Thứ 6, 29/03/2024 05:14:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:33, 14/08/2019 GMT+7

Già làng Điểu Chon - cây cổ thụ tỏa bóng trên non cao

Thứ 4, 14/08/2019 | 14:33:00 1,394 lượt xem
BP - Những cây cổ thụ luôn là chỗ dựa và tạo nên sức mạnh cho các cánh rừng. Già làng Điểu Chon là một cây cổ thụ như thế ở thôn Bù Xiết, xã Đoàn Kết (Bù Đăng). Vốn là người lính Cụ Hồ từng vào sinh ra tử, ông trở về với cuộc sống đời thường vô cùng mẫu mực và được người dân xem như “thẩm phán trên sóc”.

Già làng Điểu Chon nói: “Sống, học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ thiết thực nhất là luôn luôn rèn luyện mình bằng cách không ngừng học tập và lao động. Học tập và làm theo gương Bác cho trái ngọt không chỉ riêng mình mà còn cho đời”.

“Lính 5 đồng”

Sau khi tham gia du kích ở xã từ năm 1975-1978, thanh niên Điểu Chon nhập ngũ trở thành trinh sát cơ động tỉnh Sông Bé thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 304. Ông được giao nắm thông tin địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp trong chiến tranh biên giới Tây Nam và truy quét tàn quân Fulro ở các xã Nghĩa Trung, Thống Nhất, Đồng Nai, Thọ Sơn... trên địa bàn huyện Bù Đăng. Nhiệm vụ nguy hiểm, buộc phải di chuyển liên tục, một số đồng đội hy sinh khiến đơn vị ông có 33 người nhưng trụ lại đến khi xuất ngũ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lúc rảnh rỗi, Già làng Điểu Chon tìm hiểu chính sách, pháp luật để làm tốt nhiệm vụ người có uy tín

“Cùng đơn vị tôi có 5 người quê Bù Đăng, nhưng 3 người hy sinh do bị bắn tỉa khi làm nhiệm vụ ở biên giới Campuchia. Khắc nghiệt là thế nhưng tôi luôn quan niệm “Súng là vợ, đạn là con, luôn sẵn chiến đấu và tham gia trực tiếp vào chiến trường”. Những ngày là lính, phụ cấp 5 đồng/tháng, cuộc sống cực khổ vô cùng. Hành quân một ổ bánh mì chia làm nhiều bữa, ăn cao lương, thiếu nước uống; có khi phải uống nước bùn, thậm chí phía trước xe chạy phía sau anh em hành quân khát nước quá cũng uống tại vũng xe vừa đi qua để được sống, chiến đấu và cống hiến. Những kỷ niệm đó, tôi không bao giờ quên và luôn tự hào về điều đó” - già làng Điểu Chon chia sẻ.

Từ giã “đời lính 5 đồng”, từ năm 1982-2014, ông làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Bù Đăng. Đúng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, khó khăn nào ông cũng vượt qua, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành. Ông luôn là tấm gương mẫu mực với đồng chí, đồng đội, cộng sự của mình.

“Thẩm phán trên sóc”

Là người có uy tín trong cộng đồng, từng trải, nhiều kiến thức tích lũy trong công việc, đồng thời luôn nêu gương trong cuộc sống, già làng Điểu Chon trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào S’tiêng ở xã Đoàn Kết. Việc lớn, việc nhỏ liên quan đến văn hóa, phong tục, đồng bào đều tin tưởng nhờ ông hướng dẫn, giúp đỡ, phân xử. Vì thế, người dân trong vùng gọi già làng Điểu Chon là “thẩm phán trên sóc”.

Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, những vấn đề đồng bào vướng mắc thường liên quan đến đạo đức, phong tục của người S’tiêng. Đôi khi do thiếu hiểu biết pháp luật, đồng bào vô tình vi phạm. Được người dân tin tưởng, tôi thấy mình có trách nhiệm như người dẫn dắt để đồng bào đi đúng hướng, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, sống có ích cho xã hội.

Già làng Điểu Chon nói

Ở tuổi 62, già làng Điểu Chon tác phong vẫn nhanh nhẹn, tháo vát, đúng chất bộ đội Cụ Hồ. Ngoài thời gian dành cho vườn rẫy, ruộng lúa, ông tranh thủ bổ sung kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, hình sự... “Những cuốn sách không rời khỏi tôi lúc rảnh rỗi. Vì nó có ích cho nhiệm vụ hiện nay tôi được tin tưởng giao - người có uy tín, đặc biệt là niềm tin của người dân. Có lúc đồng bào vi phạm phong tục, an ninh trật tự hay vi phạm đạo đức như con ngược đãi cha mẹ, cha mẹ bạo hành con, tranh chấp tài sản... Để hòa giải, phân xử thấu tình đạt lý, ngoài căn cứ phong tục của đồng bào S’tiêng, hương ước, quy ước, còn phải theo pháp luật của Nhà nước” - già làng Điểu Chon nói.

Anh Điểu Xuân ở thôn 6, xã Đoàn Kết kể: “Vì mâu thuẫn cá nhân, gần đây do không kiềm chế được cơn giận, tôi đã ném đá vào đầu của cháu nội ông Điểu Hùng gây thương tích khiến mâu thuẫn hai bên càng gay gắt. Nhờ già làng Điểu Chon hòa giải nên chuyện lớn hóa thành không. Tôi và gia đình ông Điểu Hùng đã xóa bỏ hiềm khích với nhau”.

Triệu phú miền cao

Trải qua những ngày tháng chiến tranh giúp ông quý trọng hòa bình, quý trọng thời gian và lao động. Ngoài thời gian dành cho cộng đồng, ông chăm chỉ tạo dựng cơ nghiệp vững chắc. Sau nhiều lần thay đổi cây trồng, ông chọn gắn bó với cây điều, đồng thời xen canh cà phê. Ở tuổi xế chiều nhưng ông vẫn ngày ngày lên rẫy chăm sóc 12 ha điều xen cà phê, 5 sào lúa, 3 sào sầu riêng. Tuổi cao nhưng ông theo kịp công nghệ thông tin làm kinh tế tổng hợp. Ông tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ nhiều kênh, đồng thời hoạch định chi phí chăm sóc cụ thể cho mỗi loại cây trồng, khoảng 7 triệu đồng/năm/ha. Cây và đất không phụ công người, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu trên 200 triệu đồng. 2 vụ lúa giúp gia đình ông không mất một đồng mua mà vẫn được ăn gạo sạch.

Ông có 4 người con, 2 con trai đầu Điểu Khó và Điểu Bom đều nối nghiệp cha nhập ngũ, rồi ra quân có việc làm ổn định, chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Điểu Khó và Điểu Bom học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của cha, cũng gắn bó với cây điều và đều thành công. Gia đình các anh có thu nhập và cuộc sống ổn định. Người con gái Điểu Krang và con trai út Điểu Kinh cũng được ông giúp đỡ phát triển kinh tế trở thành hộ khá trong thôn...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bù Xiết, thanh niên Điểu Chon năm nào nay đã trở thành già làng uy tín, là chỗ dựa vững chắc không chỉ cho gia đình mà còn với cộng đồng.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
2299

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu