Thứ 7, 20/04/2024 01:56:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 06:45, 21/08/2019 GMT+7

Giải pháp hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo

Thứ 4, 21/08/2019 | 06:45:00 1,086 lượt xem
BP - Những năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân khiến đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh, vượt cấp nhưng phổ biến nhất vẫn là chưa giải quyết tốt ngay từ cơ sở...

NHIỀU VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO KÉO DÀI

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại tỉnh diễn ra, đại diện Thanh tra tỉnh cho biết, năm 2018 và từ đầu năm đến ngày 15-7-2019, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp nhận 3.514 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó có 764 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đã giải quyết 587 đơn, đang giải quyết 177 đơn. Qua giải quyết, đã thu hồi cho nhà nước 7.197m2 đất và 126 triệu đồng; trả lại cho công dân 24 triệu đồng, bảo vệ quyền lợi cho 8 người, kiến nghị xử lý hành chính 10 người, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ. Đặc biệt, qua giải quyết tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm nhiều cán bộ, công chức để xảy ra sai sót trong thực hiện nhiệm vụ...

Cần làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong ảnh: Một hộ dân đổ đá chặn lối đi chung trong vụ tranh chấp lối đi kéo dài nhiều năm ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài

Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân khiến đơn thư khiếu nại, tố cáo những năm qua gia tăng, phức tạp là do Bình Phước thực hiện cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp do hộ xâm canh lấn chiếm để giao các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dự án an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Một số hộ dân bị thu hồi đất cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nên khiếu nại. Mặc dù đã được các cấp chính quyền xem xét giải quyết thỏa đáng nhưng một bộ phận người dân vẫn khiếu nại lên cơ quan Trung ương và yêu cầu giải quyết theo ý muốn chủ quan của họ. Bên cạnh đó, có vụ việc người khiếu nại, tố cáo gửi đơn đến nhiều nơi làm tăng số lượng đơn thư so với số vụ việc thực tế. Ngoài ra, do trước đây, Bình Phước đang thực hiện cấp đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ từ đất rừng nghèo kiệt thì năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng, khiến nhiều hộ trong danh sách được hỗ trợ buộc phải tạm ngưng. Các hộ này đã làm đơn khiếu nại đòi quyền lợi... Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho rằng, nguyên nhân một phần là do công tác quản lý đất đai của tỉnh trước đây còn nhiều hạn chế. Hồ sơ địa chính không đồng bộ, thiếu chính xác dẫn đến phát sinh khiếu nại, tranh chấp khó giải quyết. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi thi hành công vụ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là công tác kiểm kê, kiểm đếm trong bồi thường, hỗ trợ và thực hiện tái định cư.

Một số ý kiến cho rằng, vấn đề công khai, minh bạch trong quản lý hành chính chưa tốt, người dân thiếu thông tin dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, nhiều cơ quan, người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm trong tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. “Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân từ phía cơ quan Trung ương. Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn được các cơ quan Trung ương tiếp nhận và chuyển về cho địa phương xem xét lại. Đây cũng là nguyên nhân làm cho người dân không tin tưởng kết quả giải quyết của địa phương” - ông Phạm Văn Thuấn, Phó chánh Thanh tra tỉnh cho biết thêm.

Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của huyện Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài, các thành viên đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do công tác phân loại, xử lý đơn thư cấp cơ sở chưa tốt. Một số nơi, cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa phân loại rõ nội dung đơn và thẩm quyền giải quyết khiến nhiều đơn thư không được giải quyết kịp thời, triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.

CẦN GIẢI QUYẾT TỐT NGAY TỪ CƠ SỞ

Huyện Đồng Phú hiện còn 12 vụ việc khiếu nại kéo dài chủ yếu liên quan đến các hộ có đất xâm canh trái phép bị nhà nước thu hồi từ những năm 2002-2006. Nguyên nhân một phần do ý thức của người dân. Không ít trường hợp, khi có vấn đề liên quan đến quyền lợi đã bị các phần tử xấu lôi kéo, kích động, có những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá quy định pháp luật. Nhiều vụ việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý nhưng người dân vẫn không bằng lòng, tiếp tục khiếu nại lên cơ quan Trung ương với phương châm được thì tốt, không được cũng chẳng sao... Để chấm dứt tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Nhưng, Chánh thanh tra huyện Đồng Phú cho rằng, hệ thống dữ liệu theo dõi thông tin về giải quyết khiếu nại phải được cập nhật, kết nối từ Trung ương đến địa phương để khi người dân đến trụ sở Tiếp công dân Trung ương, với những vụ việc đã được giải quyết thì cần xem xét trả lời luôn cho người dân, tránh tình trạng cứ tiếp nhận rồi chuyển về địa phương yêu cầu tiếp tục giải quyết.

“Để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, cần làm tốt công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại; thanh - kiểm tra chất lượng thực thi công vụ; nâng cao chất lượng giải quyết lần đầu; bố trí lịch tiếp công dân hợp lý, tránh gây lãng phí thời gian của cả người dân và lãnh đạo. Đặc biệt, cần làm tốt công tác phân loại đơn, phân loại theo thẩm quyền giải quyết; thường xuyên rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài để xem xét giải quyết kịp thời cho người dân, tránh đơn thư khiếu nại vượt cấp...”

Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiến kế.

Thực tế cho thấy, trong số 527 đơn khiếu nại các cấp chính quyền đã giải quyết, có 340 đơn công dân khiếu nại sai toàn bộ, 61 đơn khiếu nại đúng một phần. Trong 60 đơn tố cáo đã giải quyết; có 24 đơn tố cáo sai, 21 đơn tố cáo đúng một phần. Tuy nhiên, thông thường kết luận những nội dung khiếu nại, tố cáo sai sự thật là không có cơ sở để giải quyết, còn đối với hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì không được nhắc đến. Điều này vô hình trung thiếu sức răn đe đối với người khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo cần phải có chế tài đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo sai; lợi dụng quyền khiếu nại để lôi kéo, xúi giục người dân đi khiếu kiện đông người, làm mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo để có thể tham mưu và làm tốt hơn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ đầu. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân; phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai theo hướng tăng cường đối thoại, pháp luật cần thừa nhận kết quả hòa giải tại cộng đồng để giải quyết dứt điểm nhiều khiếu nại ngay từ cơ sở...

Minh Luận

  • Từ khóa
32205

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu