranh thư pháp của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, bút tự chép 4 câu thơ của thần y Lương Hữu Trác, đại ý hằng mong muốn thiên hạ bớt bệnh để thầy thuốc được nhàn. Cái tâm của bậc đại y đức thật lớn.

Anh Nguyễn Bá Nhân vốn ít nói, chợt phát biểu một câu mà tôi rất tâm đắc: “Hành nghề y mà không có đức là có tội lớn”.

Bút ký: Phan Đức Nam

  • Từ khóa
92581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu