Thứ 6, 29/03/2024 05:15:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:26, 08/06/2019 GMT+7

Giải pháp khi tiền điện tăng cao - Bài 1

Thứ 7, 08/06/2019 | 07:26:00 4,350 lượt xem
BP - Từ ngày 20-3-2019, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng khoảng 8,36% so với giá cũ. Thêm vào đó, cao điểm nắng nóng trong 2 tháng vừa qua nên nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, khiến tiền điện của nhiều gia đình, doanh nghiệp tăng cao. Việc tăng giá điện đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp như thế nào và Công ty Điện lực Bình Phước giải đáp cũng như có khuyến cáo ra sao với khách hàng của mình?

BẤT NGỜ VỚI HÓA ĐƠN TIỀN ĐIỆN

 “Không hiểu lý do vì sao? Biết nắng nóng, nên gia đình tôi hạn chế sử dụng điện, tiết kiệm tối đa mà tiền điện không giảm, ngược lại tăng chóng mặt quá! Tôi biết thông báo giá điện tăng theo định mức mới, nhưng tăng như vậy là rất cao so với khả năng chi trả của gia đình tôi” - ông Huỳnh Ngọc Cường, ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú (Đồng Phú) than thở.

BIẾT TRƯỚC VẪN BẤT NGỜ

Cầm hóa đơn tiền điện tháng 4-2019, ông Cường giật mình, tưởng nhân viên thu tiền điện đưa nhầm vì nhà ông cũng sử dụng điện như những tháng trước, không tăng thiết bị điện mà hóa đơn tăng từ 1,8 triệu lên 2,25 triệu đồng. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý có thể tăng, nhưng cầm hóa đơn tiền điện sau khi áp dụng khung giá mới, không ít người ngỡ ngàng vì số tiền điện mà họ phải trả tăng từ 10-15%, chứ không phải 8,36% như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thông báo.

“Tiền điện nhà tôi tăng gần gấp 3 lần, từ 250 ngàn đồng tháng 3 lên gần 700 ngàn đồng tháng 4, trong khi gia đình tôi đóng cửa đi làm cả ngày, tối về mới sử dụng các thiết bị điện. Đó là 1 tháng, chứ 1 năm cộng lại thì khoản tiền đội lên không nhỏ” - chị Nguyễn Thanh Tú ở đường Bùi Thị Xuân, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long bức xúc.

Điều chỉnh tăng giá điện mới tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của các trang trại, doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng III (Chơn Thành) trong giờ làm việc

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nhiều hơn nhưng mức tăng đột biến này khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Gia đình anh Đàm Văn Tiến ở thôn Tân Hiệp 2, xã Bù Nho (Phú Riềng) sử dụng điện chỉ ở mức dưới 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng tiền điện tháng 4 vừa qua của gia đình anh tăng lên 3,9 triệu đồng, tương đương 1.320kWh. Dù được điện lực báo là do tăng lượng điện tiêu thụ và giá tháng 4 có điều chỉnh, nhưng anh Tiến vẫn cho rằng tiền điện có điều chỉnh tăng nhưng mức tăng nhiều như vậy là bất hợp lý.

Tiền điện vận hành nhà xưởng của công ty hằng tháng khoảng 12,5 tỷ đồng, tương đương 8.135.700kW điện. Với điều chỉnh tăng giá điện mới, tháng 4 vừa rồi doanh nghiệp phải trả tiền điện thêm 2 tỷ đồng. Giá điện tăng tác động rất lớn đến chi phí sản xuất, nguyên liệu đầu vào, nhưng công ty không thể tăng giá sản phẩm vì hợp đồng đã ký từ đầu năm.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Trưởng phòng Tổng vụ, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng III, huyện Chơn Thành nói.

Anh Tiến cho biết: “Gọi nhân viên điện lực tới kiểm tra công tơ thì họ nói chỉ số ghi điện đúng, không có gì bất thường và nói có thể do nóng nên nhà mình dùng tăng các thiết bị làm mát. Song, giải thích như vậy là chưa thỏa đáng. Tôi đồng ý là lượng điện tiêu thụ có tăng nhưng với cách tính giá lũy tiến của điện lực khiến tôi rất khó hiểu”.

Phần lớn công nhân lao động tại các khu công nghiệp đều thuê nhà trọ. Hằng tháng, ngoài tiền thuê nhà thì các khoản tiền điện, nước... cũng bằng một nửa số tiền phòng trọ. Vợ chồng anh Trần Văn Dũng làm công nhân Công ty TNHH Shyang Ta ở Khu công nghiệp Chơn Thành I, huyện Chơn Thành. Trong căn phòng trọ 16m2, gia đình anh đang sử dụng các thiết bị điện như tủ lạnh, tivi, quạt, nồi cơm điện... mỗi tháng khoảng 100kWh. Tính cả tiền thuê phòng, anh chị phải đóng cho chủ nhà 1,3 triệu đồng/tháng. “Giá điện tăng chắc chắn cuộc sống người lao động sẽ khó khăn hơn, nhất là những gia đình có con đi học” - anh Dũng bộc bạch.

CHI PHÍ SẢN XUẤT TĂNG CAO

Ngành điện đưa ra con số giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36%. Thế nhưng, mức chênh lệch giữa các bậc theo cách tính mới của ngành điện là điều đáng bàn. Với cách tính lũy tiến mới thì giá bán lẻ điện sinh hoạt chia theo 6 bậc. Hai bậc đầu lần lượt là 1.678 đồng và 1.734  đồng/kWh. Tỷ lệ chênh lệch chỉ 3,34%. Thế nhưng từ các bậc sau, mức chênh lệch cao nhất lên đến gần 26% và giá cao nhất là 2.927 đồng/kWh. Nếu khách hàng vừa tăng dùng điện, cộng với yếu tố giá, làm cho giá điện thực tế tăng hơn nhiều so với con số 8,36%.

Ảnh 1: Điện lực Bình Phước đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh 2: Gia đình anh Đàm Văn Tiến, thôn Tân Hiệp 2, xã Bù Nho (Phú Riềng) sử dụng điện quanh mức dưới 3 triệu đồng/tháng, nhưng tháng 4 vừa qua lên 3,9 triệu đồng

Đối với cách tính điện bậc thang mới, theo Bộ Công Thương là nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, việc tăng giá điện đang tác động nhiều đến chi phí đầu vào cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổng vụ, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng III (Chơn Thành) cho rằng, việc tăng giá điện phải có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị vốn đối ứng, không thể muốn tăng là tăng ngay khiến doanh nghiệp không kịp trở tay như hiện nay.

Còn ông Phùng Quang Phú, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng, cho biết: Bình quân mỗi tháng công ty sử dụng 850 triệu đồng tiền điện thì nay tăng lên 1,1 tỷ đồng. Chi phí điện tăng khiến giá thành tăng lên khoảng 10%, gây rất nhiều khó khăn trong bối cảnh giá mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay. Mặc dù công ty đã đưa ra các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, công đoạn nào tiết kiệm điện được công ty đều đã thực hiện, tuy nhiên cứ đà tăng giá điện như hiện nay, công ty đang tính toán chuyển qua lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời để giảm chi phí, thân thiện với môi trường.

KHÔNG CHỈ LÀ LỢI ÍCH MÀ CÒN LÀ TRÁCH NHIỆM

Ông Nguyễn Văn Xứng ở tổ 7, ấp Thanh An, xã Thanh Lương (Bình Long) cho biết: “Toàn ấp có khoảng 1.000 ha cây ăn trái như nhãn tiêu da bò, sầu riêng, bưởi da xanh, bơ... rất cần nguồn điện để tưới nước, nhất là vào mùa khô. Thay vì tăng giá điện, Nhà nước cần chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả thì thiết thực hơn. Bởi mỗi lần điện tăng giá là cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch hóa đơn tiền tiện tháng 4 so với tháng 3 là do người dân tăng mức sử dụng điện khi thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 3 (28 ngày). Số ngày sử dụng điện dài hơn, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân quan trọng khiến số tiền trong hóa đơn điện sử dụng tăng cao. Cùng với đó, biểu tính giá điện lũy tiến theo 6 bậc thang nên khi khách hàng dùng điện càng nhiều, tiền điện phải trả càng cao.

Ông NGUYỄN DUY CƯỜNG, Phó giám đốc Điện lực Đồng Xoài giải thích tại buổi tiếp xúc cử tri xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó giám đốc Điện lực Đồng Xoài khuyến cáo: Trong trường hợp lượng điện tăng đột biến mà nhu cầu thực tế không thay đổi, khách hàng có thể trực tiếp yêu cầu điện lực ở địa phương kiểm tra hoặc gọi tổng đài chăm sóc khách hàng của điện lực để yêu cầu nhân viên tới trực tiếp kiểm tra công tơ, các thiết bị điện...      

“Để giảm chi phí tiền điện của khách hàng cũng như góp phần giảm áp lực cung cấp điện lên toàn hệ thống, giúp vận hành hệ thống điện ổn định và an toàn, Điện lực Đồng Xoài sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đoàn thể, đối thoại với khách hàng... Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính người sử dụng điện mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân” - ông Cường chia sẻ. 

Ngân Hà - Đông Kiểm

  • Từ khóa
94559

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu