Thứ 5, 28/03/2024 17:45:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:36, 02/11/2018 GMT+7

Giải pháp nào cho chợ Bù Oai?

Thứ 6, 02/11/2018 | 06:36:00 3,813 lượt xem
BP - Chợ Bù Oai, thôn Bù Oai, xã Đắk Nhau (nay là thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng) được xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên hiện còn nhiều hạng mục bị bỏ ngỏ nên chưa hoạt động. Nguyện vọng có một nơi để tập trung buôn bán của người dân nơi đây vẫn chưa thành hiện thực. Quyền lợi của 7 hộ dân sau khi hiến đất xây dựng chợ vẫn chưa được UBND xã thực hiện.

Nỗi niềm người “vác tù và hàng tổng”

Trước đây, người dân thôn Bù Oai trồng được mớ rau, nuôi con gà, đi suối bắt tép, cá mang ra khu vực trung tâm thôn để trao đổi. Còn tiểu thương tận dụng mặt tiền trước nhà mở hàng quán. Khi dự án chợ Bù Oai được xã Đắk Nhau triển khai, ông Dương Quang Quảng (thôn 1, xã Đường 10), lúc đó là Trưởng thôn Bù Oai nhận nhiệm vụ vận động các hộ dân hiến đất xây dựng chợ. Với phương án UBND xã Đắk Nhau đưa ra, sau khi chợ đi vào hoạt động, các hộ sẽ được cấp một số lô đất trong khu vực chợ để xây dựng ki-ốt kinh doanh, buôn bán. “Người dân thôn Bù Oai cần một nơi tập trung để trao đổi hàng hóa, mua bán. Và khi chợ đi vào hoạt động, diện mạo của thôn sẽ khang trang hơn. Với niềm tin dự án sẽ thành công, tôi hiến đất đầu tiên làm gương cho các hộ còn lại. Sau đó, tôi vận động người thân và các hộ có đất ở trong khu vực dự án cùng hiến đất. Tổng số có 7 hộ hiến đất xây dựng chợ” - ông Quảng cho biết.

Được xây dựng với tổng kinh phí 798,736 triệu đồng trên diện tích 4.841m2 của 7 hộ dân đã hiến nhưng hiện nay chợ Bù Oai vẫn “vắng như chùa Bà Đanh” (ảnh lớn). Ông Đặng Sơn ở thôn 1, xã Đường 10 hiến đất với mong muốn có nơi kinh doanh khang trang nhưng sau 11 năm chưa có kết quả (ảnh nhỏ)

Năm 2007, chợ Bù Oai được xây dựng từ nguồn vốn Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP) với tổng kinh phí 798,736 triệu đồng. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp 31,677 triệu đồng. Chợ xây dựng trên diện tích 4.841m2 đất hiến tặng của 7 hộ dân. Trong đó, nhà lồng chợ 703,8m2, diện tích ngoài nhà lồng 4.137,20m2.

“Đến nay, chợ chưa hoạt động, tôi bị người dân “chửi” nhiều nhất, trong khi gia đình tôi cũng thiệt thòi. Hiện trong số 7 hộ hiến đất xây dựng chợ có một số hộ không nơi kinh doanh, kinh tế đi xuống, không có đất xây nhà đã làm đơn mong được cấp sổ đỏ cho những lô tái định cư theo như thỏa thuận với Ban quản lý thôn khi hiến đất nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nếu chợ không đi vào hoạt động thì mong chính quyền sớm có hướng giải quyết, nhất là các hộ đang gặp khó khăn về kinh tế và nhà ở. Có như vậy tôi đỡ áy náy” - ông Quảng nói.

Muốn nhận lại đất đã hiến

Vợ chồng ông Đặng Sơn và bà Nguyễn Thị Thảo ở thôn 1, xã Đường 10 cho biết, việc hiến đất xây dựng chợ Bù Oai của gia đình cũng như các hộ khác đều có biên bản thỏa thuận và có dấu xác nhận của UBND xã Đắk Nhau thời điểm đó. Biên bản hiến đất của gia đình ông Đặng Sơn với đại diện Ban quản lý thôn Bù Oai ngày 5-3-2007 có nội dung: “Đã tiến hành bàn bạc giữa ban quản lý thôn với gia đình ông Đặng Sơn thỏa thuận hiến đất để xây dựng chợ Bù Oai, với diện tích 15m mặt tiền, hậu 60m, tổng diện tích 600m2. Sau khi giao đất, gia đình có yêu cầu tái định cư lại 4 lô ở chợ. Không đền bù vật liệu, kiến trúc và cây trồng nhưng nhà nước cấp sổ đỏ 4 lô mặt tiền bên trái 4mx15m”.

Sau khi hiến đất xây dựng chợ, 7 hộ dân mong muốn có thêm cơ hội phát triển kinh tế, còn người dân trong thôn hy vọng có nơi để giao thương. “Hiện còn nhiều  hạng mục chưa hoàn thành nên nhiều lần UBND xã vận động người dân vào chợ nhưng thất bại. Chợ hoạt động có khi chỉ 2 đến 3 tiểu thương. Người dân vào chợ ít nên các tiểu thương dời ra ngoài hành lang để kinh doanh” - tiểu thương Nguyễn Thị Thảo ở thôn 1 cho biết.

Lý giải về việc nhiều lần UBND xã đã họp cùng tiểu thương để thống nhất phương án đưa chợ vào hoạt động nhưng không thành, ông Nguyễn Quang Minh, Phó chủ tịch UBND xã Đường 10 cho biết: Do một số công trình phụ chưa có như nước, nhà vệ sinh, bãi chứa rác thải... Mùa mưa đường vào chợ còn lầy lội. Mặt khác, việc quy hoạch chợ cũng chưa phù hợp, số lượng tiểu thương đăng ký vào chợ còn ít”.

Bà Nguyễn Thị Thảo cho biết thêm: Hơn 10 năm, tôi và các hộ hiến đất không được bất cứ quyền lợi gì. Vị trí kinh doanh của gia đình tôi cũng phải dời ra hành lang bên đường. Trong khi UBND xã cho thuê mặt bằng phơi nông sản hằng năm có thu phí. Hiện nay, việc đưa chợ đi vào hoạt động là khó thành hiện thực nên chúng tôi muốn được trả lại đất đã hiến. Nếu UBND xã chuyển đổi mục đích sử dụng thì trả lại đất đã hiến cho dân hoặc có phương án bồi thường hợp lý như bố trí vị trí khác”.

Phương án mới có khả thi?

Phó chủ tịch UBND xã Đường 10 Nguyễn Quang Minh cho biết: Năm 2009, xã Đường 10 được tách ra từ xã Đắk Nhau, công trình chợ Bù Oai lúc bàn giao chỉ có nhà lồng với diện tích 703,8m2 và một công trình điện hạ thế được thực hiện trong năm 2012 theo tinh thần Công văn số 109/UBND-KT ngày 27-2-2012 của UBND huyện Bù Đăng. Nhằm giải quyết quyền lợi của người dân hiến đất là được cấp lại một số lô đất để hoạt động kinh doanh ngoài nhà lồng chợ, Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch nhưng do chợ không hoạt động được nên việc phân chia cho các hộ không được thực hiện. Hiện UBND xã đã có định hướng quy hoạch lại chợ Bù Oai bằng việc mở rộng diện tích chợ tiếp giáp trục đường ĐT760 và kêu gọi nhà đầu tư để thống nhất phương án xây dựng lại chợ trình UBND huyện xem xét.

Một dự án được xây dựng trên niềm tin và tự nguyện cống hiến của người dân nhưng thực hiện nửa vời, dang dở. Nay tiếp tục phương án mở rộng diện tích chợ Bù Oai liệu có được người dân ủng hộ và có đi vào thực tế? Đây là bài toán cần sớm có lời giải ở xã Đường 10.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
94473

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu