Thứ 5, 28/03/2024 19:07:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:55, 19/06/2018 GMT+7

Gia Long trị quan tham

Thứ 3, 19/06/2018 | 14:55:00 816 lượt xem
BP - Trong thời gian trị vì vương triều Nguyễn (1802-1820), vua Gia Long đã ban hành bộ “Hoàng Việt luật lệ” với 22 quyển, gồm 398 điều quy định về đủ các loại hình. Đây là bộ luật quan trọng để duy trì trật tự xã hội dưới triều đại nhà Nguyễn, góp phần quan trọng củng cố vương triều được ổn định lâu dài. Điều luật trị tội quan lại nhận tiền của hối lộ được quy định tại quyển 17, trong mục hình luật và đây là điều cấm bắt buộc đối với quan lại khi thi hành việc công.

Một cảnh xử án thời xưa (Ảnh minh họa qua nghiencuuquocte.org)

Theo đó: Người hưởng bổng lộc triều đình mà lạm dụng luật pháp ăn đút lót của nhiều chủ, buộc tội chung nhận của người mắc tội mà xử cong quẹo luật pháp, nhận tiền của một người thì phạt trọn việc đó. Như nhận tiền của 10 người một lúc, việc đổ bể, tính chung một chỗ, xử trọn 1 tội. Còn tội phạm 2 việc trở lên, 1 chủ trước bị phát giác và xử tội, tội sau bị phát giác nhẹ hơn, cũng bị xử. 1 lượng trở xuống phạt 70 trượng, 1 lượng đến 5 lượng phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 đến 15 lượng phạt 100 trượng..., 80 lượng đúng phạt treo cổ. Không lạm dụng luật pháp, nhưng ăn đút lót của nhiều chủ, tính chung xử tội theo nửa số đó. Tuy có nhận tiền của người nhưng không xử cong quẹo, song nhận cùng lúc tiền của 10 chủ, việc đổ bể, tính gộp chung xử phân nửa tội, một chủ cũng xử phân nửa tội. 1 lượng trở xuống phạt 60 trượng, 1 lượng đến 10 lượng, phạt 70 trượng, 20 lượng phạt 80 trượng, 30 lượng phạt 90 trượng, 40 lượng phạt trăm trượng,...120 lượng trở lên treo cổ.

Còn việc quan lại hứa nhận tiền của được quy định như sau: Phàm quan lại có dịp tra xét sự việc phạm pháp, người phạm pháp hứa biếu xén tài vật, nhân đó hứa làm theo ý họ, nếu lời yêu cầu ấy được thi hành, dù chưa gom tiền vào tay thì nó cũng đã ấp ủ nơi lòng, nên xử là cốt phạt cái tâm kia. Tội là ở chỗ tâm tham ô, xử án thì cứ theo số tiền của nhận mà buộc tội. Về mức tội thì theo chỗ làm cong luật xử theo đó, còn việc không làm cong luật thì xử theo không làm cong luật, đều được giảm 1 bậc, tha cho người chưa lấy tiền của. Người không ăn lương nhà nước sẽ được giảm một bậc so với người ăn lương nhà nước. Nếu đủ số đến chết, thì người có ăn lương, giảm chung 2 bậc, người không ăn lương giảm chung 3 bậc.

Hứa nhận tiền của nhưng mới chỉ hứa miệng thì tang vật không xác thực, không được xử đại khái, phải truy xét như tài vật hứa nhận giấu kín để chỗ khác hay viết ra trong đơn kê số tiền ấy, hoặc giao cho người nói việc. Trường hợp này nên bắt người hứa nộp tiền, thu lấy số ấy cho vào quan. Nếu thủ phạm phải nên trị tội thì vẫn chiếu luật mà xử. Như y phạm tội mà nhẹ hay không tội vì chỉ nhận hứa theo lời yêu cầu thì phạt tội không theo điều nặng. Còn như hứa rồi có giao tiền thật là bao nhiêu, coi rõ là đã nhận hay chưa thì số mục kể cả tang vật và sự việc mà y phạm, xử theo luật nặng. Đã giao tang vật với tên người nhận, phải truy số chưa giao, vẫn truy theo tên người nhận.

Sách sử ghi lại năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, tại Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho dân, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền ra lệnh chém.

Trong sách “Đại Nam thực lục” kể, vào tháng 5-1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn 1 lạng vàng bị phát giác. Bộ Hình đưa ra xét xử vụ án. Thời đó, nếu lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu. Tuy nhiên, với Hữu Diệm, thay bằng tuyên án chém đầu, bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua cho rằng ở thời vua trước, có 1 viên quan thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả để trộm đổi lấy ấn thật trong kho. Những tên này đều bị chém ngay. Hữu Diệm dám công nhiên lấy trộm cả cân vàng, theo nhà vua trong mắt Hữu Diệm đã không có pháp luật. Vua lệnh giải ngay Hữu Diệm đến chợ Đông Ba chém đầu để răn đe những người khác có ý định phạm tội.

Lời bàn:

“Hoàng Việt luật lệ” của triều Nguyễn là bộ luật cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam. Mặc dù ra đời trong xã hội quân chủ nhưng “Hoàng Việt luật lệ” vẫn chứa đựng những yếu tố tích cực, mang tính nhân văn. Đặc biệt là trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị với những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân chống lại sự ức hiếp, sách nhiễu của cường hào, quan lại; bảo vệ quyền lợi của tầng lớp dưới, của nô tì, của nhóm “đối tượng dễ bị tổn thương” người già, người tàn tật, trẻ em và phụ nữ.

Chính vì vậy, những quy định về trách nhiệm của quan lại, về việc xử phạt những hành vi tiêu cực trong đạo luật cổ như “Hoàng Việt luật lệ”,... đang được hậu thế khai thác và phát huy trong việc triển khai công cuộc cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng. Những kinh nghiệm và hạn chế trong lĩnh vực lập pháp cũng đã và đang được các nhà làm luật Việt Nam đương đại tham khảo, áp dụng. Những giá trị nhân văn sâu sắc của các bộ luật xưa cũng là những cơ sở để giáo dục truyền thống, xây dựng con người Việt Nam có thể hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc đã được khẳng định và bảo tồn.

N.D

  • Từ khóa
110054

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu