Thứ 7, 20/04/2024 13:00:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:50, 10/03/2016 GMT+7

Già làng Thị Chanh đa tài

Thứ 5, 10/03/2016 | 08:50:00 1,302 lượt xem
BP - Phụ nữ ấp 4, xã An Khương (Hớn Quản) yêu mến Thị Chanh (1955) bởi bà không quản thời gian, công sức giúp họ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm để vừa tăng thu nhập vừa lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển nông thôn. Ấn tượng hơn khi mỗi tháng, bà còn tập hợp chị em để vừa vui chơi, ca múa vừa bàn chuyện nuôi dạy con, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần...

“LÀM GÌ CŨNG HẾT LÒNG, HẾT SỨC”

Đó là suy nghĩ mà già làng Thị Chanh bày tỏ khi nói về công việc mà bà vẫn làm ở nhiều cương vị: già làng, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 4 và Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã An Khương.

Ấp 4 có 138 hộ nhưng chỉ có một hộ người Kinh, còn lại là đồng bào S’tiêng. Vì vậy, bản sắc riêng của đồng bào bản địa ở đây rất đậm nét. Đi quanh ấp vào những buổi chiều, mọi người dễ dàng bắt gặp các bà, các cô ngồi dệt thổ cẩm. Nếu vào ngày thứ bảy, chủ nhật còn có cả trẻ nhỏ được bà, mẹ dạy nghề. Và người góp công vào việc gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống đó phải kể tới bà Thị Chanh. “Ngày xưa, nhà nghèo mình không được đi học nên giờ 7 đứa con, mình đều khuyến khích và cho đi học nên biết chữ hết. Riêng mình, tuy không biết chữ nhưng luôn lắng nghe điều hay, lẽ phải, giúp đỡ mọi người nên hơn 30 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ, chị em rất ủng hộ” - nói rồi già làng Thị Chanh nở nụ cười đầy mãn nguyện. Chúng tôi cũng vui lây với sự hào hứng của bà.

Già làng Thị Chanh thích thú khi được chỉ dạy cho chị em cùng dệt thổ cẩm

Bà Thị Út ở gần nhà già làng Thị Chanh cho biết: “Bà Chanh luôn chỉ chúng tôi cách dệt áo, váy, xà rông sao cho lạ, nhiều hoa văn khác nhau và đẹp nên ai cũng thích. Ở đây, lời nói của  già làng Thị Chanh rất có uy tín. Già làng rành phong tục tập quán, biết dệt thổ cẩm, đan gùi, múa hát và đã tận tình dạy cho chị em cũng như con cháu trong ấp. Điều gì không rõ, chúng tôi vẫn tham khảo ý kiến của già làng”. An Khương là xã vùng sâu, xa, đời sống tinh thần người dân còn nghèo nàn nên khi xã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng, với tư cách là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ, hằng tháng già làng Thị Chanh lại tập hợp phụ nữ đến nhà văn hóa ấp để nghe cồng chiêng và hát múa. Điều đó trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu giúp chị em xích lại gần nhau và hăng say lao động hơn.

Già làng Thị Chanh chia sẻ: “Mỗi khi tập hợp chị em tham gia múa hát theo nhịp cồng chiêng, mình luôn lồng ghép tuyên truyền nội dung mà Hội Phụ nữ xã giao; chia sẻ cùng chị em cách nuôi dạy con ngoan, chăm chỉ lao động, không ăn cắp... Bởi chỉ có siêng học tập, lao động, tự mình làm ra đồng tiền thì ăn mới ngon, ngủ mới yên. Còn việc biết dệt thổ cẩm, đan gùi, đánh cồng chiêng, làm nương rẫy chính là biết trân trọng, giữ gìn điều mà tổ tiên, ông bà của mình mong muốn. Từ đó cũng giúp người S’tiêng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”.

TẤM LÒNG DÀNH CHO THẾ HỆ TRẺ

Là nghệ nhân dệt thổ cẩm duy nhất hiện nay ở An Khương được nhà nước cấp giấy chứng nhận, già làng Thị Chanh tự hào khoe được học nghề dệt từ bà và mẹ khi lên 6 tuổi. Bà thích lắm nên dệt mọi lúc có thể để thỏa niềm yêu thích và không quên nghề. Hơn thế, bà luôn tìm cơ hội để truyền nghề cho con, cháu, nhất là lớp trẻ trong ấp. Bà có cách lôi kéo đám trẻ rất chuyên nghiệp. Đó là vừa dốc hết sức chỉ dạy từng đường kim, mũi chỉ vừa khuyên nhủ mỗi ngày để con cháu hiểu rằng: biết dệt vải, múa hát và chăm chỉ trồng lúa, tiêu, điều, cà phê... sẽ không bao giờ đói, nghèo.

Bà Thị Chanh nói: “Đã có thời, người S’tiêng bỏ dệt vì vải vóc nhiều, đa dạng trong khi dệt thổ cẩm đòi hỏi kiên nhẫn, khéo tay và mất nhiều thời gian. Nhưng sau khi được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp tổ chức mở lớp truyền nghề do mình truyền dạy thì nhiều chị em đã gắn bó trở lại. Không ít người còn chỉ dạy cho các con nữa. Nghề dệt thổ cẩm độc đáo lắm, máy móc không làm được đâu. Người càng khéo tay càng có cách bắt bông độc đáo. Bắt bông là công đoạn khó nhưng hấp dẫn người thợ nhất. Thợ càng giỏi càng thích sáng tạo nhiều mẫu khác nhau”. Già làng Điểu Chích cùng sống ở ấp 4 cho biết: “Nhờ già làng Thị Chanh, vợ và các con tôi cũng đã biết dệt thổ cẩm. Nhìn chị em dệt, tôi thích lắm! Tôi thích vợ con biết dệt thổ cẩm để giữ được nét riêng của người S’tiêng. Đó là niềm tự hào mà không phải dân tộc nào cũng có”.

Điều khiến già làng Thị Chanh vui nhất là sau những tâm huyết thì bà cùng với đội ngũ già làng, thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương đã đào tạo được lớp trẻ kế cận biết hát múa và đánh cồng chiêng. Những người trẻ tham gia câu lạc bộ cũng đam mê và có khả năng từng bước thay thế cha chú. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ luôn biết cách xen kẽ biểu diễn giữa người cũ và người mới để giúp nghệ nhân trẻ dần trưởng thành và từng bước tự tin thể hiện bản thân.

Dịp này, vui nhất với phụ nữ ấp 4 theo già làng Thị Chanh thì với lợi thế của riêng mình, già làng - Chi hội trưởng phụ nữ ấp 4, sẽ lại cùng chị em chào mừng Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 theo cách riêng. Đó là vui múa hát trong tiếng cồng chiêng rộn rã...

Ngọc Tú

  • Từ khóa
1941

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu