Thứ 3, 23/04/2024 16:00:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:46, 11/07/2017 GMT+7

Gia đình đại phúc

Thứ 3, 11/07/2017 | 14:46:00 212 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, dưới thời vua Thiệu Trị, Nguyễn Đăng Giai được thăng làm Tổng đốc Ninh Thái (tức Bắc Ninh và Thái Nguyên). Năm 1843, hai thủ lĩnh của cuộc nổi dậy ở Sơn Tây là Ba Nhàn và Tiền Bột kéo lực lượng về ẩn náu ở vùng rừng núi thuộc đất Lâm Thao và Đoan Hùng. Để truy diệt tận gốc, nhà vua bèn đổi Nguyễn Đăng Giai làm thự Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). Đến nơi, ông lo chỉnh đốn việc binh, chỉ vài tháng sau thì đánh dẹp xong.

Lập được đại công, Nguyễn Đăng Giai được thưởng cho một cấp trác dị, kim tiền và nhẫn ngọc. Cũng trong năm ấy, ông tâu với vua xin bãi chức Bố chính Lê Nguyên Giám và Án sát Vũ Danh Trì ở tỉnh Tuyên Quang vì không làm được việc và ông cũng xin mộ thổ dân, lập đồn quân ở Sơn Động, đặt chức giáo thụ cho tỉnh này. Mùa thu năm 1844, trong kỳ xét công, ông được vua Thiệu Trị cho thụ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Cha mất, ông xin về thọ tang. Không lâu sau, ông lại trở ra Tuyên Quang, dẫn quân đi tìm bắt Nông Hùng Thạc, lúc này cũng đang làm cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn. Bắt được thủ lĩnh Thạc, Nguyễn Đăng Giai lại được thăng một cấp.

Minh họa: S.H

Năm Tự Đức thứ nhất - 1848, Nguyễn Đăng Giai được thăng làm thự Hiệp biện đại học sĩ, được triệu về kinh làm Thượng thư bộ Hình kiêm sung Quốc sử quán Tổng tài. Tháng 5 năm ấy, ông dâng sớ điều trần 10 khoản về việc hình, 13 khoản về các việc đúc tiền, tuyển lính, khẩn hoang, vỗ yên dân... Khi mới lên ngôi, nhà vua muốn sai sứ sang nhà Thanh cầu phong. Nguyễn Đăng Giai liền dâng sớ can ngăn, đồng thời đề xuất ý kiến là nên mời sứ thần nhà Thanh sang làm lễ bang giao tại kinh đô Huế, vừa giữ được lễ, vừa ít tốn kém. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép lại sự việc này như sau: ...Vua cho lời nói của ông là phải, sai phát quốc thư đệ đạt đi. Đến khi sứ nước Thanh là Lao Sùng Quang đến kinh, làm lễ bang giao, tình ý thỏa hợp, vua cho Đăng Giai là người đầu tiên kiến nghị ra, giữ được quốc thể lắm, thưởng một đồng kim tiền có chữ “Long vân khế hội”.

Tuy được nhà vua khen và tin cậy nhưng Nguyễn Đăng Giai không được lòng các quan đồng triều. Vì vậy, khi khuyết chức Tổng đốc Nghệ An, nhiều người đã đồng đề cử ông đi, buộc ông phải dâng sớ xin từ chối. Mùa xuân năm 1850, vùng Hữu Kỳ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) mất mùa, nhà vua bèn chọn Nguyễn Đăng Giai làm Hữu Kỳ Kinh lược đại sứ lĩnh chức Tổng đốc An Tĩnh. Đến nơi, ông gửi sớ về xin vua cho sắp đặt lại nhiều việc, trong đó có việc cho bãi lệnh cấm bán gạo, hoãn thu thuế, tha cho các khoản thiếu, mở các cửa quan và đình đặt đồn để cho dân tự do đi lại giao thương... Lời tâu của ông được vua khen và cho thi hành.

Mùa đông năm ấy, ông lại tâu xin truy phong các bề tôi tiết nghĩa ở cuối đời hậu Lê, lại được vua nghe theo. Xét công, nhà vua thưởng cho ông một cái bài đeo bằng ngọc tốt chạm khắc hoa mai, một đồng tiền hạng lớn có chữ “Vạn thế vĩnh lại”. Năm 1851, tàn dư của các cuộc nổi dậy chống Thanh nhưng đã biến chất, từ Quảng Tây (Trung Quốc) xiêu dạt tới cướp phá đất Cao Bằng. Nhà vua liền đổi Nguyễn Đăng Giai đi làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) kiêm sung Kinh lược các tỉnh: Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên) và Lạng Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng).

Sau khi đi xem xét các nơi, ông dâng sớ lên vua trình bày 5 điều về sự trù tính công việc ở biên giới. Được nhà vua chấp thuận, ông liền lệnh cho các tỉnh chọn lính (tuyển thổ binh, tuyển cả phạm nhân tội lưu), bãi chức lưu quan, đặt lại thổ quan... để cho cương giới được bền vững. Tiếp theo, ông gửi thư cho Tuần phủ Quảng Tây để nhờ yểm trợ, rồi đốc quân đến Lạng Sơn đánh bắt được 3 viên chỉ huy của đội quân xiêu dạt là Trần Trường, Hoàng Ngọc Quang, Đặc Kim Long. Hoảng sợ, Lý Văn Xương, thủ lĩnh quân Tam Đường (Lai Châu) bèn cử người đến xin hàng. Năm 1854, Nguyễn Đăng Giai lâm bệnh nặng rồi mất tại Hà Nội. Thương tiếc ông, vua Tự Đức sai truy tặng ông hàm Thiếu bảo, ban tên thụy là Văn Ý.

Lời bàn:

Cả cuộc đời cống hiến hết mình cho non sông, Tổ quốc, Nguyễn Đăng Giai chính là niềm tự hào to lớn của quê hương Quảng Bình và của dân tộc Việt Nam. Điều đáng kính nữa ở ông là đã sinh thành và giáo dưỡng cho nước nhà những người con có đủ tài năng và đức hạnh để phò vua giúp nước. Trong số những người con của ông, nổi bật có Nguyễn Đăng Hành, đỗ tiến sĩ năm 1848. Năm 1862, ông bị quân nổi dậy giết chết ở Thuận Thành (Bắc Ninh), được truy thụ hàm Bố chính sứ, được thờ ở đền Trung Nghĩa (Huế) và được chép thành truyện trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” cùng với ông nội là Nguyễn Đăng Tuân và người cha là Nguyễn Đăng Giai. Ba thế hệ cùng được lưu danh trong sử sách, quả là một gia đình đại phúc.

Tìm trong sử sách của dân tộc còn lưu lại đến ngày nay, những tấm gương của tiền nhân hết lòng vì dân, vì nước có không biết bao nhiêu mà kể. Tiếc rằng, hậu thế thời nay vẫn còn những người vô tâm nên không hề biết đến. Chính vì thế ở đâu đó còn không ít người chỉ chăm lo quyền lợi của bản thân, gia đình, dòng họ. Lại có những người suốt ngày chỉ biết so bì, ganh tị với đồng liêu. Thậm chí  có người sẵn sàng hy sinh đời bố để củng cố đời con bằng những tài sản bất minh. Nhưng họ đâu hiểu rằng “đời cha ăn mặn, thì đời con khát nước”. Mong hậu thế đừng ai quên điều này!

N.D

  • Từ khóa
109933

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu