Thứ 7, 20/04/2024 13:53:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:54, 25/04/2014 GMT+7

Giải pháp nào thu hút cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ về xã

Thứ 6, 25/04/2014 | 06:54:00 1,948 lượt xem

Tỉnh Bình Phước có 41 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống (khoảng 20% số dân). Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) người dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, CBCC cấp xã người DTTS nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định an ninh chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, trình độ đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn và đa phần chưa đạt chuẩn theo quy định. Thu hút cán bộ DTTS có trình độ đạt chuẩn về công tác tại cấp xã đang là bài toán chưa có lời giải.

Vừa thiếu vừa yếu

Là một xã biên giới có 1.228 hộ, với 5.282 người, trong đó đồng bào DTTS khoảng 1/3 số dân, chủ yếu là người Xêtiêng,  tuy nhiên nhiều năm qua, xã Hưng Phước (Bù Đốp) không thu hút được cán bộ là người DTTS về công tác. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, hiện toàn xã có 14 cán bộ người DTTS. Trong đó Bí thư Đảng ủy xã (dân tộc Tày) là cán bộ chuyên trách nhưng có quyết định nghỉ hưu từ đầu tháng 4-2014, số còn lại là cán bộ không chuyên trách làm việc ở các hội, đoàn thể. Hầu hết số cán bộ này đã lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp và chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên hiệu quả công việc chưa cao. Toàn xã có 6 ấp, trong đó 2 ấp Bù Tam, Phước Tiến đa phần là người Xêtiêng nhưng ban điều hành ấp không có cán bộ người DTTS. Tuy ấp Bù Tam có bí thư chi bộ là ông Điểu Dương, nhưng đã 65 tuổi, lại không biết tiếng Việt nên mọi việc đều do cấp phó làm thay. “Thiếu cán bộ có trình độ, năng lực ở khu vực đông đồng bào DTTS sinh sống sẽ tạo kẽ hở cho kẻ xấu lôi kéo bà con, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Chúng tôi rất muốn có cán bộ là người DTTS để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư, nhưng điều này khó thực hiện”, Phó chủ tịch UBND xã nói.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh - nguồn cán bộ, công chức trong tương lai - Ảnh: Tư liệu

Khác với Hưng Phước, xã Tân Tiến (Bù Đốp) hiện có 4 CBCC và 24 cán bộ không chuyên trách, công chức là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, còn cán bộ người Khơme, Xêtiêng chưa có. Ông Trần Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, toàn xã có 710/2.044 hộ là người DTTS, có 69 hộ người Khơme và 2 hộ Xêtiêng nhưng phần lớn trình độ văn hóa thấp nên không thể bố trí công tác. Những năm qua, cấp ủy luôn quan tâm đến công tác quy hoạch người DTTS bản địa và đã phát triển được 3 đảng viên, trong đó có một ấp trưởng tại Sóc Nê.

Tương tự, ở xã Long Giang (TX. Phước Long) có 721 hộ, trong đó 10% hộ đồng bào Xêtiêng (tập trung ở thôn 7), nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có CBCC người DTTS và hiện mới chỉ có 2 cán bộ bán chuyên trách làm việc tại UBND xã...

Cần có chính sách đặc thù

Ông Dương Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập cho rằng, để thu hút CBCC là người DTTS về cấp xã thì công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS không nên cào bằng giữa các dân tộc mà cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đặc thù cho người DTTS bản địa. Theo ông Dũng, người DTTS bản địa (Xêtiêng, Mơnông, Khơme) ở Bình Phước đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, trong khi đó các dân tộc khác như Tày, Nùng di cư chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào có trình độ học vấn cao hơn. Vì thế cần phải có chính sách ưu tiên đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS bản địa.

Cùng quan điểm đó, ông Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Long Giang cho rằng, chính sách cào bằng giữa các dân tộc không thể tạo điều kiện cho dân tộc bản địa vươn lên, cần có chính sách đặc thù cho họ. Theo ông Việt, chính sách ưu tiên đặc thù đối với người DTTS bản địa phải bắt đầu ngay từ bậc mầm non, tiểu học, chứ không đợi đến khi lên cấp 2, cấp 3 mới ưu tiên. “Thôn 7 của xã có 73 hộ, với 382 người dân tộc Xêtiêng, nhưng số học sinh học lên đến cấp 3 chỉ tính trên đầu ngón tay, đa số các cháu đều bỏ học ở bậc tiểu học. Hàng năm vào đầu năm học mới, chính quyền xã tổ chức các đoàn đến tận nhà vận động các cháu ra lớp, nhưng đến mùa điều các cháu lại bỏ học để phụ giúp cha mẹ” - ông Việt dẫn chứng.

Cũng theo ông Việt, những học sinh khi học hết cấp 3 phải có chính sách ưu tiên đào tạo, cử tuyển vì nếu để các cháu tự thi thì khó đậu. Sau khi tốt nghiệp hệ cử tuyển phải có cách sử dụng hợp lý. Mặt khác, cán bộ là người DTTS bản địa được cử đi đào tạo chỉ được hỗ trợ học phí và tiền lưu trú, các khoản khác không được hỗ trợ đã gây rất nhiều khó khăn.

Giải pháp nào cho công tác cán bộ là người DTTS

Ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, sự thiếu vắng cán bộ có năng lực, trình độ ở cấp xã là do các địa phương chưa quan tâm quy hoạch, chưa nghĩ đến một số cán bộ dân tộc tại chỗ có thể thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Những năm gần đây, lãnh đạo các cấp đã quan tâm đào tạo cán bộ, nhưng công tác cử tuyển đang có vấn đề do số học sinh bản địa quá ít. Mặt khác, hệ cử tuyển tại một số ngành không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương, nên khi các em học xong rất khó bố trí công việc. Theo ông Thanh, để giải quyết tình trạng này, Sở GD-ĐT - cơ quan thường trực Hội đồng xét tuyển của tỉnh cần phối hợp với địa phương - nơi sử dụng cán bộ và cơ sở đào tạo, phải thường xuyên theo dõi quá trình học tập của các em để nắm bắt tình hình.

Từ năm 2006 đến 2013, toàn tỉnh có 747 người DTTS được cử đi học cử tuyển. đến nay đã có 100 sinh viên ra trường nhưng mới có 14 em được bố trí công việc, số còn lại đi đâu, làm gì chưa rõ. Ông Huỳnh Thanh cho rằng, cần phải rà soát, đánh giá lại công tác cử tuyển để có giải pháp phù hợp với quy hoạch và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hàng năm, Sở GD-ĐT cần tổng kết công tác cử tuyển, Sở Nội vụ rà soát lại số sinh viên ra trường chưa được bố trí công tác để có kế hoạch thay thế cán bộ chưa đạt chuẩn và các xã chưa có cán bộ người DTTS.

Để thu hút cán bộ về xã, đặc biệt là xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, về lâu dài, ông Thanh cho rằng, cần xác định nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Nếu nhiệm kỳ này chưa có thì nhiệm kỳ sau phải có. Trước hết phải quan tâm từ đầu đối với con em người DTTS, cần có những chính sách ưu việt và đào tạo bài bản đối với học sinh DTTS ngay từ cấp tiểu học.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, tổng số CBCC người DTTS làm việc ở 3 cấp trong tỉnh là 232 người, trong đó: Cấp tỉnh 60, cấp huyện 23 và cấp xã 149 người. Trình độ văn hóa CBCC người DTTS: Cấp tỉnh, huyện 100% có trình độ THPT; cấp xã: Tiểu học 13, THCS 29 và THPT 107. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Cấp tỉnh: Trên đại học 4, đại học 38, cao đẳng 1, trung cấp 15 và sơ cấp 2; cấp huyện: đại học 21 và trung cấp 2; cấp xã: đại học 26, cao đẳng 7, trung cấp 59, sơ cấp 6 và chưa qua đào tạo 51. Trình độ lý luận chính trị: Cấp tỉnh: Cao cấp 2, trung cấp 4, bồi dưỡng 10; cấp huyện: Cao cấp 6, bồi dưỡng 1; cấp xã: Cao cấp 1, trung cấp 63 và bồi dưỡng 31.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
11087

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu