Thứ 6, 26/04/2024 19:38:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 21:02, 01/08/2015 GMT+7

Gia đình người dân tộc Tày hiếu học

Thứ 7, 01/08/2015 | 21:02:00 98 lượt xem
BP - Đến ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú hỏi thăm về gia đình ông Phùng Gia Khiết, SN1960, người dân tộc Tày thì ai cũng biết. Bởi gia đình ông có 5 người con đều học đại học, cao đẳng và là gia đình hiếu học tiêu biểu ở đây.

Có thời điểm 4 con cùng học đại học, bao khó khăn, vất vả đè nặng lên vai của hai vợ chồng, trong khi thu nhập của gia đình chủ yếu là mấy héc ta rẫy và đi làm thuê. Nhiều lần cả 4 đứa con cùng xin tiền đóng học, vợ chồng không biết xoay xở làm sao, phải đi vay lãi nóng. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, các cháu đều ngoan ngoãn và học giỏi.

Ông Phùng Gia Khiết, ấp Đồng Chắc

Ông Khiết cho biết, tuổi trẻ của ông đầy gian khó, phải theo cha mẹ vào rừng kiếm củ mài, củ sắn để ăn nên không có điều kiện đi học. Cố gắng lắm ông chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ học. Năm 1978, ông nhập ngũ và làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt - Trung tại Cao Bằng. Những ngày trong quân ngũ, ông luôn có ý thức tự học, thường xuyên đọc sách báo, nghe đài, tham khảo sách giáo khoa... để tự nâng cao kiến thức. Xuất ngũ, năm 1984, ông cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Những ngày đầu lập nghiệp, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải đi làm thuê, để sinh sống. Năm 1987, ông kết duyên với người con gái cùng quê và lần lượt sinh được 5 người con. Tuy kinh tế khó khăn, nhưng vợ chồng ông luôn nỗ lực lao động sản xuất và động viên con cái cố gắng học tập để có kiến thức, thoát khỏi đói nghèo.

Khi con gái đầu vào lớp 1, xã Tân Hòa chưa có trường tiểu học. Muốn cho con đi học phải ra tận Trường tiểu học Tân Tiến, cách nhà hơn 10km. Ông tâm sự: “Trước đây đường sá đi lại khó khăn, xe không có nên tôi không có điều kiện cho con học tại trường mà phải học ở nhà dân. Đây là lớp học do ban ấp tự mở, vận động những người biết chữ trong ấp dạy cho trẻ em đến tuổi đi học và những người chưa biết chữ. Sau này, Tân Hòa có trường tiểu học, trường THCS, các con tôi được đến trường”.

Do kinh tế khó khăn, các con ông không có điều kiện học thêm. Ngoài kiến thức được thầy cô truyền dạy trên lớp thì tinh thần tự học đã giúp các con ông trang bị thêm kiến thức cho mình. Đến nay, 5 người con của ông đều học đại học, cao đẳng.

Con gái đầu Phùng Thị Tuyên, SN1988, tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước năm 2011, hiện đang giảng dạy tại Trường THCS Tân Hòa. Ham học, Tuyên tiếp tục học liên thông đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2014, Tuyên tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Trong giảng dạy, Tuyên luôn nỗ lực tìm tòi những phương pháp giảng dạy hay, hiệu quả. Cũng vì vậy, lớp do Tuyên chủ nhiệm tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn đạt cao. Năm học 2014-2015, Tuyên đạt chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp huyện.

Em trai kế là Phùng Văn Dương, SN1989, tốt nghiệp khoa Tin học Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (TP. Hồ Chí Minh) năm 2011 và dạy Tin học tại Trường tiểu học Bông Sao, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Cũng như chị gái, Dương tiếp tục học liên thông tại Trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. Khi còn đi học, điều kiện gia đình khó khăn, Dương phải tích cực làm thêm, lúc thì làm nhà hàng, phụ hồ... Ai thuê gì Dương cũng làm để phụ giúp cha mẹ trang trải chi phí học hành. Bây giờ, ngoài việc giảng dạy, Dương còn làm thêm cho Công ty viễn thông Phương Nam. Thu nhập ổn định, Dương chu cấp thêm cho 3 em gái, trong đó 2 em đang học Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Phùng Thị Ngọc Ánh, SN1991, đang học khoa Dược và Phùng Thị Kiều, SN1993, học bác sĩ y học cổ truyền và Phùng Thị Vân, SN1995 đang học Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước.

Ở Tân Hòa, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Phú, thật đáng trân trọng khi một gia đình người dân tộc thiểu số đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái học hành thành đạt. Gia đình ông Khiết xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều gia đình noi theo.   

Khắc Bảy

  • Từ khóa
85269

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu