Thứ 6, 29/03/2024 02:40:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:46, 18/10/2017 GMT+7

Giải pháp khôi phục và cải tạo vườn điều

Thứ 4, 18/10/2017 | 13:46:00 182 lượt xem

BP - Sáng 17-10, tại UBND huyện Bù Đăng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng tổ chức diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp, chủ đề: Giải pháp khôi phục và cải tạo vườn điều. Tham dự diễn đàn có các ông: Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông 2 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng.

Nông dân tham gia diễn đàn tham khảo thuốc bảo vệ thực vật phòng, trị sâu bệnh hại cây điều

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Văn Hoang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết: Bình Phước có 134.204 ha điều, tương đương 30,3% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu điều của tỉnh năm 2016 đạt 500 triệu USD, chiếm 25% tổng GDP của ngành nông nghiệp. Ngành điều đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 ngàn lao động tại 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều trong toàn tỉnh. Xác định điều là ngành chiến lược trong phát triển nông nghiệp nên năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển ngành điều bền vững.

Tháng 6-2016, UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt đề án phát triển ngành điều bền vững đến năm 2020 theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, thời gian qua, do biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El nino gây hạn hán kéo dài vào năm 2015 đã gây thiệt hại cho cây trồng. Năm 2017, nhiều cơn mưa lớn trái mùa đã ảnh hưởng đến thụ phấn, đậu trái của cây trồng, nấm bệnh phát sinh. Hiện nay, tổng diện tích điều bị thiệt hại toàn tỉnh là 35.463,72 ha. Trong đó huyện Bù Đăng thiệt hại nhiều nhất, với 18.100 ha, chủ yếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và dân tộc thiểu số.

Tại diễn đàn, 133 nông dân trồng điều ở 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập (Bình Phước) và các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên (Lâm Đồng) đã nghe các ý kiến phát biểu của cán bộ khuyến nông 2 tỉnh về: diện tích, diễn biến thời tiết ảnh hưởng đến cây điều từ năm 2015-2017; dự báo sản lượng năm 2018 và phương hướng phát triển cây điều trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng mời các nông dân trồng điều chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc, trị nấm trên cây điều. Cán bộ khuyến nông đã trả lời những câu hỏi của nhà nông về quá trình bón phân các giai đoạn đầu, trong và cuối mùa mưa. Theo đó, việc bón phân diễn ra trong điều kiện đất ẩm là tốt nhất. Cuối mùa mưa nên ưu tiên bón phân kali cho cây điều. Nếu các vườn chưa bón đủ lượng phân nên bón đều công thức đạm, lân, kali. Việc bón lá, chất điều hòa sinh trưởng sẽ thực hiện khi lá bắt đầu xanh. Vườn nào chất lượng lá kém, bộ lá tốt nên bổ sung phân bón lá cho điều. Sau đó kích thích ra hoa, giảm rụng trái... Nếu lạm dụng phân lân đất sẽ thiếu kẽm, khả năng sâu bệnh càng cao, ảnh hưởng đến sản lượng. Với khí hậu, độ dốc của địa hình Bình Phước nên bón phân có chứa các chất chống rửa trôi, thất thoát đạm và lân.

Các cán bộ khuyến nông cho biết: Sâu đục thân rất khó trị, chủ yếu là phòng. Loại sâu này thường xuất hiện từ tháng 3-5. Đây là thời điểm xén tóc đẻ trứng, tác nhân của sâu đục thân, nhà nông nên dùng vôi quét lên thân cây điều khoảng 2m. Nếu thấy xén tóc đã đục vào thân, phải dùng dao đục, bắt sâu hoặc nhét thuốc vào thân để tiêu diệt loại sâu này. Các hộ nông dân tham dự diễn đàn cũng chia sẻ về kinh nghiệm tạo tán, tỉa cành, đặc biệt là tỉa cành nhỏ, yếu, úa để vườn điều thông thoáng. Sau khi tỉa cành sẽ bón phân giàu đạm, kali. Đặc biệt không nên xịt thuốc trị cỏ vì làm ô nhiễm môi trường, rửa trôi; nên phát cỏ, ủ cỏ làm phân hữu cơ bón cho cây điều.

T. Linh

  • Từ khóa
42167

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu