Thứ 6, 19/04/2024 08:21:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:09, 04/09/2017 GMT+7

Gặp người trong mộng

Thứ 2, 04/09/2017 | 14:09:00 432 lượt xem

BP - Giống như các bậc vua chúa khác, Triệu Việt Vương cũng có nhiều vợ nhưng để lại dấu ấn lớn nhất đối với ông chính là Đệ tứ cung phi Ngọc Nương, một người mà tình duyên của họ đến từ trong giấc mộng. Theo dã sử và thần tích xã Trâm Nhị (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) thì Ngọc Nương tên thật là Nguyễn Thị Ngọc, cha là Nguyễn Bộ, vốn dòng dõi hào trưởng ở trang Bảo Đài, huyện Lôi Dương, châu Ái (nay thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), mẹ là Đặng Thị Châu, quê ở giáp Đường, trang Đặng Xá (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Theo tương truyền, một đêm bà Châu Nương nằm ngủ, mộng thấy bay lên trời, đến cung Quảng thì bẻ được một cành quế đỏ và hái được một bông hoa lan, giật mình tỉnh dậy biết là nằm mộng. Sau đó bà có thai rồi sinh được một người con trai tướng mạo hùng vĩ, khác thường, đặt tên là Nguyễn Chiêu (thường gọi là Chiêu Công). 2 năm sau, bà Châu Nương lại có thai. Trước khi chuyển dạ bà chợt thấy một con chim xanh bay vào trong phòng màu sắc sặc sỡ, kêu lên 3 tiếng rồi bay mất, kế đó sinh ra một bé gái xinh xắn, đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc (thường gọi là Ngọc Nương). Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, Chiêu Công nổi tiếng văn hay, võ giỏi, nhiều người theo phục; còn Ngọc Nương thông minh học một biết mười, đức hạnh và nữ công không gì không có, là một thiếu nữ nhan sắc khuynh thành.

Lại nói về Triệu Việt Vương, sau khi quét sạch giặc ngoại xâm, ông đi thăm một số vùng miền để tìm hiểu đời sống dân chúng. Một hôm xa giá ngự đến huyện Đường Hào thì dừng lại nghỉ ngơi. Đêm ấy, vua nằm mơ thấy có một nam, một nữ nói là 2 anh em ruột quê ở Bảo Đài đến xin giúp nước, anh tên là Chiêu, em tên là Ngọc. Sáng hôm sau, Triệu Việt Vương đến giáp Đường, trang Đặng Xá thì người dân kéo đến đầy đường để bái chào và xem mặt vua, Ngọc Nương cũng tò mò ra xem. Trong đám đông ấy, vua bất chợt nhìn thấy một cô gái dung mạo giống hệt người trong mộng đêm trước bèn gọi đến hỏi chuyện.

Khi Ngọc Nương trả lời cho biết tên họ, quê quán, Triệu Việt Vương vừa vui mừng vừa kinh ngạc không rõ đây có phải là cô gái trong giấc mơ của mình không, ông liền hỏi: Phải chăng nhà nàng còn có một người anh tên là Chiêu? Lúc này thì đến lượt Ngọc Nương ngạc nhiên trả lời đúng là có người anh như vậy. Nhà vua liền cho truyền gọi Chiêu Công đến thì thấy giống hệt người thanh niên trong mộng. Cho là điềm báo tốt lành, Triệu Việt Vương ban thưởng cho dân trang Đặng Xá 3.000 quan tiền và nói với mọi người rằng: Chiêu Công, Ngọc Nương thực là thần nhân chốn nhân gian, được trời cho giáng xuống ở đất này, nay trẫm ban thưởng cho dân chúng được làm hộ nhi nơi Chiêu Công ở.

 

​​​​​​​Sau đó, vua cho hai người đi theo về kinh rồi phong Chiêu Công làm Quản lĩnh thủy bộ tướng quân, còn Ngọc Nương được phong làm Đệ tứ cung phi. Mấy năm sau, giặc Lương cho quân xâm lấn biên cương, Triệu Việt Vương tin tưởng phong Chiêu Công làm Thái úy đứng đầu quan võ và kiêm chức Nguyên soái tướng quân đem binh tướng chống giặc. Tại địa đầu biên giới, Chiêu Công chỉ huy quân lính đánh bại quân xâm lược, hơn 10 tướng giặc bị chém rơi đầu, hàng ngàn tên giặc phải bỏ mạng. Còn Ngọc Nương vừa hầu hạ vua nơi màn trướng lại vừa động viên các họ tộc Lê, Nguyễn, Trần, Vũ, Trịnh, Phạm, Đỗ, Đặng, Hoàng, Đinh ở trang Đặng Xá đưa con em mình tòng quân giữ nước. Vì lập công to, Chiêu Công được Triệu Việt Vương phong tước Triết gia quân công.

Giặc ngoại xâm bị dẹp chưa được bao lâu thì nội chiến xảy ra. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành ngôi vua về cho họ Lý. Hai bên hỗn chiến giao tranh hàng năm trời không phân thắng bại, nhưng rồi nhờ quân hùng và có các tướng giỏi lại có móng rồng thần diệu mà Triệu Việt Vương chiếm ưu thế. Biết không thể thắng, Lý Phật Tử dùng mưu, cho quân mang lễ vật đến xin hòa.

Lời bàn:

Theo sử cũ, khi biết được ý đồ của Lý Phật Tử, Chiêu Công can Triệu Việt Vương rằng: Nay hai bên tranh nước, long hổ giành nhau, họ bỗng đem cống vật đến cầu hòa, sự này không thể tin được! Nhưng Triệu Việt Vương không nghe. Xét thấy vua thì nhân từ ái mực còn Lý Phật Tử nhiều mưu mô, tất có ngày binh đao xảy ra. Vì thế, ông cáo quan về nhà chiêu mộ gia thần, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực phòng khi nước có biến sẽ dốc sức cứu giúp. Năm 570, Triệu Việt Vương do chủ quan không phòng bị, khi quân của Lý Phật Tử tiến đánh đã thua trận nhanh chóng. Chiêu Công nghe tin vội vã dẫn gần 2.000 quân binh đến cứu giá, nhưng tới nơi thì Triệu Việt Vương đã mất. Biết không thể chống đỡ, Chiêu Công liền gieo mình xuống sông Hồng tuẫn tiết.

Theo thuyết “tam thiên” - Thiên, Địa, Nhân, con người muốn tồn tại, sinh sống bình thường phải có sự cân bằng giữa bản thân với thiên, địa. Và một người khi đã có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa thì ắt sẽ thành công. Xét về nội dung giai thoại nêu trên thì Triệu Việt Vương đánh thắng quân của Lý Phật Tử cũng là nhờ có được cả 3 yếu tố này. Nhưng tiếc rằng, ngay sau khi chiến thắng, Triệu Việt Vương lại tự mình đánh mất đi “nhân hòa”. Đó là khi Chiêu Công và quần thần thấy rõ âm mưu của Lý Phật Tử và can ngăn, nhưng ông không nghe và cái giá phải trả là nước mất, nhà tan. Thế mới hay rằng, không phải cứ ngồi trên cao là thấy hết mọi thứ, cứ làm vua là thấu tỏ mọi việc không cần quần thần tham mưu. Vì thế Triệu Việt Vương mới mất hết tất cả, nên mong hậu thế đừng ai quên điều này!

N.D

  • Từ khóa
109954

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu